Cây phong ba và người lính biển
Đã từ lâu lắm, tôi đã nghe người ta nhắc nhiều tới cây phong ba ở Trường Sa, một loài cây ở miền khí hậu khắc nghiệt, những vẫn sinh sôi phát triển trong bão táp, mưa sa, làm giàu đẹp thêm cho vùng đất nơi cực đông của Tổ quốc. Cũng bởi đặc tính đó, cây phong ba còn được gắn liền với biểu tượng của người chiến sĩ Hải quân, những người hiên ngang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Loài cây có sức sống mãnh liệt
Phong ba là loại cây có chiều cao trung bình khoảng từ 3 đến 6m, có khả năng sinh trưởng tốt ở những vùng cát san hô. Thân gỗ mềm, phân cành thấp, có chùm hoa nhỏ màu trắng, quả mọc thành chùm. Phong ba là loại cây phát triển chậm, cây trưởng thành sau 10 năm chỉ đạt độ cao khoảng 3-4m.
Cây có khả năng tái sinh bằng hạt và chồi, biên độ sinh trưởng rộng, có thể phát triển tốt ở các vùng biển đảo, chịu được gió bão, nước mặn. Bởi vậy, các đảo ở Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, các thế hệ chiến sĩ Hải quân rất chú trọng phát triển cây phong ba cùng với một số loại cây đặc hữu khác như bàng vuông, mù u, bão táp..., để cải tạo môi trường, lấy bóng mát và chắn gió, cát.
|
Hiện nay, không chỉ các chiến sĩ Hải quân, mà người dân và các em học sinh ở các xã đảo của huyện Trường Sa cũng có ý thức cao trong việc trồng và bảo vệ cây xanh của đảo. Nhờ có cây xanh, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đã phẳng lặng, dịu mát hơn, đặc biệt là khi các trận gió bão và nắng nóng thổi qua.
Những màu xanh mát mắt
Lần đầu tiên được đến với Trường Sa, cảm giác trong tôi thật bồn chồn khó tả. Đoàn công tác của chúng tôi hành trình trên chuyến tàu KN-491 vào dịp tháng 5/2017. Xuất phát lúc 7h50 ngày 7/5/2017, sau hơn 2 ngày và 2 đêm lênh đênh trên biển, gần trưa ngày 9/5, tàu mới tới đảo Song Tử Tây và thả neo cách cầu cảng ước chừng bốn trăm mét.
Từ vị trí này nhìn vào đảo, Song Tử Tây đẹp đến bất ngờ. Toàn đảo được bao trùm một màu xanh của cây lá trông đến mát mắt giữa đại dương bao la. Qua tìm hiểu tài liệu, được biết ở đảo Song Tử Tây bây giờ đã có nhiều loại cây khác nhau như bàng vuông, mù u, bão táp và một số loại cây, trái từ đất liền mang ra..., nhưng nhiều nhất vẫn là cây phong ba.
Cũng cần nói thêm rằng, trên các đảo nổi thuộc huyện đảo Trường Sa, không chỉ có đảo Song Tử Tây mới có nhiều cây phong ba, mà hầu như các đảo đều hiện diện rất nhiều cây này, bởi chúng có đặc tính dễ trồng, phát triển mạnh trong cả điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.
|
Còn nhớ trong lần chuyện trò với Đại tá Tạ Trung Đức - Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, khi tôi hỏi về đặc tính của một số loài cây trên đảo Song Tử Tây, anh cho biết: Những ngày đầu mới giải phóng, Song Tử Tây còn trơ trọi lắm, cây xanh hầu như có rất ít và cằn cọc, không tìm đâu được một bóng râm. Đảo khi ấy chủ yếu là cát, sỏi và sạn san hô, gió bão quăng quật cồn thành đống, chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy nóng nực và ngột ngạt...
Từ khi các chiến sĩ Hải quân của ta tiếp quản, với quyết tâm của lãnh đạo Vùng 4 trong việc cải tạo môi trường để cải thiện đời sống cấn bộ, chiến sĩ, nên phong trào trồng cây ở Song Tử Tây, cũng như ở tất cả các đảo nổi của huyện Trường Sa đã được đặc biệt quan tâm. Thực hiện chủ trương này, liên tục hàng năm, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã không ngừng nhân giống bằng cách ươm, chiết các giống cây tại chỗ, các giống cây mang từ đất liền ra để trồng, chăm sóc. Bởi vậy, có thể nói bây giờ Song Tử Tây đã có thay đổi đáng kể, đảo được khoác trên mình một màu xanh vĩnh cửu.
Biểu tượng cho khí phách kiên cường của người chiến sĩ Hải quân
Ở Trường Sa, trung bình một năm hơn 20 trận bão quần thảo. Ngoài bão tố, ban ngày nhiệt độ có khi nóng hơn 400C, cùng với gió Tây Nam thổi mạnh mang theo hơi nước mặn mòi, hầm hập làm cho khí hậu vô cùng khắc nghiệt, đất đai thì khô cằn sỏi đá. Tuy vậy, nhưng loài cây phong ba vẫn sinh trưởng mãnh liệt, luôn xanh tươi đầy sức sống, nở cho đời những chùm hoa trắng nhỏ, đua nhau khoe sắc dưới nắng gió hầm hập của đại dương.
Ngoài tô điểm cho đảo thêm xanh, thêm đẹp, không biết tự bao giờ, phong ba đã trở thành người bạn tâm tình, là biểu trưng cho cho khí phách kiên cường, tinh thần bất khuất của người lính đảo, không khuất phục trước khó khăn gian khổ, để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
|
Ở trên đảo Song Tử Tây, cây phong ba được trồng rất nhiều, bên cạnh những hàng cây trồng mới hàng năm, có rất nhiều cây phong ba ước tính có đến vài chục năm tuổi, đường kính lớn đến mức người lớn ôm không xuể. Đi đến bất cứ vị trí nào trên đảo, ta cũng có thể bắt gặp sự hiện diện của loại cây này tỏa bóng râm mát trên các trục đường bê tông của đảo, ở nơi làm việc của cán bộ chiến sĩ và cả bên những bờ công sự, ụ pháo luôn vươn nòng ra biển khơi xa...
|
Trên đảo Trường Sa có cây phong ba, loài cây biểu tượng của người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, những con người kiên trung, quả cảm nơi đầu sóng ngọn gió. Màu xanh của cây phong ba, đã làm vợi đi nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà..., âu cũng chính là niềm lạc quan, tin yêu cuộc sống để ngày, đêm họ thêm chắc tay súng bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc thân yêu.
TT