Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển
Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn huyền thoại, đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông là tuyến chi viện chiến lược góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một trang sử vẻ vang mới cho dân tộc Việt Nam.
Với tôi, sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, tôi chỉ biết đến chiến tranh qua xem truyền hình và đọc những dòng tư liệu lịch sử. Đặc biệt, khi đọc hay xem những dòng tư liệu lịch sử về con đường Hồ Chí Minh trên biển, tôi rất khâm phục. Khâm phục trước ý chí, lòng dũng cảm, sự mưu trí, sáng tạo, kiên cường cũng như sự khắc phục gian khó, hiểm nguy của thế hệ cha ông, tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì mục tiêu thống nhất đất nước.
Những dòng lịch sử ghi rõ: Ngày 23/10/1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi “Đoàn tàu không số”) để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.
Ngày 8/4/1962, chuyến tàu đi trinh sát và mang Chỉ thị của Trung ương về “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển” đã đến miền Nam. Bắt đầu từ đây, xuất hiện những con tàu không số lúc ẩn lúc hiện, tiếp tế vũ khí cho miền Nam.
Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1 chở vũ khí dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Văn Một và Bông Văn Dĩa rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng), đến ngày 16/10 tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, khai thông tuyến đường vận chuyển vũ khí trên biển nối liền hai miền Nam- Bắc.
Khai thông con đường đã khó, việc giữ bí mật con đường càng khó khăn hơn, bởi phải trải qua chặng hành trình trong khu vực biển địch kiểm soát, tàu địch lùng sục gắt gao. Để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng mở đường vận chuyển chi viện cho miền Nam, các chiến sĩ hải quân đã phải dày công nghiên cứu, đấu trí, đấu sức tìm ra phương thức vận chuyển độc đáo. Từ ngày đầu bằng những phương tiện thô sơ thuyền gỗ gắn máy, trọng tải nhỏ, đi dọc theo ven biển, đã phát triển lên các đội tàu sắt, có trọng tải hàng trăm tấn, vươn rộng ra biển. Địch phong tỏa gần bờ, các chiến sĩ hải quân đi trên vùng biển xa; địch phong tỏa đường biển dài, ta đi phân đoạn, đồng thời khéo léo ngụy trang, nghi binh, bí mật thọc sâu vào bến nhanh chóng và bất ngờ, khi thời cơ đến thì tập trung toàn lực, dốc sức cho nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường.
14 năm ấy, những con đường, các bến bãi đều nằm trong các vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, vây ráp, đánh phá ác liệt suốt đêm ngày của địch. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách, ra đi là xác định cảm tử. Vì vậy, từ năm 1961 đến 1975, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 vượt qua hơn 20 cơn bão lớn, vượt qua hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, huy động được gần 2.000 lượt chiếc tàu, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 8 vạn lượt người, trên 15 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn tấn hàng hóa, góp phần chi viện đắc lực cho nhiều hướng chiến trường, nhiều chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa tới được. Hành trình của những “con tàu không số" trên biển đã đến rất nhiều bến, bãi dọc bờ biển Việt Nam, có sự đóng góp công lao to lớn của Đảng bộ và nhân dân các tỉnh ven biển, góp phần làm nên chiến thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước…
Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết quân dân, giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam với nhân dân các địa phương ven biển. Chiến công anh hùng của các chiến sĩ hải quân là thể hiện trình độ tác chiến, sự mưu trí, sáng tạo của cha ông ta. Chính tinh thần bất khuất ấy đã làm nên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
Phúc Nguyên