Chuyện kể về Nhà giàn DK1
Nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và lợi ích lâu dài của đất nước, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị số 180 về việc xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (DK1) tại khu vực bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Một thời gian khó
Trong chuyến thăm, chúc tết cán bộ chiến sĩ (CBCS) các Nhà giàn DK1 vào đầu tháng 1/2019, tôi tranh thủ thời gian trò chuyện với nhiều sĩ quan Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Và, với hơn 12 ngày đêm lênh đênh trên tàu Trường Sa 08, tôi phần nào thấu hiểu những khó khăn, vất vả của CBCS Hải quân đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Quốc Văn - Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác, tính tình vui vẻ, dễ hoà đồng. Lục lại ký ức, anh Văn bộc bạch: Thực hiện Chỉ thị số 180 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ban chỉ đạo xây dựng nhà giàn được thành lập và tiến hành khảo sát, thiết kế, thi công các nhà giàn. Đồng thời, Quân chủng Hải quân quyết định thành lập Tiểu đoàn DK1 thuộc Lữ đoàn 171 (nay là Vùng 2 Hải quân) có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là chốt giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Từ năm 1989-1998, Nhà nước ta triển khai xây dựng được 20 nhà giàn DK1 trên các bãi cạn Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè và bãi cạn Cà Mau. Trong 30 năm qua, các nhà giàn DK1 đã phát hiện, phối hợp xua đuổi hàng trăm lượt tàu nghiên cứu, thăm dò trinh sát của nước ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo của ta; quan sát, phát hiện nhiều lượt tàu chiến, máy bay trinh sát nước ngoài xâm phạm vùng trời, vùng biển nước ta và báo cáo kịp thời về sở chỉ huy các cấp để xử lý...
Cùng với việc xây dựng các nhà giàn, khung quản lý DK1 trực thuộc Lữ đoàn 171 Hải Quân được thành lập. Đơn vị có nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ nhà giàn và vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Khung quản lý DK1 gồm những CBCS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt và có kinh nghiệm hoạt động trên biển.
Những năm đầu mới thành lập, cùng với khắc nghiệt của thời tiết, đời sống của CBCS các nhà giàn DKI gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt, học tập, công tác. Với bốn bề chỉ có sóng nước và gió biển, CBCS DKI thiếu từ rau xanh, nước ngọt, điện sinh hoạt đến thông tin với hậu phương, gia đình. Phương tiện duy nhất cung cấp thông tin cho họ là những chiếc đài bán dẫn.
Nhưng với quyết tâm bám nhà giàn, bám biển, bảo vệ chủ quyền, tập thể CBCS các nhà giàn DK1 vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, thiếu thốn và cả những mất mát, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Pháo đài đầu tiên trên biển
Theo Đại tá Nguyễn Quốc Văn, sau khi tìm được bãi cạn và tọa độ xây dựng nhà giàn, ngày 26/11/1988, hai biên đội tàu HQ-713 và HQ- 668 của Lữ đoàn 171 dưới sự chỉ huy của Lữ đoàn phó chính trị - Trung tá Hoàng Kim Nông, biên đội tàu HQ- 727, HQ-723 của Hải đoàn 129 do Trung tá Trần Xuân Vọng chỉ huy bắt đầu hành trình ra các bãi cạn đã được đánh dấu từ trước và tổ chức canh gác tại đây.
Giữa biển cả mênh mông sóng dữ, đời sống của các chiến sĩ vô cùng khó khăn gian khổ. Thức ăn lúc đó chủ yếu là rau muống phơi khô và đồ hộp. Do sóng lớn, toàn bộ khoang nước ngọt dưới hầm tàu bị nhiễm mặn hòa lẫn với gỉ sét. Các chiến sĩ đã dùng áo lót căng lên mặt xô, lọc nước nhiễm gỉ sét, hoặc gạn lắng nước trong để nấu cơm. Tất cả các chiến sĩ phải tắm bằng nước biển, nước ngọt chỉ tráng sau cùng...
Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn DK1 chia sẻ: Trước đây, những nhà giàn được thiết kế theo kiểu khung nhà liên kết với chân đế pông-tông bơm bê tông đánh chìm, định vị bằng các cột bê tông chôn sâu xuống thềm san hô. Do lần đầu tiên xây dựng nhà nổi trên bãi ngầm ở khu vực có điều kiện địa lý tự nhiên phức tạp, lại chưa có kinh nghiệm, nên ngay sau khi dựng lắp xong hệ thống cầu thang lên xuống nhà và các thiết bị nội thất thì bị sóng đánh hỏng. Những lúc gió cấp 6, cấp 7, nhà bị rung lắc mạnh. Vào các năm 1990, 1998, 1999 và 2000, lần lượt nhà DK1/3 Phúc Tần, nhà DK1/6 Phúc Nguyên, nhà trạm Tư Chính B (DK1/5), và nhà trạm Ba Kè A bị đổ khiến 6 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 hy sinh.
Đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/12/1990, bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực nhà giàn DK1/3 Phúc Tần. Nhà giàn bị quật đổ, cuốn trôi cả 8 CBCS xuống biển và có 3 đồng chí mãi nằm dưới biển. Trước lúc hy sinh, Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nêu cao gương người bí thư chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Vào thời khắc sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, họ đã nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sĩ yếu nhất, rồi thanh thản đi.
Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân
Trung tá Nguyễn Văn Sửu (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) thông tin thêm: Khu vực biển DK1 nằm ở phía Đông bờ biển Nam bộ, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Phía Đông giáp quần đảo Trường Sa; phía Nam giáp vùng biển của Malaysia, Indonesia; phía Tây là khu vực biển quần đảo Côn Sơn và vùng biển Tây Nam. Đây là khu vực có nguồn hải sản phong phú, với trữ lượng lớn mà Việt Nam đang khai thác phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, CBCS các Nhà giàn DK1 còn phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam bảo đảm hoạt động thường xuyên của những ngọn đèn biển để dẫn đường bảo đảm an toàn hàng hải cho hàng vạn lượt tàu thuyền trong nước và quốc tế qua lại khu vực; phối hợp với Đài khí tượng thủy văn để các cán bộ khí tượng tiến hành quan trắc, đo đạc các yếu tố khí tượng thủy văn và sự biến đổi của các dòng hải lưu, làm cơ sở cho việc dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu; phục vụ trực tiếp cho các lực lượng làm nhiệm vụ và hoạt động khai thác, sản xuất, phát triển kinh tế biển.
30 năm nơi đầu sóng ngọn gió, mỗi nhà giàn DK1 là một cột mốc chủ quyền, “đôi mắt thần” trên biển, ngày đêm quan sát, theo dõi, nắm chắc mọi tình hình. Mỗi năm, CBCS nhà giàn DK1 theo dõi, đăng ký, báo cáo hàng ngàn lượt mục tiêu trong khu vực; kịp thời tham mưu, đề xuất với sở chỉ huy để xử lý tốt mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
|
Đối với bà con ngư dân, CBCS DK1 như những người thân trong gia đình. Họ trở thành chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Khi gặp khó khăn, hoạn nạn, ngư dân đều tìm đến các nhà giàn DK1 để được giúp đỡ. Các nhà giàn DK1 đã cung cấp, cứu nạn, hỗ trợ hàng trăm lượt tàu thuyền và ngư dân; cung cấp hàng ngàn mét khối nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác. Đồng thời, thường xuyên theo dõi nắm bắt diễn biến, thông tin kịp thời và tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn trong mùa giông bão.
“Trong 30 năm qua, các nhà giàn kịp thời phối hợp cứu vớt nhiều tàu đánh cá bị nạn, cấp cứu điều trị bệnh cho hàng trăm ngư dân Việt Nam. Những tình cảm ấy, giúp cán bộ, chiến sĩ nhà giàn và ngư dân thấy ấm lòng, gần gũi, thân thương hơn giữa biển khơi muôn trùng” - Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 chia sẻ.
Góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo
Trong 30 năm qua, đã có biết bao thế hệ CBCS Tiểu đoàn DK1 dành trọn tuổi thanh xuân của mình để xây dựng, gìn giữ các nhà giàn. Thậm chí, không ít máu xương của những người lính phải đổ xuống để giữ cho lá cờ đỏ sao vàng tung bay hiên ngang giữa biển trời, như sự khẳng định đanh thép về chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa phía Nam.
Trung tá Nghiêm Xuân Thái cho biết: Thời gian qua, đơn vị luôn chú trọng công tác huấn luyện cho CBCS theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Theo đó, đơn vị tập trung huấn luyện đồng bộ các kỹ năng để CBCS nhà giàn thực sự làm chủ, nắm chắc các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật phục vụ cho thông tin liên lạc, xử lý trên không, trên biển và các tình huống bất trắc có thể xảy ra.
“Hiện nay, trên các nhà giàn DK1 đã được trang bị phương tiện hiện đại, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao; 100% cán bộ, chiến sĩ đều làm chủ các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật biên chế trên nhà giàn. Kết quả kiểm tra huấn luyện hàng năm đều được Vùng 2 Hải quân và Quân chủng Hải quân đánh giá tốt, đơn vị đạt huấn luyện khá, giỏi; 100% cán bộ, chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ trên các nhà giàn” - Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh cho hay.
Những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân; của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, các Nhà giàn DK1 đã được nâng cấp, sửa chữa, đóng mới chắc chắn, khang trang, hiện đại. Trang bị, phương tiện trên các nhà giàn ngày càng đầy đủ, đồng bộ, chính quy, thống nhất. Đời sống của CBCS nhà giàn DK1 đã được cải thiện và nâng cao. Đó thực sự là nguồn cổ vũ, động viên để CBCS thêm yên tâm công tác, gắn bó với nhà giàn, cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng - Tư lệnh Vùng 2 Hải quân khẳng định: Trong 30 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cùng với sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ to lớn, có hiệu quả của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước đã tạo động lực cho CBCS nhà giàn DK1 phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khắc khục khó khăn, vượt qua mọi hiểm nguy, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mặt khác, các nhà giàn còn là niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong suốt 30 năm xây dựng và trưởng thành, Tiểu đoàn DK1 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Ðơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2005); 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm 2019) và hạng Ba (năm 2004); Thủ tướng Chính phủ tằng Bằng khen (năm 2001); Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen (năm 2001)...
Quang Định