Kỷ niệm thiêng liêng
Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 cũng là tưởng nhớ 54 năm Bác Hồ đi xa. Thiêng liêng nỗi niềm ngày ấy càng nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, người dân chúng ta luôn thấm nhuần ý thức tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Trong lần nói chuyện với cán bộ và nhân dân Kon Tum vào cuối tháng 8/2009, Tiến sĩ Trần Viết Hoàn- nguyên cảnh vệ của Bác Hồ kể lại: Bác nằm chữa bệnh tại ngôi nhà nhỏ sau nhà sàn mà Bộ Chính trị đã quyết định làm vào tháng 5/1967 nhằm đảm bảo an toàn cho Người trong những năm máy bay giặc Mỹ bắn phá Hà Nội. 9h ngày 2/9/1969, Bác bị một cơn đau tim nặng. Theo dõi trên máy điện tim thì đến 9h15 tim Bác ngừng đập.“Các bác sĩ, anh em bảo vệ chúng tôi thay nhau dùng sức ấn lên ngực Bác, mong sao tim Người đập trở lại”. Đến 9h47, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt: "Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi !"
|
Ngày ấy, ông Trịnh Trung Hạnh - Nguyên Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Kon Plông còn là cậu bé 14 tuổi lam lũ ở vùng quê Yên Lạc (Yên Định, Thanh Hóa). Ông Hạnh còn nhớ: Sáng hôm ấy mưa, trời âm u. Người bác ở cạnh nhà, buồn rầu sang nói với bố tôi “Bác mất rồi”. Bác và bố tôi ngồi nói chuyện, nhắc nhớ lại kỷ niệm lần Bác Hồ về thăm xã láng giềng Yên Trường. Lúc bấy giờ, bác ấy cũng được đi đón Bác Hồ, được chứng kiến Bác đến thăm nhà một số bà con, tìm hiểu sinh hoạt đời sống của người dân và ân cần dặn dò mọi người chăm lo lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đó, xã trang trọng tổ chức lễ truy điệu Bác. Cùng với các cô bác, anh chị, cậu học sinh Trung Hạnh và các bạn của mình đều để tang bác bằng một khuôn vải đen nhỏ trước ngực.
Bà Vũ Thị Minh Huệ - Nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kể lại: Đầu tháng 9/1969, bà mới về công tác tại Ban Đấu tranh chính trị Tỉnh ủy Kon Tum - tiền thân của Ban Dân vận Tỉnh ủy sau này. Cơ quan đóng tại làng Ngọc Rằng, nay thuộc xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà chỉ có chưa đầy 10 người. Minh Huệ trẻ nhất, mới 18 tuổi, đang là đối tượng Đảng. Bà Huệ ngậm ngùi: Tin Bác mất khiến ai cũng lặng người. Tôi chợt nhớ lúc trước được chú Dân - Bí thư Ban cán sự Đảng H5 tặng cho một tấm hình Bác ngồi đọc báo trên chiếc ghế mây, cất kỹ trong ba lô, liền vội chạy vào lấy ra. Nhìn Bác hiền từ, khoan thai, chăm chú trong tấm hình, tôi càng xúc động, òa khóc và bật gọi “Bác ơi!”... Ở vùng căn cứ xa xôi thiếu thốn mọi thứ, nhưng ngày Bác mất, các đồng chí lãnh đạo vẫn kỹ càng chuẩn bị cho mỗi người một dải băng tang mang trên cánh tay để tưởng nhớ Người.
|
Đã có bao nhiêu câu chuyện cảm động về tình cảm của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc lúc Người giã biệt thế giới, “lên đường theo Tổ tiên”. Những tình cảm thiêng liêng, sâu đậm còn mãi được nhắc đến cùng với sự trường tồn một người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ Cộng sản quốc tế lỗi lạc suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của nhân loại. Tình cảm thiêng liêng sâu đậm với Bác kính yêu cũng chính là mạch nguồn nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng ngời sáng trong quá trình đấu tranh gian khổ hy sinh của cả dân tộc cho đến này toàn thắng và lan tỏa trong công cuộc kiến thiết đất nước.
Trước lúc đi xa, Bác kính yêu đã để lại Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó là năm 1965, khi sắp tròn tuổi 75, Người bắt tay vào viết bản “Tuyệt đối bí mật”. Năm 1968, Bác viết thêm một số đoạn trong bản thảo đã viết và năm 1969, Bác viết lại đoạn mở đầu. Sau khi Bác mất, bản Di chúc được công bố lần đầu, là tất cả tình cảm, tâm tư, ý nguyện của lãnh tụ gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày 19/8/1989, Di chúc được Bộ Chính trị chính thức phổ biến rộng rãi. Năm 2006, triển khai Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị khóa 10, ngay từ chuyên đề đầu tiên, Di chúc đã được đưa vào học tập.
Sau gần 17 năm triển khai cuộc vận động lớn, cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh càng ra sức "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tận tâm, tận tụy, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”, gắn với quán triệt tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phong, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thanh Như