Kỷ niệm tác nghiệp ở Trường Sa
Vào mỗi buổi sáng, tôi và mọi người đều dậy sớm để tập thể dục và đón bình minh. Bình minh ở Trường Sa thật đẹp với ánh trời rực vàng cả vùng biển rộng lớn, phía xa là bóng của những con tàu trực chiến và những ngôi nhà trên các đảo giữa biển khơi trùng điệp. Khoảnh khắc ấy thật đẹp. Khi ấy, chúng tôi ai cũng tranh thủ lấy chiếc máy ảnh của mình để ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này.
Trường Sa - vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc ở nơi đảo xa muôn trùng khó khăn, ở đó những người lính Hải quân kiên trung đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đối với mỗi nhà báo, được đến và tác nghiệp ở Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào và có sự hấp dẫn đến kỳ lạ. Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng đội ngũ phóng viên lần đầu đến Trường Sa đã vượt lên chính mình để có những tác phẩm báo chí phản ánh về cuộc sống, sinh hoạt, tâm tư tình cảm của quân, dân nơi đảo xa. Đó là kỷ niệm sâu sắc để lại dấu ấn không thể phai nhòa trong nghề làm báo của tôi.
|
Những ngày giáp tết năm 2020, tôi có chuyến công tác đến với Trường Sa. Trên con tàu Bệnh viện Khánh Hòa 01, đoàn công tác của chúng tôi được giao nhiệm vụ mang hàng, quà tết từ đất liền và tiến hành thay thu quân tại đảo Đá Lớn, Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Phan Vinh, Tốc Tan và Núi Le ở Trường Sa. Khác với chuyến công tác vào giữa năm, chuyến đi này, ngoài những phần quà tết mang ra đảo thì chủ yếu là các chiến sĩ hải quân ra nhận nhiệm vụ mới tại đảo.
Trong suốt hải trình dài 19 ngày trên biển, tôi ở và sinh hoạt chung trên tàu Bệnh viện Khánh Hòa 01 cùng hơn 40 đồng nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Mỗi người một nơi, vùng miền khác nhau đủ cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và Tây Nguyên. Mỗi người một giọng nói, văn hóa vùng miền khác nhau nhưng điểm chung duy nhất của chúng tôi chính là cùng làm nghề báo. Vì thế lần đi Trường Sa ấy trở thành dịp sum vầy, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm làm nghề giữa chúng tôi.
Tác nghiệp ở Trường Sa, tôi và mọi người đều mang theo hành lí gọn gàng. Ngoài máy quay, máy ảnh, máy tính xách tay và một vài bộ quần áo cùng đồ dùng cần thiết, mỗi người còn mang theo 1 bộ áo mưa để mặc khi đi ca nô vào đảo, 1 đôi dép cao su để dùng khi đi lại và một ít đồ ăn khô để lót dạ khi cần. Phóng viên Lưu Văn Trọng - Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đi Trường Sa anh còn cẩn thận mang theo túi nilon và gói hút ẩm để bảo quản các thiết bị tác nghiệp. Còn phóng viên Nguyễn Mạnh Cường công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Ninh thì cho hay, ra Trường Sa anh mang theo khăn ướt để lau hơi muối biển bám trên chiếc máy quay sau mỗi lần tác nghiệp ở ngoài đảo về.
|
Trong suốt chuyến công tác ở Trường Sa, tôi và các đồng nghiệp hỗ trợ nhau trong sinh hoạt và tác nghiệp. Chúng tôi cùng nhau sẻ chia hũ muối vừng của anh đồng nghiệp giúp bữa cơm của mọi người trở nên ngon miệng hơn. Cùng nhau uống chung ly cà phê, cùng xây dựng đề tài, lên kế hoạch tác nghiệp giúp chúng tôi quên đi khoảng cách về địa lý, sự khác biệt của vùng miền, cùng xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp tình cảm và chân thành.
