Nhớ Trường Sa
Cuộc đời mỗi con người luôn gắn liền với những chuyến đi. Trong đó, có những chuyến đi sẽ đọng lại trong ta những kỷ niệm không bao giờ quên. Với tôi, chuyến thăm Trường Sa cách đây 2 năm là một chuyến đi như thế.
Mới đó mà đã tròn 2 năm- kể từ ngày tôi được đặt chân lên con tàu mang số hiệu KN 491 của Kiểm ngư Việt Nam đi thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Suốt 2 năm qua, mỗi lần đọc báo, xem ti vi, hoặc chuyện trò cùng bạn bè, đồng nghiệp, chỉ nghe 2 tiếng Trường Sa là cảm xúc trong tôi lại dâng trào. Tôi nhớ đến từng chi tiết của hành trình 10 ngày vượt sóng đi thăm các đảo chìm, đảo nổi.
Tôi nhớ cái không khí chộn rộn của buổi sớm mờ sương ở Cảng Quốc tế Cam Ranh, khi chúng tôi nhận thẻ và bước chân lên tàu. Hơn 200 đại biểu đến từ nhiều địa phương, đơn vị khác nhau, hầu như chưa từng quen biết, vậy mà gặp nhau là tay bắt mặt mừng, râm ran trò chuyện, thăm hỏi lẫn nhau.
|
10 ngày trong “ngôi nhà chung”, chúng tôi đã trở thành một đại gia đình đoàn kết, gắn bó, san sẻ yêu thương. Tôi nhớ khuôn mặt rạng ngời của mọi người khi đứng trên boong tàu ngắm nhìn Tổ quốc giữa biển khơi. Nhớ những bữa cơm thắm tình quân dân, cùng hình ảnh những chiến sĩ hải quân - những đầu bếp không chuyên hàng ngày phải thức khuya, dậy sớm để đảm bảo công tác hậu cần phục vụ đại biểu; dù vất vả, gian nan, mỗi đêm anh em chỉ được ngủ khoảng 3 tiếng đồng hồ nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi. Nhớ những lúc chị em chúng tôi quây quần ở khu vực nhà bếp, phụ giúp nhặt rau, rửa chén; hay những lúc rảnh rỗi trên tàu, mặc cho con tàu lắc lư, chao đảo, phòng 325 của chúng tôi vẫn hăng say luyện tập, cùng hát vang những bài hát về biển đảo quê hương.
Tôi nhớ cảm giác hồi hộp xen lẫn tự hào mỗi lần được đặt chân lên đảo. Nhớ hình ảnh các chiến sĩ hải quân đứng xếp hàng dưới trời nắng như đổ lửa, vẫn rạng rỡ nụ cười để đón chúng tôi.
Nhớ cậu lính trẻ có cái tên thật lạ “Nguyễn Phạm Mitsubishi” ở đảo Đá Tây (B). Khi tôi đến, để ý thấy cậu đứng lặng lẽ với đôi mắt đỏ hoe. Lại gần hỏi han thì được biết quê cậu ở Phú Yên, là lính nghĩa vụ, mới ra đảo được hơn 3 tháng nên rất nhớ nhà, gặp tôi cậu lại nhớ mẹ nhiều hơn. Mềm lòng chút xíu vậy thôi, chứ lúc chia tay, cậu đã thủ thỉ: Cô yên tâm, con luôn được các anh em trong đơn vị quan tâm, động viên về mọi mặt, con sẽ cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
|
Nhớ ánh mắt trong veo, tiếng cười đùa rộn rã của các em nhỏ trên đảo Song Tử Tây và đảo Trường Sa Lớn. Các em - những công dân tương lai của đảo là minh chứng cho sức sống mãnh liệt nơi đầu sóng, ngọn gió, là sự tiếp nối của các thế hệ người Việt luôn kiên trung, bất khuất bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Tôi nhớ giây phút thiêng liêng khi tham gia lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma. Lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng trên boong tàu, ngay tại vùng biển giữa cụm đảo Sinh Tồn và các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma – nơi cách đây hơn 30 năm, vào ngày 14/3/1988, để chống lại kẻ thù xâm lược, với quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, 64 sĩ quan, chiến sĩ Hải quân và công binh của ta đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển sâu. Trong tiếng nhạc trầm hùng của bài “Hồn tử sĩ”, nhìn theo những cánh hoa được sóng biển cuốn đi xa dần, xa dần, nước mắt chúng tôi đã tuôn rơi.
|
Tôi nhớ các đảo chìm, đảo nổi, nhớ cái bịn rịn, lưu luyến lúc chia tay. Nhớ những người lính đảo kiên trung, bất chấp mọi gian khổ, khó khăn vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan và ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Và tôi nhớ, hàng năm cứ đến dịp này, các đoàn công tác lại náo nức chuẩn bị cho hành trình “mang tình yêu thương từ đất liền ra đảo”. Tuy nhiên, năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên Quân chủng Hải quân đã dừng, không tổ chức các đoàn đi huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo và Nhà giàn.
Không ra thăm đảo, nhưng hàng triệu trái tim ở đất liền vẫn hướng về biển đảo của Tổ quốc.
Hoàng Thúy