Đêm văn nghệ “Ấm tình Trường Sa”
Mới đó mà đã tròn một năm kể từ ngày tôi đến với Trường Sa. Một năm trôi qua, nhưng ấn tượng về đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” giữa quần đảo Trường Sa thân yêu vẫn không thể phai mờ trong tôi...
Đến nay, tôi vẫn nhớ mãi đêm văn nghệ trên quần đảo Trường Sa hôm ấy - đêm 8/1/2018. Bởi, đó là lần đầu tiên tôi được nghe những bài hát ca ngợi biển đảo, quê hương đất nước ngay giữa biển trời bao la, trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Đêm văn nghệ ấm tình đồng chí, đồng đội được các cán bộ, chiến sĩ trên đảo tổ chức để chia tay đồng đội vào bờ và chào mừng các tân binh đến làm nhiệm vụ trên đảo.
Đêm văn nghệ diễn ra ngay trên hòn đảo mang tên người anh hùng Nguyễn Phan Vinh - thuyền trưởng tàu không số anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Không chỉ tôi mà 20 anh em phóng viên trong chuyến đi này đều chung những cảm xúc thiêng liêng trào dâng trong lòng về quê hương, đất nước - khi chúng tôi rời xa đất liền đến với quần đảo Trường Sa.
Sau bữa cơm chiều, các chiến sĩ trên đảo liền bắt tay vào chuẩn bị cho phần liên hoan văn nghệ. Trước đó, cán bộ, chiến sĩ đã thiết kế sân khấu, dựng phông màn, ghép nhạc ngay tại cột mốc chủ quyền của đảo.
Mấy chiến sĩ trẻ khiêng 2 chậu quất và quà Đoàn công tác tặng đảo, cùng chậu mai vàng do các chiến sĩ trên đảo tự làm lấy đặt lên sân khấu nhằm tạo cho không khí văn nghệ thêm sắc xuân. Giữa tấm phông màu xanh nổi bật dòng chữ cách điệu “Liên hoan văn nghệ chia tay đồng đội vào bờ” do chính bàn tay các chiến sĩ cắt dán.
Vẫn biết “cây nhà lá vườn” đơn sơ, vậy mà chương trình văn nghệ khiến ai cũng xúc động xen lẫn tự hào. Sân khấu là một khoảnh sân, âm thanh là dàn âm ly nơi hội trường làm việc và mấy chiếc loa được mang ra ghép tạm. Không nhạc cụ cầu kỳ mà âm thanh chính duy nhất chỉ là cây đàn organ do chính chiến sĩ của đảo đảm nhiệm, thành phần diễn viên chẳng ai khác là cán bộ, chiến sĩ trên đảo Phan Vinh cùng phóng viên các cơ quan báo chí đến với đảo.
Dĩ nhiên, chủ đề chính của chương trình là những bản nhạc gắn liền với biển đảo và mở đầu đêm văn nghệ là bài hát “Bản anh hùng ca đảo Phan Vinh” do chiến sĩ đảo Phan Vinh trình bày.
Tiếp đến là những ca khúc về biển đảo “Nơi đảo xa”, “Bâng khuâng Trường Sa”, “Khúc quân ca Trường Sa”… được các chiến sĩ đảo Phan Vinh thể hiện.
Những bản nhạc kể trên được cất lên với giọng ca mộc mạc nhưng tha thiết tình cảm gửi trao khiến mọi người trào dâng cảm xúc.
Góp vui với đêm văn nghệ, ca sĩ Dương Thanh Nga của Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” - thành viên trong Đoàn công tác của chúng tôi thể hiện các ca khúc nhạc trẻ như “Điệp khúc mùa xuân”, “Xinh tươi Việt Nam” và đặc biệt là song ca cùng Trưởng đoàn công tác - đại tá Phan Ngọc Quang bài “Lắng nghe mùa xuân về”… được đông đảo cán bộ chiến sĩ trên đảo cổ vũ nhiệt tình.
