Đảo Đá Lát kiên cường và chuyện về cây đèn biển
Chiều 12/5, các đại biểu đoàn công tác ghé thăm đảo Đá Tây. Khi lên đảo trời bất chợt đổ mưa sầm sập và dai dẳng – mưa như chưa từng được mưa! Vậy là cánh phóng viên bị “mất mùa” vì không tìm hiểu được gì sâu hơn ngoài lúc nghe chỉ huy đảo báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị tại hội trường.
Sáng 13/5, trời vẫn giăng mây mù mịt, mưa lất phất nhưng gió thì cực mạnh. Hôm nay, lịch trình các đại biểu lên thăm đảo Đá Lát. Sóng mạnh, ca nô cặp sát mạn tàu để chất đồ và đưa người lên đảo cũng rất khó khăn, dù có rất nhiều thủy thủ dùng dây ghì giữ vào mạn tàu lớn, nhưng nó vẫn cứ trồi lên, thụt xuống như con ngựa bất kham. Người bước xuống đã khó, quà tặng, đặc biệt là những thứ cồng kềnh như ti vi, tủ lạnh... chuyển xuống lại càng khó hơn.
|
Tôi đi trong chuyến ca nô chở quà đầu tiên vào đảo cùng hai phóng viên, xuất phát lúc 6h45’, nhìn đảo Đá Lát ước khoảng cách chừng ba, bốn trăm mét là cùng, nhưng sóng đập, nhiều lúc cứ muốn hất ca nô thụt lùi lại, phải mất mươi lăm phút sau mới vào được cầu cảng.
|
Có rất nhiều người ví Đảo Đá Lát như một con tàu, bởi thực chất đảo chỉ là một ngôi nhà được xây dựng trên bãi san hô với điện tích khoảng 400m2, khi thủy triều lên thì bốn bề sóng nước, lúc triều xuống là một vùng san hô rộng lớn.
Thời tiết ở Đá Lát cơ bản có 2 mùa (mùa khô và mùa mưa), mùa khô rất ngắn: khoảng tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Mỗi năm, nơi đây có khoảng 150 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên, từ tháng 7 tới tháng 12 thường có bão. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, song chiến sĩ ở đây vẫn luôn khắc phục mọi khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên huấn luyện tác chiến và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cho dù nơi ở chật hẹp, nhưng các chiến sĩ cũng tận dụng không gian để làm 2 khu trồng rau với diện tích mỗi khu khoảng 20m2. Ở tại vườn rau này, tôi đã gặp chiến sĩ trẻ Đoàn Văn Ngữ đang chăm sóc rau xanh. Qua hỏi chuyện được biết: Ngữ quê ở Nam Định, nhập ngũ tháng 2/2016, sau khóa huấn luyện, tháng 12 ra đảo nhận nhiệm vụ đến nay.
Tôi hỏi: Cháu chịu trách nhiệm chăm sóc rau? Vừa bắt lại mấy ngọn mơ lông lòa xòa, Ngữ đáp: Cháu xong việc được giao thì tranh thủ làm thôi, ở đây ai cũng vậy! Trách nhiệm chính việc trồng và chăm sóc rau được giao cho bộ phận Quân y và Thông tin đảm nhiệm, còn chăn nuôi là của bộ phận nhà bếp.
|
Nói về chăn nuôi, ở đây cũng có nuôi heo, gà, nhưng do điều kiện mặt bằng chật nên số lượng rất ít: Heo có một con ước cỡ trên tám chục ký, gà vài con, song bù lại chó được nuôi rất nhiều. Chỉ tính riêng số lượng những con mà tôi nhìn thấy được, sơ sơ cũng mươi lăm con. Chó ở đây nuôi dễ vì chúng thích nghi với điều kiện ở đảo, không cần chuồng trại, chúng tự do bơi lội xung quanh đảo và nằm thoải mái trên các góc sân, mỏm đá trông thật lạ lẫm.
