Chuyện về những vườn rau xanh ở Trường Sa
Có đến Trường Sa, thấy được cái khắc nghiệt của thời tiết, sự khô cằn về thổ nhưỡng, mới thấy hết được sự nỗ lực, cần mẫn của người lính biển đảo xa trong việc trồng rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày...
Lần đầu tiên đặt chân lên đảo Song Tử Tây, tôi thật sự ngỡ ngàng trước những cây đu đủ đeo nặng những chùm trái từ lưng cây đến ngọn. Có điều, cây nào, cây ấy mỗi chùm quả đều được bao bọc cẩn thận trong những bao tải dứa để tránh bị những làn gió bỏng rát, mang theo hơi muối mặn mòi của biển cả làm héo táp.
Thượng úy Bùi Trọng Tạo, người quê Thái Bình dẫn tôi tham quan một số điểm tại các vườn rau, anh cho biết: “Ở đảo trồng rau khó hơn đất liền rất nhiều. Mỗi khu trồng rau đều phải được che nắng, che gió thật cẩn thận, nếu không rau sẽ bị héo quắt”.
|
Ngồi xuống cạnh luống cà pháo đang thời kỳ vào bói, Thượng úy Tạo tâm sự: “Trước đây, các khu trồng rau xanh ít hơn bây giờ rất nhiều. Khi ấy, nguồn nước tưới khan hiếm lắm. Mọi người trên đảo đều phải tận dụng tối đa nguồn nước thải sinh hoạt các loại để tưới rau, tuy vậy cũng chỉ đáp ứng được một phần nào đó mà thôi. Bây giờ đảo đã có thêm nguồn nước lợ từ máy lọc nước biển dùng cho sinh hoạt và tưới rau, nên diện tích rau ở đây tăng lên đáng kể”.
Song Tử Tây đã có những thuận lợi nhất định so với nhiều đảo nổi và các đảo chìm khác. Song, có lẽ lợi thế hơn cả, phải nói tới thị trấn Trường Sa, nơi được xem là điểm đảo có diện tích lớn và điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi để trồng rau xanh. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã tận dụng tối đa thực lực để phát huy thế mạnh này. Đi quanh đảo, qua các nơi ở, làm việc của cán bộ, chiến sĩ, ta đều có thể bắt gặp các khu vườn trồng rau được che chắn cẩn thận, phía trong là những vạt rau xanh mướt, đủ loại.
Qua số liệu báo cáo tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu đất liền ra thăm đảo cho thấy: năm 2016 và 4 tháng 2017, riêng về sản lượng rau, quả tăng gia của đảo đạt: 19.500kg rau các loại, đậu phụ 2.750kg, giá 4.350kg.
Việc sản xuất rau xanh ở đảo Trường Sa hiện nay đã đáp ứng một phần quan trọng nguồn rau xanh thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ và người dân. Ngoài đẩy mạnh phong trào thi đua trồng rau, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đây hàng năm còn tích cực trồng nhiều cây ăn trái, cây bóng mát và cây chắn gió để cải thiện đời sống, cải tạo môi trường.
Bên lề buổi gặp mặt, Trung tá Đỗ Thế Tuyên - Đảo trưởng, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Ngoài giống cây trái từ đất liền mang ra, hàng năm cán bộ chiến sĩ còn tự ươm, chiết, nhiều cây giống tại chỗ để phủ xanh đất trống.
Anh khẳng định: “Nếu ai đó đã có dịp đến với đảo cách đây vài năm, bây giờ trở lại, họ sẽ thấy sự thay đổi khác biệt rất lớn về cảnh quan, môi trường ở đảo”.
Việc trồng rau xanh ở huyện đảo Trường Sa, kể cả là đảo nổi hay đảo chìm, đã được cán bộ, chiến sĩ Hải quân quan tâm gieo trồng từ nhiều năm qua. Trong quá trình triển khai trồng thí điểm, rồi trồng đại trà, đã trải qua không ít lần thất bại. Bởi, nắng, gió đại dương mặn mòi khắc nghiệt, bề mặt thổ nhưỡng mỏng, cằn cỗi, lại thiếu ngồn nước tưới, nên rau còi cọc, hoặc bị chết héo.