Đáp lại tình cảm của các chiến sĩ đảo Phan Vinh, anh em trong đoàn báo chí cũng tham gia đêm văn nghệ. Mở đầu là Trưởng đoàn báo chí anh Nguyễn Khánh Vân - Báo Văn nghệ Thái Nguyên góp vui với bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”.
Dù đã ở tuổi 64, nhưng khi cất lên lời hát: “Tôi đã nghe Tổ quốc gọi tên mình, bằng tiếng sóng Trường Sa – Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả…” với chất giọng khỏe khoắn, truyền cảm, anh Vân khiến mọi người bất ngờ và cổ vũ nhiệt tình.
Sau đó, phóng viên Dương Hằng Nga - Đài Phát thanh truyền hình Quảng Ninh song ca với anh Nguyễn Khánh Vân bài hát “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa.
Không chỉ là các tiết mục ca hát, các chiến sĩ thuộc Chi đoàn thanh niên đảo Phan Vinh cũng trình bày nhiều bài múa tự biên sôi động, nhịp nhàng. Chẳng thấy ai dè dặt, ngại ngần, không hát thì múa, không múa thì cổ vũ hò reo. Đảo nhỏ giữa biển trời bao la sóng vỗ, tiếng hát hòa lẫn cùng tiếng gió, tiếng sóng biển ầm ào làm ai cũng hứng khởi, mê say. Những bàn tay chai sần, những gương mặt rám nắng cùng hòa chung không khí trẻ trung, tươi vui “sống hết mình, cháy hết mình” với tình yêu ca hát.
|
Không khí đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” ở Trường Sa thật vui, xúc động. Bởi khán giả cũng đấy mà diễn viên cũng đấy, hát xong xuống làm khán giả, hết làm khán giả lại thành diễn viên. Vào cuộc, “ca sĩ” “diễn viên” không chuyên ai cũng nhiệt tình hết cỡ, hát múa hết mình...
Không khí bỗng chùng xuống khi Trung tá Tiêu Quang Sự - Chính trị viên đảo Phan Vinh lên phát biểu chia tay các đồng đội rời đảo vào đất liền dịp này bằng bài thơ “Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ”, cùng lời nhắn nhủ: “Các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ trên đảo trở về đất liền có một cái Tết với gia đình đầm ấm, hạnh phúc” và khẳng định: sẽ tiếp nối những thành quả mà các cán bộ, chiến sĩ đi trước đạt được để xây dựng đảo Phan Vinh ngày một vững chắc.
Đêm văn nghệ được kết lại với bài hát tập thể đoàn kết của các chiến sĩ đảo Phan Vinh và đoàn công tác phóng viên báo chí với bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” thật ấm cúng và ấn tượng.
Chiến sĩ Trương Hữu Lý hào hứng: Từ khi lên đảo tôi đã tham gia vào đội văn nghệ của đảo nhưng đến hôm nay tôi mới được xem và biểu diễn trực tiếp, được hát và được nghe mọi người hát trên một sân khấu như thế này. Những lời ca tiếng hát đã giúp cho chiến sĩ chúng tôi vơi nỗi nhớ nhà, vững tin cầm chắc tay súng bảo vệ quê hương.
Một lần ra Trường Sa, một đêm giao lưu văn nghệ để lại ấn tượng thật khó quên trong tôi - và có lẽ với cả đoàn công tác trong chuyến đi này. Hẳn là vì nó diễn ra ở nơi đảo xa trong tinh thần “cây nhà lá vườn” đậm đà chất lính trong những ngày cuối cùng của năm, trong giờ phút ấm áp thiêng liêng của tình đồng đội, thể hiện đầy đủ lòng tự hào dân tộc, tình cảm thắm thiết quân dân, đảo xa - đất liền cùng với quyết tâm sắt đá: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.
Bài và ảnh: Phúc Nguyên