Gạc Ma- 35 năm, một tượng đài bất tử
35 năm trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.
|
Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông trải trên một khu vực biển khá rộng, chiều ngang từ Đông sang Tây khoảng 800km, chiều dọc từ Bắc xuống Nam khoảng 600km.
Liên tục từ năm 1986, Trung Quốc có các hành vi thực hiện âm mưu xâm chiếm các đảo chìm, bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.
Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng lớn thuộc 2 hạm đội Nam Hải và Đông Hải xuống khu vực quần đảo Trường Sa với ý đồ chiếm giữ cụm tam giác 3 bãi ngầm Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao.
Về phía Việt Nam, ngày 6/11/1987, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra giữ các bãi cạn, trước mắt đóng giữ các điểm đảo Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ.
Ngày 12/3 tàu vận tải HQ-605 của Hải quân Việt Nam từ Đá Đông di chuyển đến để đóng giữ bãi Len Đao, 5h sáng 14/3 đến nơi và cắm cờ Việt Nam lên Len Đao. Tàu vận tải HQ-604 đến bãi Gạc Ma lúc 9h ngày 13/3, cùng lúc tàu HQ-505 cũng đến Cô Lin.
Rạng sáng 14/3, hải quân Trung Quốc điều thêm 2 tàu khu trục trang bị pháo 100mm tăng cường cho các tàu đã đến trước đó tiếp tục uy hiếp, đòi các tàu và chiến sĩ quân đội Việt Nam trên bãi ngầm Gạc Ma phải rời đi. Tuy nhiên các chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ, quyết không rời khỏi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Ít giờ sau, khi tổ giữ cờ gồm 5 người thuộc Lữ 146 và khoảng 20 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ trên bãi thì 4 tàu hộ vệ tên lửa và khu trục chạy đến. Tàu Trung Quốc dùng xuồng máy chở 50 lính có trang bị tiểu liên AK, điện đài và súng ngắn đổ bộ lên bãi.
Gần 40 chiến sĩ trên tàu 604 lập tức xuống bãi hỗ trợ đồng đội. Phía Trung Quốc dùng lê đâm và và nổ súng bắn bị thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương thuộc tổ giữ cờ. Trước khi chết, Trần Văn Phương đã hô to “Thà hy sinh quyết không để mất đảo”.
Không buộc được cán bộ chiến sĩ ta rời đảo, phía Trung Quốc gọi tốp lính Trung Quốc rút lên tàu rồi sử dụng các loại vũ khí gồm trọng liên 12,7mm, pháo 37mm, pháo 76,2mm và trọng pháo 100mm bắn vào cán bộ chiến sĩ Việt Nam trên bãi và tàu 604.
Sau khi bắn chìm tàu 604, các tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công, bắn chìm tàu 605 ở gần Len Đao và bắn cháy, gây hư hỏng nặng tàu 505 ở Cô Lin. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó.
Trong sự kiện bi hùng này, 64 chàng trai, hầu hết mới 20, 21 tuổi, đã dùng tuổi xuân, dùng tính mạng của mình dựng nên một tượng đài bất tử bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
|
Tháng 3/2018, tròn 30 năm sau sự kiện, một bạn học làm việc ở VnExpress báo tin rằng tờ báo của anh đang xây dựng một tượng đài trực tuyến tưởng niệm những người ngã xuống vì chủ quyền biển đảo.
Khi truy cập vào, mắt tôi đã nhòe đi vì nước mắt khi chân dung 64 liệt sĩ hiện lên. Các anh còn trẻ quá. Như liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải (chiến sĩ tàu HQ-604) nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Anh và cha là ông Nguyễn Xuân Cứ cùng một đơn vị.
Một năm sau, anh Hải biên chế về tàu HQ-604, con tàu vận tải chuyên chở công binh, vật liệu đi xây đảo. Hai năm liền anh không về thăm nhà. Mãi đầu năm 1988, nhân Đại hội đoàn toàn Quân chủng Hải quân, anh Hải được bầu chọn là thanh niên tiêu biểu, cử ra Hải Phòng tham dự, được duyệt cho nghỉ phép 15 ngày.
Thời hạn phép chưa hết, anh nhận lệnh trở về đơn vị gấp để theo tàu đi đảo. Trong lá thư ngắn ngủi chuyển về cho gia đình trước lúc rời bến, anh viết “Con chở hàng ra đảo, rồi con lại về”.
Nhưng anh đã nằm lại giữa trùng khơi lúc 20 tuổi, trẻ nhất trong số 8 liệt sĩ được tìm thấy từ tàu HQ-604. Ngày về quê mẹ, hình hài anh chỉ còn là một mảnh xương đỉnh.
Trong kho tư liệu về liệt sĩ Gạc Ma, tôi tìm thấy vài dòng ngắn ngủi về một liệt sĩ cùng quê: Liệt sĩ Hồ Công Đệ (sinh năm 1958, là Y sĩ Lữ đoàn 146), quê quán Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Khi hy sinh anh vừa tròn 30 tuổi. Vợ liệt sĩ là Cao Thị Bình ở vậy một mình nuôi ba con khôn lớn. Bà làm đủ việc từ nhặt ve chai đến giúp việc. Mấy mẹ con ở trong căn nhà lụp xụp, không đủ che nắng mưa.
Năm 2014, bà Bình cất được căn nhà mới từ 50 triệu đồng ủng hộ và vay mượn thêm. Tuổi xế chiều, bà vẫn phải đi làm thuê cho một công ty để kiếm sống.
Tôi đã đau thắt ruột khi đọc vài dòng ngắn ngủi ấy!
Một lần đi dự Hội thảo báo Đảng khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tại Khánh Hòa, chúng tôi được đồng nghiệp báo Khánh Hòa dẫn đi thăm viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, được xây dựng từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn và người lao động trong cả nước.
Khu tưởng niệm hướng mặt chính ra biển. Thu hút nhất là Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma cao 15,15m (cả phần đế), bề ngang 12m, bán kính 7m, với chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời”, lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Trong gió biển lồng lộng, tôi cảm thấy ấm lòng khi tên tuổi, hình ảnh của các chiến sĩ Gạc Ma được khắc ghi chi tiết vào bia đá, đặt ở nơi trang trọng, nhiều ánh sáng.
Những ai lấy máu mình để giữ đất, giữ biển thì đất nước và nhân dân luôn ghi nhớ, hàng nghìn năm qua đã vậy, nghìn năm sau vẫn vậy.
Đứng trước tượng đài Gạc Ma hôm ấy, tôi nhận ra giá của hòa bình. Không chỉ là giành hòa bình bằng mọi giá mà còn phải giữ hòa bình bằng mọi giá.
Và càng thấy trách nhiệm của thế hệ trẻ không được phép quên ngày 14/3/1988, quên 64 chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào thì Hoàng Sa, Trường Sa là phần máu thịt thiêng liêng của đất nước ta.
Điều đó là bất biến!
Thành Hưng