Trở lại phòng làm việc của chỉ huy đảo, nơi đang diễn ra buổi gặp mặt giữa Đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ, Đại úy Phan Văn Bình – Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát báo cáo khái quát tình hình hoạt động của đảo với các đại biểu. Trong đó, bên cạnh việc báo cáo về những kết quả thành tích nổi bật của đơn vị trong công tác huấn luyện tác chiến, xây dựng đời sống sinh hoạt, Chỉ huy đảo cũng đề cập một số khó khăn hiện tại của đơn vị, đó là: So với nhiều đảo chìm hiện nay Đá Lát vẫn là đảo tàu ra vào ít thuận lợi, hoạt động mang tính độc lập cao, khí hậu khắc nghiệt, trong khi nước ngọt còn rất hạn chế do hệ thống bể chứa nước mưa còn thiếu (bình quân mỗi chiến sĩ chỉ dùng 10 lít/ngày cho sinh hoạt cá nhân)...
|
Mặc dù trong điều kiện khó khăn như vậy, song chiến sĩ của đảo không hề dao động, luôn quyết tâm, vững tin, làm tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, luôn làm tốt công tác dân vận, là chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân ra đánh bắt ở ngư trường truyền thống này. Theo báo cáo, trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã tiến hành khám và cấp phát thuốc cho 211 lượt ngư dân, cứu nạn kịp thời các vụ tai nạn trên biển và đặc biệt còn cấp hỗ trợ 300 lít nước ngọt, 25kg gạo, 65kg rau quả hộp cho ngư dân...
Đến đảo Đá Lát, nếu như không nói tới ngọn hải đăng Đá Lát, đang ngày đêm làm mắt cho người đi biển thì quả là một thiếu sót lớn. Nhìn ngọn hải đăng cách đảo nơi tôi đứng khoảng 800m mà không thể tới được, do biển động mạnh. Rất may, trong buổi tiếp Đoàn công tác hôm ấy cũng có 2 cán bộ của Trạm tham dự. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã tìm gặp được anh Lê Văn Chương – Trưởng Trạm hải đăng Đá Lát.
Trong câu chuyện, anh Chương cho tôi biết: Trạm hải đăng này được xây dựng ngày 1/5/1994, sau gần 2 tháng thi công, ngày 20/6 trạm đi vào hoạt động. Đây là cây đèn có tâm sáng ở độ cao 40m, là cây có tâm sáng cao nhất trong 9 đèn biển hiện có ở quần đảo Trường Sa.
|
Anh Chương cho biết, trong quá trình công tác tại Công ty Bảo đảm an toàn hải đăng Biển Đông và Hải đảo, qua nhiều lần thuyên chuyển đi các trạm khác nhau, đây là lần thứ 3 anh trở lại nhận nhiệm vụ ở trạm này. Do yếu tố thời gian, đã chịu sóng gió 23 năm liên tục nên hiện nay trạm đã bị xuống cấp rất nhiều, mỗi khi có bão lớn, cả cây đèn bị rung, lắc rất mạnh, anh em của trạm phải di chuyển sang đảo Đá Lát của Hải quân để tạm trú.
Hiện nay trạm có 5 anh em, đời sống sinh hoạt về các mặt khá khó khăn, đặc biệt là thiếu nguồn nước ngọt (cả trạm chỉ có một bể treo hứng nước mưa 18m3), lương thực, thực phẩm do tàu Hải đăng 5 cung cấp theo định kỳ, trạm cũng tăng gia thêm được khoảng 16m2 rau xanh, chủ yếu là mồng tơi và rau cải.
Trong câu chuyện với tôi, anh Chương cũng bày tỏ sự mong muốn được cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp để cây hải đăng này được bền vững, mãi mãi tỏa sáng, đảm bảo sự an toàn của tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua biển Đông và cho bà con ngư dân đến với ngư trường đánh bắt truyền thống của mình được thuận lợi.
Bài và ảnh: TT