Chở xuân ra Trường Sa
Những con tàu đầy ắp quà ghé thăm, chúc Tết quân và dân trên các điểm đảo của quần đảo Trường Sa những ngày cuối năm không chỉ góp phần mang cả mùa xuân từ đất liền ra biển, mà còn thắt chặt hơn tình cảm của cả nước đối với nơi “đầu sóng ngọn gió” của Tổ quốc.
Sau hơn 20 ngày vượt sóng, 3 con tàu (KN 491, Trường Sa 561 và Trường Sa 571, thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) chia làm 3 mũi bắt đầu hải trình dài vượt sóng, gió biển Đông đến các điểm đảo của huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà). Trên boong mỗi tàu có hàng ngàn tấn quà, nhu yếu phẩm như gạo nếp, lá dong cùng hàng trăm con heo, gà… Không chỉ có các nhu yếu phẩm, chuyến tàu này còn có hàng trăm cây cảnh, giò hoa phong lan từ đất liền gửi ra... được giằng buộc chặt chẽ và che chắn kỹ trên boong tàu.
Tiễn đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa- Nguyễn Đắc Tài nhấn mạnh: Những năm qua nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm đến quân, dân huyện đảo Trường Sa - những người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài việc động viên tinh thần, chuyến công tác này còn có ý nghĩa chở mùa xuân, chở Tết cổ truyền của dân tộc từ đất liền ra Trường Sa, gửi gắm tình cảm và góp phần thắt chặt tình cảm quân, dân ở đất liền với biển, đảo.
|
Sau hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, chuyến tàu Trường Sa 571 đi theo tuyến Bắc của chúng tôi vượt hơn 300 hải lý để đến điểm đảo đầu tiên mang tên Sinh Tồn Đông.
Xúc động trước những món quà về vật chất, tinh thần được cẩn thận chuyển từ đất liền và những lời chúc Tết tình cảm của đoàn công tác, Đại úy Đinh Ngọc Sang - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông thay mặt cán bộ, chiến sĩ của đảo quyết tâm sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng truyền thống vẻ vang “Đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền”.
Chia tay Sinh Tồn Đông, chuyến tàu của chúng tôi tiếp tục vượt hơn 20 hải lý để đến đảo Nam Yết. Cái Tết sớm đầu tiên nơi đầu sóng ngọn gió đã cho chúng tôi những xúc cảm rất thực về cái Tết đặc biệt này. Vẫn có bánh chưng xanh cùng thịt heo, đậu xanh như đất liền, nhưng cái đặc biệt ở đây là bánh chưng không chỉ được gói bằng lá chuối, lá dong… mà còn được gói bằng một thứ lá rất đặc trưng ở Trường Sa: lá bàng vuông. Với những người lính nơi đảo xa, phút sinh hoạt dưới gốc bàng vuông hay hòa giọng ca cùng với tiếng sóng vỗ bên các đồng đội trở thành điểm tựa tinh thần vượt qua bao khó khăn, gian khổ để ngày đêm bảo vệ bình yên chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Dưới gốc cây bàng vuông - di sản đã hơn 120 tuổi, Đại úy Nguyễn Tài Tuyền (đảo Nam Yết) khéo léo bẻ góc, tỉa những lá bàng một cách vuông vắn trước khi đưa vào khuôn. Từng động tác thành thục, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, cụm của Đại úy Tuyền đã hoàn thành 2 cặp bánh chưng vuông vắn.
“Nhiều năm trước, việc vận chuyển vật liệu từ đất liền gặp khó khăn nên anh em đã nghĩ ra việc dùng lá bàng vuông để gói bánh. Bánh chưng gói từ lá bàng vuông tuy không có màu xanh đẹp như lá dong nhưng vẫn giữ được hương vị. Giờ điều kiện vật chất đầy đủ hơn nhưng chúng tôi vẫn dùng lá bàng vuông để gói bánh chưng dịp Tết để gợi nhớ về một thời khó khăn và động viên nhau tiếp tục cố gắng hơn nữa” - Đại úy Tuyền chia sẻ.
Trong 2 ngày ở lại Nam Yết, chúng tôi được cùng các chiến sĩ tham gia các trò chơi như: kéo co, đá bóng, thi trang trí cỗ Tết… Đêm đến, chúng tôi được hòa mình vào bữa tiệc văn nghệ chào xuân được tổ chức sớm tại đây. Những tiết mục múa hát đặc sắc, hái hoa dân chủ, những câu chuyện hài hước, dí dỏm… của những người lính nơi đảo xa đã tạo ra một không khí tràn ngập màu sắc, đầy ắp yêu thương của những người đang bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi “đầu sóng ngọn gió”.
Trung tá Đào Văn Kha - Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết chia sẻ: Đây đã là năm thứ 3 liên tục mình đón Tết tại đảo. Mỗi năm mỗi khác nhưng mình thấy điều kiện thực phẩm, nhu yếu phẩm… năm nào cũng cơ bản đầy đủ như trong đất liền. Thường thì vào ngày cuối năm, đảo mổ heo, gà và dọn dẹp nhà cửa, khuôn viên. Đêm đến, cán bộ đảo đi chúc Tết các vọng gác rồi tới thắp hương tại cột mốc chủ quyền. Sau giao thừa, các chiến sĩ có thể tới chùa, ra Nghĩa trang liệt sĩ hoặc tượng đài Trần Hưng Đạo trên đảo để thắp hương cầu bình an đầu năm mới.
Đã từng công tác nhiều năm ở đảo Nam Yết và các điểm đảo trên hành trình, Đại tá Trần Minh Thuần - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác của chúng tôi tỏ ra rất xúc động ở mỗi điểm dừng chân. Ngoài việc trao chuyển quà năm mới và những lời chúc tốt đẹp tới các chiến sĩ và gia đình, Đại tá Thuần đã cùng với cán bộ, chiến sĩ các đảo cùng nhau trang trí, sửa soạn đón Tết và ôn lại kỷ niệm ở những nơi đã từng gắn bó. Thay mặt Lữ đoàn và Vùng 4 Hải quân, đồng chí chúc cán bộ, chiến sĩ trên các đảo nhiều sức khỏe, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.
|
Xuân đã về, cùng với cả nước, quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa đón cái Tết đủ đầy. Nhưng “vui xuân không quên nhiệm vụ”, quân và dân Trường Sa vẫn luôn chắc tay súng bảo vệ sự bình yên biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, nhân dân đã giao phó.
Bài và ảnh: Quang Thái