Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn
Báo chí có vai trò đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng của Bác. Với ngòi bút chân phương, giản dị mà sắc sảo, linh hoạt, nhạy bén của mình, các tác phẩm báo chí của Người thể hiện sinh động tầm cao tư tưởng, đạo đức trong sáng và ý nghĩa “vị nhân sinh” của người Cộng sản suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì thế giới cộng đồng.
Ngay từ những ngày đầu làm Cách mạng, trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã làm chủ bút, chủ nhiệm và không nề hà những công việc hành chính, sự vụ liên quan đến báo chí.
Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên ra đời do Người, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trở thành ngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong thư gửi trí thức Nam Bộ ngày 25/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào tháng 9/1962, Bác nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người căn dặn: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung, cách viết”. Lời khuyên “Viết để làm gì? Viết để cho ai xem? Viết như thế nào?” chính là kim chỉ nam cho mỗi người làm báo cách mạng.
|
Trong giai đoạn cách mạng mới, đẩy mạnh xây dựng đất nước theo xu thế phát triển, hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thấm nhuần “trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức của người làm báo” là mệnh lệnh đối với mỗi người cầm bút, cầm máy.
Trước những diễn biến đa chiều, phức tạp của đời sống xã hội, sự tác động mạnh của cơ chế thị trường và những thách thức muôn hình của các thế lực không đi cùng một hướng, hơn lúc nào hết, yêu cầu “viết cho ai, viết để làm gì” cần được người cầm bút xác định một cách rõ ràng, nghiêm túc. Không định hướng đúng đắn về nhận thức tư tưởng cũng như thiếu một cái tâm trong sáng, người cầm bút không thể xác định được ngòi bút thẳng ngay, rõ nét. Một khi đã trả lời đúng câu hỏi “viết cho ai, viết để làm gì”, thì mỗi người sẽ có sự thể hiện “như thế nào” theo cách của mình mà không bị chệch hướng.
Từ Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị phát động vào năm 2007 đến đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay, đã có nhiều chuyên đề cụ thể, thiết thực được những người làm báo cùng cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước học tập và làm theo. Trước hết, những đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” từ cuộc đời cách mạng sôi nổi của Bác Hồ chính là tấm gương đạo đức sáng ngời mà mỗi người làm báo học tập, làm theo. Học tập và làm theo Bác ở cuộc đời bình dị, sáng trong cũng chính là nền tảng để mỗi người làm báo thấm nhuần một cách sâu sắc hơn ý nghĩa “suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, làm gì cũng phải tự răn mình đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên hàng đầu. Người làm báo theo gương Bác luôn phải lấy phẩm chất đạo đức làm “nhân”, “tâm”, lấy nhận thức tư tưởng chính trị làm “trí”, “dũng” lấy tinh thần trách nhiệm “nói đi đôi với làm” làm định hướng “tín”, “nghĩa”.
|
Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, để trở thành người làm báo cách mạng chân chính, hơn lúc nào hết, “trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức của người làm báo” càng được đề cao, và trở thành hiện thực sinh động trong mọi hành động, suy nghĩ của mỗi người. Gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, “thông tin trung thực, khách quan vì lợi ích đất nước, vì lợi ích nhân dân” là yêu cầu không thể thiếu trong đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn, mỗi người làm báo tin rằng, bằng từng việc làm cụ thể của mình, chúng ta sẽ luôn giữ cho “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, xứng đáng là người lính đi đầu trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, góp phần làm nên thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
THANH NHƯ