Làng quê hiền hòa giữa trùng khơi
Từ trên tàu nhìn vào, mỗi hòn đảo ở Trường Sa như một vùng quê hiền hòa, xanh mát giữa biển trời bao la. Và khi đặt chân lên đảo, chúng ta cảm thấy mình đang ở một làng quê thanh bình như mọi miền quê nơi đất liền Tổ quốc. Ở nơi ấy, quân dân chung sức dựng xây biển đảo quê hương giàu đẹp…
|
Mượt mà sắc xanh
Đảo Sơn Ca đẹp, xanh, sống động đúng như loài chim mà đảo mang tên. Đi dọc suốt đảo, dù giữa nắng nóng cuối mùa khô nhưng vẫn có cảm giác mát mẻ bởi được bóng cây bao phủ khắp nơi. Thực vật ở đảo khá phong phú, đa dạng về chủng loại nhưng ấn tượng hơn cả là những cây bàng vuông, sồi, phi lao lâu năm xanh mát mắt. Người lính đảo còn dụng công mang nhiều loại cây cảnh, cây thân mềm từ đất liền ra gieo trồng.
Trong vườn hoa mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp rực rỡ hồng tươi những chùm bông giấy. Trên một cây bàng vuông có nhiều cành đã được bó chiết, Thượng úy Nguyễn Hữu Mạnh, quê ở Thanh Hóa tươi cười nói vọng xuống: Em đang lựa một số cành làm quà gửi các chú, các anh mang vào đất liền trồng.
Sắc xanh ở đảo Nam Yết đặc biệt ấn tượng bởi những cây mù u đã thành cổ thụ. Nắng đầu giờ chiều thật gay gắt nhưng như dịu lại khi lọt qua những kẽ lá sum suê đan xen tầng lớp. Theo lời kể của anh em trên đảo, quá trình “xanh hóa” hòn đảo này khá gian nan, cho thấy công sức và lòng kiên trì nhẫn nại của người lính không thể đong đếm hết.
Đảo Nam Yết có bề mặt là cát san hô nên ngoài các cây tự nhiên như mù u, bàng vuông, phong ba, khó thể trồng được các loại cây ăn quả hay rau, vì vậy, để “xanh hóa” đảo, anh em phải nhờ chở đất từ đất liền ra, từng ít từng ít một. Sau đó, anh em phải chắt chiu từng chút đất, chút nước để gieo trồng, dần dần tạo nên những mảnh vườn rau muống, bầu bí tốt tươi, đan xen khắp đảo. Không chỉ và đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho bữa ăn hàng ngày của lính đảo - ở đây, anh em đã tự trồng, tự cấp tới 50% nhu cầu rau xanh- mà những vườn rau ấy còn góp phần làm đẹp cảnh quan trên đảo.
Ngắm con heo nái sề đủng đỉnh dẫn đàn con ụt ịt chạy rong trên đảo Trường Sa Lớn; ngồi chụp hình chung với những chú chó to khỏe mà hiền lành ở các đảo Đá Lớn, Đá Tây; dõi theo đàn vịt lạch bạch nơi đảo Nam Yết; nghe tiếng gà gáy rộn ràng trong nắng sớm ở đảo Sinh Tồn Đông… chúng tôi như được đắm mình vào không khí làng quê thanh bình, rộn rã. Nét mộc mạc, dân dã của nghề nông, chăn nuôi trồng trọt nơi đảo xa của người lính tiền tiêu thật bình dị chân quê và cũng đầy sáng tạo...
Đảo Đá Tây có hình dạng quả trám, chiều dài phân ra 4 đảo nhỏ riêng biệt, được ngăn bởi các luồng, ở giữa có một cái hồ. Người lính đảo lợi dụng địa hình này, nhiều năm nay duy trì việc nuôi cá lồng. Hiện tại, mỗi năm CB-CS nơi đây “sản xuất” được tới 3 - 4 tấn cá chim trắng để trao đổi với thuyền bè ngư dân và làm quà cho tàu hải quân và đất liền. Chúng tôi đã được thưởng thức sản phẩm cao cấp này trong bữa ăn trưa trên tàu sau khi thăm đảo - cảm giác như được hưởng hương vị đặc sản mỗi khi tới một vùng quê nào đó.
Để Trường Sa thêm xanh
Những năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa đã trồng nhiều loài cây khác nhau, để đảo ngày càng thêm xanh.
Tuyến giữa quần đảo Trường Sa gồm 8 đảo, trong đó có 3 đảo nổi: Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông và Phan Vinh. Ở mỗi đảo đều được phủ màu xanh của nhiều loài cây khác nhau. Thiếu tá Hoàng Văn Phước - Đảo trưởng đảo Phan Vinh cho biết: Hiện tại, trên đảo trồng hơn 10 loại cây xanh khác nhau như: bàng vuông, tra, tre, nhàu, phi lao... với số lượng hàng trăm cây. Không chỉ giữ đất, chắn cát, tạo bóng mát và không gian trong lành, cây xanh còn là lá chắn bảo vệ tuyến phòng thủ trên đảo. Cây xanh giúp bảo vệ tốt khí tài và đảm bảo cho việc tuần tra, trực sẵn sàng chiến đấu.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc trồng cây trên các đảo gặp muôn vàn khó khăn. Khí hậu trên quần đảo Trường Sa rất khắc nghiệt, nắng mưa thất thường, thổ nhưỡng chủ yếu là san hô, cát, đá. Vì vậy, việc chọn giống và chăm sóc cây xanh được đặt lên hàng đầu. Các giống cây được chọn để trồng trên đảo là những loài chịu được gió, nước biển, hơi sương muối. Số cây xanh trên đảo cũng được kiểm tra kỹ lưỡng để có kế hoạch phát triển cho phù hợp.
Hiện nay, nhiều phong trào trồng cây xanh trên đảo đã được phát động trong các chiến sĩ. Điển hình như Chi đoàn đảo Phan Vinh với phong trào “Mỗi chiến sĩ trồng một cây xanh”. Chiến sĩ đảo Phan Vinh, Nguyễn Quốc Hùng (quê Bình Thuận) chia sẻ: Từ khi vào đơn vị, chúng tôi đã được giao nhiệm vụ trồng và chăm sóc mỗi người ít nhất một cây xanh, đến khi xuất ngũ bàn giao cho đơn vị. Mọi người đều nỗ lực chăm sóc cho cây tươi tốt. Việc chăm sóc cây xanh đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó. Các cây con đều được che chắn cẩn thận. Mọi người còn tận dụng nước tắm để tưới thêm cho cây.
Từ đầu năm 2012, Vùng 4 Hải quân đã triển khai Dự án trồng cây xanh ở Trường Sa với nhiều loài cây được trồng thử nghiệm như: đa lá đỏ, tre ngà... Tuy chỉ mới thử nghiệm nhưng hầu hết các loại cây được trồng đã thích hợp với thổ nhưỡng cũng như khí hậu khắc nghiệt trên đảo. Những năm gần đây, nhiều cơ quan và tổ chức trong đất liền cũng đã gửi tặng Trường Sa các loại cây xanh. Vừa qua, trong chuyến công tác, đoàn của tỉnh Phú Thọ đã tặng cho 9 đảo nổi trên quần đảo Trường Sa 30 cây tre ngà.
Đến với Trường Sa mới biết, mỗi cây xanh được ươm trồng, đâm chồi nảy lộc, chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt chính là thành quả của mồ hôi, công sức và tâm huyết của từng cán bộ, chiến sĩ để mong góp phần tạo không gian xanh trên quần đảo Trường Sa…
Anh Tuấn-Phú Lâm