Chuyện về người con đất cảng bén duyên với nghiệp lính Hải quân
Trong quá trình công tác, thiếu úy Nguyễn Xuân Tường luôn nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu, phát huy dân chủ, coi trọng trí tuệ tập thể. Anh luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bộ đội, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn cho chiến sĩ, thi đua cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong chuyến công tác trên tàu Trường Sa 08 vào tháng 1/2019, tôi có dịp trò chuyện cùng một sĩ quan Hải quân trẻ trung, phong độ, phong thái chững chạc, rắn rỏi; đó là thiếu úy Nguyễn Xuân Tường, sinh năm 1994, quê ở vùng đất cảng Hải Phòng.
Vốn là dân miền biển, Nguyễn Xuân Tường có tình yêu biển cả ngay từ nhỏ. Khi còn học phổ thông, cậu học trò nhỏ Nguyễn Xuân Tường ước mơ được “tung tăng” trên biển cả bao la với những con tàu hiện đại. Vậy là Tường nộp đơn thi vào Trường Cao đẳng Hải quân. Sau khi tốt nghiệp năm 2016, Tường được phân công về tàu Trường Sa 08 (Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân) và làm việc ở đây từ đó đến nay.
Trên tàu, anh làm nhiệm vụ nhân viên cơ khí boong, vận hành các trang thiết bị trên boong tàu. Cũng như một số đồng đội khác, anh thường bầu bạn với cây đàn guitar vào những thời gian rảnh rỗi.
Tường cho biết, ngoài những giờ làm nhiệm vụ, anh em chúng tôi thường ngồi với nhau để ca hát, cùng chia sẻ những vui buồn. Sinh hoạt văn nghệ như vậy phần nào giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Tuy mọi người đến từ vùng đất khác nhau, nhưng khi về đây, chúng tôi đều xem nhau như anh em. Mỗi khi có chuyện gì vui thì chúng tôi kể cho nhau nghe, những lúc có chuyện buồn, chúng tôi chia sẻ với nhau.
Bài hát mà chúng tôi yêu thích và thường hay hát nhất là "Gửi đồng đội nơi đảo xa" của nhạc sĩ Nguyễn Khánh Trình. Theo tôi, đây là một trong những bài hát rất hay viết về biển đảo quê hương cũng như những người đang công tác bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Sau mỗi lần hát bài hát này, anh em chúng tôi lại cảm thấy tinh thần phấn khởi, tươi vui, như được nạp thêm năng lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
|
Với năng khiếu bẩm sinh, những lúc nhớ nhà, nhớ người yêu, Tường lại mượn đến vần thơ để thể hiện cung bậc cảm xúc của mình, biến nỗi nhớ ấy thành niềm tin, sức mạnh, chắc tay súng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Theo thiếu úy Tường, mọi người ở đây đều rất thương yêu, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Người đi trước luôn sẵn sàng chỉ dẫn người đi sau, chính vì thế mà các tân binh đến đây đều nhanh chóng bắt kịp với môi trường trong quân đội cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. “Điều tôi rất thích là hình ảnh anh em ở đây hớt tóc cho nhau. Hầu như mỗi tàu đều có vài người thợ hớt tóc "bất đắc dĩ" để chăm lo chuyện đầu tóc cho các cán bộ chiến sĩ, vì thế mà chiến sĩ hải quân thêm phần tươm tất” - Tường bộc bạch.
Trong quá trình công tác, anh luôn nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu, phát huy dân chủ, coi trọng trí tuệ tập thể. Anh luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bộ đội, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn cho chiến sĩ, thi đua cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặc dù còn nhiều khó khăn song anh luôn động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, duy trì tốt hệ số kỹ thuật, thực hành tiết kiệm toàn diện.
Gian khổ thiếu thốn về vật chất và sự khắc nghiệt của thời tiết có thể vượt qua, nhưng thiếu thốn tinh thần, tình cảm thì quả là không dễ gì vượt qua, nhất là nỗi nhớ đất liền, nhớ người thân luôn canh cánh trong lòng của mỗi chiến sĩ, vì vậy Nguyễn Xuân Tường luôn gần gũi, sẻ chia với đồng đội và tích cực tham gia các sinh hoạt văn hóa - văn nghệ tập thể. “Có lẽ với các hoạt động văn nghệ, tình thương yêu đồng đội là điều làm nên điểm tựa vững chắc trong tâm hồn người lính để chúng tôi luôn chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương” - Tường bộc bạch.
Dẫu biết rằng sẽ có gian khổ, khó khăn ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, nhưng thiếu úy Nguyễn Xuân Tường luôn tự hào về công việc mà mình đang làm. Anh muốn nhắn nhủ với đất liền rằng nơi đảo xa, biển xa này họ không cô đơn mà cảm thấy rất ấm lòng và hạnh phúc vì luôn bên họ là sự yêu thương của cả dân tộc và tự hứa sẽ luôn vững tay súng để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chia tay Tường và cán bộ chiến sĩ tàu Trường Sa 08, tôi chợt nghĩ rằng, trong bối cảnh hiện nay, bất cứ lúc nào người lính hải quân phải đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trước âm mưu xâm lấn của nước ngoài. Các anh luôn sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn cho Tổ quốc, bởi các anh biết đằng sau các anh là cả một hậu phương vững chắc, gần 100 triệu con tim Việt Nam luôn hướng về các anh, tiếp thêm sức mạnh để các anh vững vàng nơi biển đảo xa xôi.
Thảo Nguyên