Chuyện về những người làm bếp trên tàu KN491
Khoảng ba rưỡi sáng, đội ngũ anh em nhà bếp đã lục tục dọn dẹp và bắt tay vào lo bữa ăn sáng cho đoàn công tác. Bếp ăn phục vụ các đoàn đại biểu có biên chế 17 người, trong khi đoàn đại biểu có khoảng 200 người. Hằng ngày, bộ phận cấp dưỡng còn phục vụ tới 4 bữa ăn (sáng, trưa, chiều và khuya), nên khâu nào cũng hết sức tất bật. Công việc cứ xoay vòng gối tiếp cho đến tận nửa đêm mới xong...
Ngay từ khi bước chân lên tàu KN491, được ăn bữa cơm đầu tiên trên tàu, được tiếp xúc chuyện trò với những người làm bếp ở tàu, tôi đã có một cảm tình đặc biệt về họ. Chính vì lẽ đó mà trong tôi đã sớm có một suy nghĩ: “Mình phải viết một cái gì đó về họ, những con người thầm lặng, luôn đem hết sự tận tình vào từng bữa ăn để bảo đảm sức khỏe cho các đại biểu Đoàn công tác số 11/ 2017 hoàn thành nhiệm vụ trong chuyến công tác tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa – nếu không, sẽ là một thiếu sót đáng trách!”.
Vậy là “ý-tứ” của bài viết này đã được nhen nhóm ngay từ đêm đầu tiên bị mất ngủ trên tàu... Đã qua một ngày và gần một đêm tàu KN491 vẫn miệt mài hướng Trường Sa thẳng tiến.
Có lẽ do chưa quen với nơi ngủ, lại thêm trong điều kiện ngủ giường tầng chật chội, nên tôi thức dậy bất thường vào lúc 3h sáng, sớm hơn mọi ngày ở đất liền gần 2 giờ đồng hồ.
Không ngủ lại được, tôi đành đánh răng, rửa mặt rồi lên boong tàu tầng ba..., rồi tiếp tục tầng bốn để hóng những làn gió sớm và ý định đón chờ ánh bình minh của ngày đầu tiên trên biển.
Đêm không trăng, nên cũng không thấy được gì ngoài những lằn sóng bạc thi nhau rẽ ra từ phía thân tàu. Đêm mênh mông, tôi cảm nhận thật rõ vị mặn mòi của những làn gió sớm, dễ chịu và mát mẻ, khác xa so với những cơn gió hầm hập hồi chiều qua.
Khoảng ba rưỡi sáng, nhưng đội ngũ anh em nhà bếp lúc này cũng đã lục tục dọn dẹp và bắt tay vào lo bữa ăn sáng cho đoàn công tác.
Ở tàu KN491 được bố trí hai bếp và khu vực ăn khác nhau. Bếp ăn phục vụ cho các thuỷ thủ biên chế của tàu riêng biệt với bếp ăn phục vụ cho các đoàn công tác Trường Sa.
Bếp ăn phục vụ các đoàn đại biểu chuyến đi này có biên chế 17 người, trên tổng số đại biểu của các đoàn khoảng 200. Đã vậy, hằng ngày, bộ phận cấp dưỡng còn phục vụ tới 4 bữa ăn cho đại biểu (sáng, trưa, chiều và khuya), nên khâu nào cũng hết sức tất bật. Công việc cứ xoay vòng gối tiếp theo lịch trình từ trước 4h sáng hằng ngày cho đến tận nửa đêm mới xong.
|
Ở đây, nguồn thực phẩm cung cấp cho các bữa ăn đều phải chuẩn bị sẵn từ đất liền, thế nên những ngày cuối của hành trình đa số rau thịt đã giảm nhiều độ tươi ngon, bởi vậy việc nấu ăn sao cho mọi người được ngon miệng vẫn luôn đòi hỏi sự cầu kỳ, khéo tay chế biến và cả lòng nhiệt tình trong từng món ăn của những đầu bếp.
Dù trong mọi điều kiện thời tiết: nắng - mưa, ngày biển êm hay biển động làm cả thân tàu chao đảo, thì các món ăn bữa chính hàng ngày cho các đại biểu vẫn luôn được bảo đảm số lượng; chí ít cũng từ dăm món trở lên, ngon và đảm bảo về chất. Bởi vậy, sự cố gắng của đội ngũ những người làm bếp trên tàu luôn được các đại biểu đánh giá rất cao về mọi mặt.
Kể thêm về chuyện ăn uống trên tàu, cũng thật thú vị: Bàn ăn nho nhỏ, 6 người một mâm, xem ra hơi chật. Nhưng, nếu xét điều kiện ở trên tàu như vậy là quá tốt rồi, cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn.
Ngày đầu tiên rời bến, việc ăn uống cũng diễn ra khá thuận lợi, bởi khi ấy tàu xuất phát từ hướng Nam ra Bắc, chạy dọc bờ biển nên khá êm. Tuy nhiên, sau một ngày đêm hành trình, tàu ngày càng ra khơi xa, cùng với đó là những con sóng lớn cũng tăng nhiều lên, làm cho thân tàu lắc lư chao đảo mạnh.
