Chuyện nấu ăn, trồng rau trên đảo Sinh Tồn Đông
Trong hải trình thăm quần đảo Trường Sa, Sinh Tồn Đông là điểm đảo thứ 5 đoàn chúng tôi ghé thăm. Đặt chân lên đảo, người tình nguyện làm “hướng dẫn viên” cho tôi là bếp trưởng Bùi Minh Nam. Vậy là cuộc trò chuyện giữa chúng tôi tập trung chủ yếu quanh chuyện bếp núc trên hòn đảo tiền tiêu này…
Vừa dẫn tôi đi thăm khu bếp ăn và vườn rau thanh niên, bếp trưởng Bùi Minh Nam vừa vui vẻ giới thiệu: Em 40 tuổi, quê Nghệ An, tròn 21 năm trong quân ngũ, ra công tác ở đảo này được gần 1 năm. Trước khi ra đây, em đã là bếp trưởng của đảo Sơn Ca và đảo Nam Yết. Tiếng là bếp trưởng “cho oai”, chứ thực ra làm nhiệm vụ nấu ăn chỉ có em và 1 chiến sĩ, đảm bảo phục vụ 4 bữa ăn/ngày (sáng-trưa-tối-khuya) cho gần trăm cán bộ, chiến sĩ…
Không nói đến sự vất vả của mình, nhưng tận mắt chứng kiến hai anh nuôi mồ hôi nhễ nhại liên tục “tác nghiệp” bơm thổi hơi vào lò nấu, nhúng nước chiếc bao gai cỡ lớn rồi ủ lên hai chảo cơm, chốc chốc lại kiểm tra độ nóng trên chảo…trong cái oi bức của thời tiết và hơi nóng hầm hập bốc ra từ lò nấu, mới thấy chuyện nấu ăn ở đảo thật không đơn giản chút nào.
|
Bếp trưởng Nam cho biết thêm, do lượng cơm nấu trong chảo khá lớn nên sau khi cơm cạn, phải ủ khoảng 1,5 tiếng cơm mới đủ chín, bởi vậy việc nấu ăn chiếm khá nhiều thời gian. Hàng ngày hai anh em thường dậy từ lúc 3 giờ đêm và bắt tay ngay vào công việc mới kịp cho bữa ăn sáng vào lúc 5 giờ 30 phút. Sau bữa sáng, lại tất bật chuẩn bị cho bữa trưa, bữa tối…
Đề cập đến chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn, bếp trưởng Nam cho biết: Trước đây, thời gian cấp hàng hậu cần ra đảo chỉ thực hiện 2 lần/năm, do vậy các bữa ăn chủ yếu dùng đồ hộp, rau khô. Hiện nay, thời gian cấp hàng được thực hiện 4 lần/năm và các đảo đều được trang bị tủ cấp đông, vì thế hàng tươi sống được mang theo nhiều hơn nên lượng đồ hộp đã giảm bớt. Tuy nhiên, để góp phần cải thiện bữa ăn cho bộ đội, anh em nhà bếp luôn trăn trở tìm cách đổi bữa, chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt; đặc biệt rau xanh là thực phẩm hết sức cần thiết nên cánh lính trẻ đã xây dựng mô hình “vườn rau thanh niên” nhằm đảm bảo rau xanh trong các bữa ăn chính…
Khách từ đất liền ra thăm đảo, ai cũng trầm trồ, xuýt xoa trước vườn rau xanh mướt. Vậy nhưng tìm hiểu kỹ mới thấy việc trồng rau ở hòn đảo này thật lắm công phu. Đất đai trên đảo chủ yếu là cát san hô chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như bàng vuông, mù u, phong ba, phi lao, bão táp…; bên cạnh đó điều kiện khí hậu, thời tiết hết sức khắc nghiệt, đảo không có nguồn nước ngọt, có năm 7-8 tháng không có mưa, vì thế, để trồng được rau xanh là cả một quá trình đúc rút kinh nghiệm và tốn không ít mồ hôi, công sức.
Đất, phân bón, khay trồng, giống rau…tất tần tật đều phải gửi từ đất liền ra. Để cải tạo đất, anh em chặt lá cây phong ba, băm nhỏ ủ với vôi, xơ dừa, nước thải để tạo thành phân hữu cơ, sau đó trộn đều với đất rồi mới cho vào từng khay, kê ngay ngắn thành luống.
Nguồn nước tưới cũng là vấn đề phải tính toán. Mưa ít, nắng nóng kéo dài, nước ngọt tiếp tế từ đất liền ra là “của hiếm”, nên mọi thứ sinh hoạt liên quan đến nước đều phải hết sức tiết kiệm. Từ nước vo gạo, rửa rau…đến nước tắm giặt đều được anh em giữ lại để tưới rau.
Các chiến sĩ trẻ ngoài thời gian làm nhiệm vụ sẽ phân công nhau trồng và chăm sóc rau. Anh em thường nói vui: chăm rau trên đảo giống như chăm con nhỏ. Mà quả đúng như vậy. Buổi sáng, khi mặt trời vừa lên là phải tưới nước, rồi kéo tấm lưới che nắng khắp vườn rau, chiều mát cuộn lưới lại. Buổi tối, sau giờ sinh hoạt toàn đơn vị, anh em lại í ới gọi nhau cầm đèn pin ra vườn bắt sâu. Khi trời mưa, bão, sóng đánh cao, những khay rau được anh em ưu tiên đưa vào phòng cất giữ, chăm sóc cẩn thận, theo phương châm: người có thể bị nhiễm nước mặn nhưng không để nước mặn làm hư hỏng vườn rau…
Trời không phụ công người. Sự vất vả, kỳ công của anh em chiến sĩ đã được đền đáp xứng đáng. Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, vườn rau với đủ loại, từ rau muống, rau cải, rau ngót, mồng tơi, rau mầm, tới các loại rau gia vị như đinh lăng, ớt, xả, lá lốt, tía tô, rau húng…vẫn vươn lên đầy sức sống.
Thấy tôi chụp khá nhiều ảnh về vườn rau, bếp trưởng Nam phấn khởi chia sẻ, vườn rau chỉ rộng chừng 30 m2, nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng của toàn đơn vị, sản lượng rau xanh trồng trên đảo ngày càng tăng. Món ăn chế biến từ rau giờ không chỉ dừng lại ở món canh mà đã đa dạng hơn với các món luộc, xào, cải muối chua…Không chỉ là nguồn bổ sung dinh dưỡng thiết yếu, vườn rau còn là nơi để các chiến sĩ thư giãn, gửi gắm tình yêu thương, nỗi nhớ nhà. Bên cạnh đó, vườn rau cũng là nơi lưu giữ kỷ niệm với các đoàn công tác, vì mỗi hạt giống đều chứa đựng tình cảm của đất liền được các đoàn trân trọng “gói ghém” mang ra tặng anh em trên đảo…
Được tận “mắt thấy tai nghe” càng thêm cảm phục ý chí, nghị lực phi thường của những người lính đảo. Vượt lên mọi khó khăn, bằng sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi, việc tăng gia sản xuất, đảm bảo hậu cần nơi đầu sóng, ngọn gió đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày, qua đó đảm bảo sức khỏe cho bộ đội trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Hoàng Thúy