Câu cá đêm ở Trường Sa
Trong chuyến công tác đến Quần đảo Trường Sa trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, chúng tôi được chứng kiến cán bộ, chiến sĩ trên Tàu bệnh viện HQ-561 thực hiện nhiệm vụ câu cá vào ban đêm để góp phần cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Với 2 dụng cụ chính là cuộn cước và đôi găng tay, các anh đứng 2 bên mạn phía đuôi tàu, thả và kéo cước, câu cá liên tục suốt cả đêm.
Trong suốt hải trình đưa chúng tôi đến với 14 điểm đảo (nằm giữa quần đảo Trường Sa), Tàu bệnh viện HQ-561 đều thả neo cách các điểm đảo từ 3 - 5 hải lý. Thông thường tàu neo ở lại ít nhất 1 đêm, sáng sớm hôm sau mới nhổ neo đi sang điểm đảo khác. Vào mỗi buổi tối tàu neo lại, sau khi xem xong chương trình thời sự trên VTV, cán bộ, chiến sĩ của Tàu bệnh viện HQ-561 lại tranh thủ ra phía đuôi tàu để câu cá.
So với câu cá ở đất liền, việc câu cá ở biển khác rất nhiều do môi trường nước sâu, sóng gió và trọng lượng cá lớn. Vì thế, dụng cụ để câu cá biển cũng rất đặc biệt, gồm 1 cuộn cước dài từ 200 - 400m, 1 đôi găng tay, 1 cây vợt bằng lưới và 1 cây khấu (có móc sắt ở đầu) cùng có độ dài khoảng 4m, cả 2 cây được dùng hỗ trợ đưa cá cắn câu lên tàu.
|
Mồi để câu cá ở biển có 2 loại, mồi thật thường là thịt cá chuồn hoặc chả heo và mồi giả làm bằng cao su phản quang hình con mực. Khác với việc thả mồi khi câu cá ở đất liền, mồi khi câu cá ở biển được thả sâu dưới nước, do vậy đầu cuộn cước cách lưỡi câu khoảng 1m luôn gắn một cục chì.
Đại úy Đào Văn Tám (cán bộ của Tàu bệnh viện HQ-561) chia sẻ, câu cá ở biển, ngoài sự kiên nhẫn, người câu cần có sức khỏe tốt, vì phải vận động tay chân liên tục.
Câu cá ở biển có 2 cách, đó là câu kéo và câu ngâm. Đối với câu kéo, người câu sẽ dùng mồi, thông thường là mồi giả, thả xuống biển ở độ sâu khoảng 50m, sau đó lập tức thu cước, kéo mồi lên để nhử cá bơi theo cắn câu. Việc thu cước phải nhanh nên hầu hết người câu không kịp cuốn cước vào thanh cuộn, chỉ để cước thu được nằm dưới sàn tàu, việc làm này khiến cho cước dễ bị rối. Khi thu cước xong nếu cá không cắn câu, người câu sẽ tiếp tục thả mồi và kéo cước lên lại.
|
Đối với câu ngâm, người câu sẽ gắn mồi thật vào lưỡi, quăng mồi ra phía xa nhờ sức nặng của cục chì, để mồi chìm sâu dưới đáy biển tầm 100m, sau đó đứng đợi và dựa vào cảm nhận từ đôi tay để kéo cước lên.
Đại úy Tám cho biết, ở Trường Sa, các đảo như: Núi Le, Tốc Tan… là những ngư trường lớn, có phân đội làng chài, thường xuyên có ngư dân đánh bắt cá tại đây. Tuy vậy, biển rộng mênh mông, phải đi biển lâu năm mới biết được cụ thể khu vực nào có nhiều cá. Đại úy Tám “bật mí”, vùng đáy biển xung quanh các đảo thường có độ dốc lớn, tương tự như sườn núi. Tại những nơi địa hình vừa dốc vừa nhiều rãnh san hô, cá tập trung rất nhiều.
“Cá mà chúng tôi câu được thường là cá thu bè, cá thu ngừ, cá sao, cá nhồng… trọng lượng trung bình từ 5 – 10kg, có con trọng lượng lên đến 40 – 50kg. Con càng lớn sức bơi càng mạnh. Vì vậy, khi câu cá chúng tôi luôn phải đeo găng tay bảo vệ. Còn lúc cá cắn câu, chúng tôi phải dùng hết sức, thậm chí phải nhờ đồng đội mới kéo chúng lên được” - Đại úy Tám nói.
Một chiến sĩ khác trên Tàu bệnh viện HQ-561 cho hay, khi đi biển, hầu hết mọi người đều sắm cho bản thân 1 bộ câu cá với giá từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Trong đó, dây cước phải là loại tốt, được sản xuất tại Đài Loan hoặc Malaysia.
|
Chúng tôi đang trò chuyện say sưa với cán bộ, chiến sĩ trên tàu về cách câu cá biển, đột nhiên cả tàu reo hò, phía bên kia mạn tàu, một chiến sĩ câu được 1 con cá thu bè nặng khoảng 5kg. Anh vui vẻ chia sẻ, càng về khuya câu sẽ được nhiều cá lớn hơn. Thật đúng vậy, khoảng thời gian từ 10 – 12h đêm, các anh liên tục câu được những con cá lớn.
Phấn khích với việc câu cá vào ban đêm trên tàu, một số phóng viên xin các thuyền viên cho câu thử. Được trực tiếp tham gia mới hiểu, việc câu cá ở biển rất khó, chỉ mỗi việc đơn giản nhất là không để dây cước mắc vào nhau cũng khiến nhiều người bối rối. Chuyến công tác của chúng tôi kéo dài nhiều ngày, dần dần mọi người cũng quen và biết câu cá biển. Khi ai đó trong chúng tôi câu được cá, cả tàu đều rộn ràng tiếng cười.
Câu cá vừa là nhiệm vụ cũng vừa là thú vui của các chiến sĩ trên Tàu bệnh viện HQ-561. Trung bình mỗi đêm, các anh câu được 30 con cá các loại. Nhiều hôm neo đúng luồng cá, số lượng cá câu được lên đến hơn 50 con. Số cá này các anh đem cất vào kho đông, dùng để bổ sung khẩu phần ăn cho các chiến sĩ trên tàu trong những ngày tiếp theo. Còn với cánh phóng viên, số cá câu được, chúng tôi cùng các anh chế biến thành bữa ăn khuya ngay sau khi buổi câu cá kết thúc.
Đức Thành