Thời tiết ngoài khơi cũng bất thường hơn, nên khi ấy, bữa ăn không còn được thoải mái như ngày đầu tiên. Có nhiều khi đang dở bữa ăn, trời nổi giông, mưa tạt xối xả, phải khiêng bàn tìm góc trốn mưa.
Ngày biển động, nhìn mâm cơm có khi còn chao đảo như người say sóng. Và, thực sự cũng đã có nhiều người say sóng phải bỏ cả cơm. Chính vì vậy mà bữa ăn cũng được mọi người tự giác khẩn trương, không dềnh dang như những ngày đầu nữa.
Trong một lần sau bữa ăn, cùng ngồi uống nước trên boong tàu, nói chuyện về thời tiết biển khơi, Đại tá Nguyễn Đức Thắng – Phó Tham mưu trưởng vùng 4 Hải quân (nguyên Chủ tịch UBND huyện Trường Sa năm 2008-2013), cùng tham gia trong đoàn công tác vui chuyện cất lời: Dịp này, thời tiết vậy là đẹp lắm rồi, kể cả ngày biển động cũng còn êm chán! Sau vài tháng nữa, vào dịp tháng 8 trở đi thì sóng mới thực sự kinh khủng.
Anh kể: Vào ngày biển động, ngay như cánh lính mới thuỷ thủ, dù cũng đã qua tập luyện, nhưng có khi trăm người còn bị say sóng tới bảy tám chục. Còn bữa ăn, đôi khi gặp cơn sóng lớn thức ăn bị hất bay khỏi bàn là chuyện thường tình.
Trở lại chuyện của những người nấu bếp của tàu, dù công việc tất bật, cứ như quấn lấy chân từ mờ sáng cho đến tận nửa đêm, nhưng bất cứ ai trong số họ vẫn luôn tươi cười và rất quan tâm “thăm dò” đến sự ngon miệng của các đại biểu sau mỗi bữa ăn.
“Chú ngon miệng với mấy món nấu hôm nay chứ ạ? Món giả cầy đấy là món do cháu đạo diễn chính đấy chú!” - ấy là nguyên văn câu hỏi của Lê Xuân Thắng, một trong những đầu bếp của tàu, quê ở Hải Dương đã nhanh nhảu hỏi - khi chúng tôi vô tình cùng rửa tay sau bữa cơm trưa.
Không đắn đo, tôi trả lời Thắng: “Tuyệt vời cháu! Chú thấy rất ngon và hợp khẩu vị, không phải chỉ riêng chú mà cả mâm ai cũng khen món đó đấy!”.
Sau câu nhận xét của tôi, vừa rửa tay, Thắng vừa kể: Trong mười mấy anh em bếp, mỗi người đều có một “độc chiêu”. Nghĩa là có một hoặc hai món nấu sở trường bao giờ cũng ngon hơn những người trong nhóm. Bởi thế, cũng dựa vào yếu tố này mà Bếp trưởng Dũng đã phân công cho anh em được đảm nhiệm các món theo đúng sở trường của mình.
Thắng khoe: Như món hôm nay, là của cháu “đạo diễn”. Có người còn gọi cháu là “Thắng cầy”. Còn nói về nấu cơm, thì ít ai qua mặt được các anh đã có biệt danh như “Thắng cơm”, hay “Công cơm” đâu chú!”.
Câu hỏi cùng với cách nói chuyện chân chất mộc mạc của “Thắng cầy” thật sự đã để lại trong tôi một tình cảm đẹp về những người làm bếp trên tàu KN491 trong chuyến công tác này.
Trong suốt cuộc hành trình, trừ buổi đầu lạ lẫm, còn những ngày tiếp sau trở đi nhà bếp của tàu đã có thêm khá nhiều anh, chị là đại biểu trong chuyến công tác đã tự nguyện vào bếp trợ giúp những người làm bếp; trong đó có khá nhiều các anh, chị của đoàn Kon Tum tham gia thường xuyên và tích cực. Người nhặt rau, người bày đồ ăn, sắp xếp đĩa chén... cũng giúp đỡ, hỗ trợ tổ bếp được nhiều việc.
|
Theo dự kiến, trong mỗi năm, lịch trình thăm các đảo tại quần đảo Trường Sa thường khoảng 17 chuyến, vì vậy lịch trình công tác thường xoay vòng liên tục. Bởi vậy, khi tàu vừa cập bến chưa kịp nghỉ ngơi thì bộ phận nhà bếp đã phải tất bật bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm (trong khoảng 3 ngày) để kịp thời phục vụ cho đoàn công tác mới.
Cho dù thời gian của họ ở đất liền thật ít ỏi, ít có dịp gặp gỡ bạn bè và người thân, nhưng nụ cười của họ thì luôn nở rạng giữa trùng khơi!
Bài và ảnh: TT