Mang tiếng hát đến đảo xa
Chuyến tàu 561 ra Trường Sa đã mang theo lời ca, tiếng hát từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây. Trong chiến tranh, tiếng hát át tiếng bom, còn giờ đây, đó là sợi chỉ hồng kết chặt người hậu phương với các cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Sân khấu giao lưu văn nghệ trên các đảo mà đoàn công tác số 16 đến thăm rất đa dạng, khi là hành lang doanh trại, lúc là dưới bóng cây bàng vuông. Không gian chật hẹp chẳng làm khó buổi diễn. Tiếng hát, tiếng vỗ tay vẫn vang xa. Các thành viên trong đoàn cùng các chiến sĩ nắm chặt tay nhau đi vòng tròn theo nhịp điệu của bài ca. Mới trước đó thôi, họ còn là những người xa lạ, chỉ trong phút chốc đã thành một gia đình.
Lời ca kết đoàn đã tạo nên sức mạnh mới cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo vững tay súng. Còn với người từ đất liền, tiếng hát hòa tiếng sóng làm họ hiểu hơn, yêu hơn cuộc sống ở huyện đảo Trường Sa.
Chị Ka Dung (Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, tỉnh Khánh Hòa) xúc động: Đây là lần đầu tiên tôi được đến với Trường Sa thân yêu, cảm xúc tôi không thể tả được, không thể nói được bằng lời và tôi chỉ biết dành hết cả tâm huyết, lời ca tiếng hát của mình để tặng cho các anh chiến sĩ. Khi đứng nơi này, chúng ta mới thấu hiểu được sự cực khổ, nắng gió giữa biển khơi…
|
“Cán bộ, đoàn viên ở điểm A, đảo Đá Lớn hôm nay cảm thấy rất hạnh phúc khi được giao lưu văn hóa, văn nghệ cùng với các anh chị đoàn văn công tỉnh Khánh Hòa. Vì điều kiện của đảo huấn luyện nhiều, nên thời gian giao lưu văn hóa văn nghệ rất ít. Hôm nay được các anh, chị mang lời ca tiếng hát nối đất liền với đảo lại gần nhau hơn, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc” - Thiếu úy Đoàn Anh Tuấn, đảo Đá Lớn A nói.
Ở nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, thanh âm trong trẻo của những bản tình ca, hay giai điệu hùng tráng của các nhạc phẩm cách mạng không thiếu, qua sóng radio và truyền hình, cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn thưởng thức âm nhạc thường xuyên. Vậy mà khi nghe có đoàn công tác ra giao lưu văn nghệ, các chiến sĩ vẫn nôn nao, ngóng đợi. Trước sự đón nhận của người lính đảo, các thành viên trong đoàn công tác rất xúc động và họ thể hiện tình cảm qua những lời ca, tiếng hát.
Anh Mai Duy Hòa – Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Đoàn nghệ thuật Hải Đăng ra với huyện đảo Trường Sa là muốn đem hơi ấm của đất liền đến với tất cả các chiến sĩ trên đảo, để các anh cảm thấy yên tâm, vững tin hơn về tình cảm của đất liền đối với các anh, các anh yên tâm chắc tay súng bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc.
“Các anh, chị ở đất liền quan tâm tới biển đảo, ra thăm và giao lưu văn nghệ em rất vui. Em rất xúc động nhất là lúc chị Thanh Vy - Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng hát rơi nước mắt” - chiến sĩ Thái Bá Tuấn, đảo Trường Sa Đông nói.
Sẽ nhớ mãi, nhớ mãi khi chúng ta bên nhau, cùng nhau vui chơi, cùng nhau cất tiếng ca. Lời bài hát “Nếu phải xa nhau” cũng chính là thông điệp của những buổi giao lưu văn nghệ trên đảo. Hội ngộ và chia tay là lẽ thường của cuộc sống và chúng ta tin chắc rằng những phút giây bên nhau trong những ngày qua mãi là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của người đất liền và người lính nơi đảo xa.
Ngọc Chí