Đến với Trường Sa vào thời điểm cuối năm, lúc biển động và hay có sóng lớn, nhiều phóng viên say sóng nằm bẹp một chỗ ngay từ lúc tàu rời bến, vậy mà khi nghe thông báo đến đảo là bật dậy, ôm máy quay, máy ảnh, mặc áo phao chuẩn bị xuống xuồng lên đảo. Việc di chuyển từ tàu xuống xuồng rồi lên đảo và từ đảo ra xuồng, lên tàu là rất vất vả đối với cánh phóng viên chúng tôi. Để bảo đảm an toàn, mọi người phải tuân theo sự chỉ huy, hướng dẫn của chiến sĩ hải quân. Những hôm sóng to, độ chênh giữa mạn tàu, ca nô và cầu tàu liên tục dao động với khoảng cách lớn khiến việc lên xuống xuồng và tàu rất nguy hiểm. Đây thật sự là thử thách đối với nhiều phóng viên, bởi vì chỉ cần bước chậm hoặc không dứt khoát đều sẽ bị ngã và có thể bị thương. Dẫu vậy, với sự hỗ trợ của các chiến sĩ hải quân, mọi người đều đi lại, di chuyển an toàn trong suốt những ngày ở Trường Sa.
Ngoài ra, các chiến sĩ hải quân không chỉ hỗ trợ trong lúc chúng tôi tác nghiệp mà còn chu đáo trong từng bữa cơm, từng giấc ngủ cho các phóng viên. Nếu phóng viên nào gặp sức khỏe không tốt, các anh đều quan tâm, chăm sóc tận tình. Đáp lại tình cảm chân thành ấy, sau mỗi bữa cơm tối, các phóng viên đều dành thời gian đến động viên, trò chuyện với các chiến sĩ hải quân.
Đến với Trường Sa, tôi và các đồng nghiệp được thăm các đảo: Đá Lớn A, B, C; Sinh Tồn; Cô Lin; Len Đao; Tiên Nữ; Phan Vinh A, B; Tốc Tan A, B, C và Núi Le A, B. Lên mỗi đảo, chúng tôi đều được các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đón tiếp bằng tình cảm chân tình và nhiệt tình. Do vào thăm các đảo chỉ vài tiếng đồng hồ, vì vậy, chúng tôi đều tranh thủ ghi hình, phỏng vấn, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và cuộc sống, quá trình công tác của các chiến sĩ trên các đảo. Mỗi phóng viên ra Trường Sa có một tâm trạng khác nhau, có cách tiếp cận và khai thác thông tin khác nhau, nhưng tôi và các đồng nghiệp đều chung niềm háo hức, bồi hồi, xúc động trước những khó khăn, gian khổ và ý chí, nghị lực của quân và dân Trường Sa.
|
Với người làm báo, nhất là người lần đầu đến với Trường Sa, cơ hội được tác nghiệp ở nơi đầu sóng qúy hơn vàng, do vậy mọi người đều hăng say làm việc từ sáng sớm cho đến lúc tối khuya. Phóng viên Lê Phương Thanh - Báo Phú Thọ chia sẻ rằng, nhiều lúc cơ thể thấm mệt vì môi trường tác nghiệp ngoài Trường Sa khắc nghiệt, nhưng chị luôn cố gắng, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để lấy tư liệu và tìm những góc chụp ảnh tốt nhất cho các bài viết của mình.
Trong hải trình gần 20 ngày trời lênh đênh trên biển, đặt chân lên các hòn đảo, được “tai nghe mắt thấy” đã cho tôi những trải nghiệm thú vị về đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Đến nay, dù đã 01 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc khi vẫy tay chào tạm biệt các chiến sĩ trên các đảo, khoảnh khắc xúc động trong Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa, khoảnh khắc cùng đón chào năm mới với các đồng nghiệp và các chiến sĩ trên tàu giữa đêm trời gió mát và đầy sao hay khoảnh khắc đàn cá heo nô đùa trước mũi tàu khi chúng tôi rời Trường Sa trở về đất liền. Những khoảnh khắc đó mỗi khi nhớ đến đều để lại nhiều cảm xúc dâng trào trong tôi.
Lênh đênh trên tàu tác nghiệp ở Trường Sa liên tục trong nhiều ngày là sự thử thách về sức khỏe đối với người chưa từng đi biển như tôi. Nhưng ở nơi đầu sóng thân thương ấy, thông qua những gì được trải nghiệm và được cảm nhận, tôi cảm thấy mình thêm yêu và trân trọng nghề báo hơn. Và đặc biệt, tình yêu Tổ quốc trong tôi cũng trở nên lớn lao hơn. Nếu có cơ hội, tôi vẫn mong được đến với Trường Sa một lần nữa để tiếp tục vun đắp niềm đam mê với nghề và tình yêu với Tổ quốc. /.
Bài và ảnh: ĐỨC THÀNH