Tuy nhiên, thời gian gần đây được sự quan tâm, chi viện của đất liền trong việc cung cấp những hạt giống tốt, các loại rau phù hợp với điều kiện thời tiết ở đảo. Đặc biệt là bây giờ, nhiều đảo đã có nguồn nước lợ từ máy lọc nước biển phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, nên các vườn rau đã trở nên xanh tốt và ngày một nhiều lên.
Đối với các đảo chìm, cán bộ, chiến sĩ còn nhận được các món quà quý giá từ đất liền gửi ra như: phân, đất, các thùng nhựa, chậu sành, các loại tấm che..., giúp chiến sĩ có điều kiện đáng kể để ươm, trồng, chăm sóc và phát triển vườn rau. Sau nhiều năm đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, hiện nay các đảo đã đưa vào trồng được nhiều loại rau chủ lực, phù hợp với điều kiện khí hậu ở đảo, như: một số giống cải xanh, rau muống, mồng tơi, lá mơ, bầu, bí...
Trong chuyến công tác Trường Sa, chúng tôi may mắn được ghé thăm nhiều đảo chìm, nơi có điều kiện thời tiết được xem là khá khắc nghiệt, nguồn nước cho tưới rau cũng phải tận dụng tối đa sau sinh hoạt. Nhìn các chiến sĩ ở đây tận dụng các ca nước ngọt sau khi vo gạo, rửa rau..., để tưới rau, một hình ảnh đầy sinh động đến cảm phục.
Ở tại vườn rau đảo Đá Lát, tôi đã gặp chiến sĩ trẻ Đoàn Văn Ngữ đang chăm sóc rau xanh. Qua hỏi chuyện được biết, Ngữ quê ở Nam Định, nhập ngũ tháng 2/2016, sau khóa huấn luyện, tháng 12 ra đảo nhận nhiệm vụ đến nay.
Tôi hỏi: Cháu chịu trách nhiệm chăm sóc rau?
Vừa bắt lại mấy ngọn mơ lông lòa xòa, Ngữ đáp: “Cháu xong việc được giao thì tranh thủ làm thôi. Ở đây ai cũng vậy! Trách nhiệm chính việc trồng và chăm sóc rau được giao cho bộ phận Quân y và Thông tin đảm nhiệm, còn chăn nuôi là của bộ phận nhà bếp”.
|
Chỉ huy Trưởng đảo Đá Lát – Đại úy Phan Văn Bình tâm sự: “Ở đây thời tiết khắc nghiệt, việc trồng rau rất khó. Tuy nhiên, nhờ tích cực chăm bón, không kể ngày, đêm, nên vườn rau của đảo mùa nào, thức ấy, xanh tốt quanh năm. Cho dù nơi ở chật hẹp, nhưng cán bộ, chiến sĩ cũng tận dụng không gian để làm 2 khu trồng rau với diện tích mỗi khu khoảng 20m2. Đáp ứng một phần quan trọng rau xanh cho các bữa ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ”.
Trong câu chuyện, Đại úy Bình còn cho biết, nhờ có thêm nguồn rau trồng được, nên năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, đảo đã tiết kiệm được khẩu phần, chia sẻ 65kg rau quả hộp cho một số thuyền của ngư dân ra đánh bắt hải sản ở ngư trường gặp khó khăn.
Những mầm xanh ở Trường Sa có sức sống thật kỳ diệu, màu xanh như thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt đầy nắng, gió mưa sa. Đằng sau sức sống mãnh liệt ấy là biết bao tâm huyết, mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ ngày đêm khắc phục khó khăn, thử thách trong đời sống sinh hoạt và thao trường tập luyện. Việc tăng gia rau xanh không chỉ là công việc giúp cán bộ, chiến sĩ thảnh thơi đầu óc sau giờ làm việc, mà ở đó còn là phong trào thi đua sôi nổi giữa các đơn vị, nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn cho người lính, cùng nhau kiên cường bám đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
TT