Hướng đến Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tư tưởng Hồ Chí Minh với người cao tuổi
Tư tưởng Hồ Chí Minh là tất cả những vấn đề liên quan đến sự phát triển của dân tộc, là sự quan tâm của Người với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, trong đó có người cao tuổi.
|
Trong lời kêu gọi tinh thần đoàn kết Bác viết: “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các bậc hiền huynh chí sỹ! Mong các ngài noi gương phụ lão đời nhà Trần trước bọn giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc…”.
Người thường nhắc đến xưa để chỉ nay, nói các bậc tiền bối để giáo dục đương thời. Khi ca ngợi các bậc phụ lão, ngày 1/10/1960 trong bài: “Tuổi càng cao, lòng yêu nước càng lớn” đăng trên báo Nhân Dân số 2387, cuối bài Bác có 4 câu thơ tặng các cụ phụ lão:
“Càng già, càng dẻo, càng dai
Tinh thần gương mẫu chẳng những ai
Đôn đốc con em làm nhiệm vụ
Vuốt râu mừng xã hội tương lai”
Vừa giáo dục, vừa kêu gọi, vừa khen ngợi lại vừa lạc quan yêu đời, đó là phẩm chất của Người. Đối với Bác, tuổi càng cao sức khỏe càng yếu đi, đó là qui luật muôn đời, là lẽ đương nhiên, là qui luật của sự tạo hóa… Tuy nhiên, tuổi già nhưng chí khí không già mới là phẩm hạnh của các cao niên Việt nam. Do vậy, ngày 5/2/1962 (tức mồng Một Tết Nhâm Dần), tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã đọc hai câu thơ mừng tuổi các cụ phụ lão:
“Tuổi già nhưng chí không già
Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng chói - là người cao tuổi Việt Nam vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta. Bác có cái nhìn lạc quan, biết sức khỏe của mình không còn được đóng góp cho dân tộc bao lâu nữa nhưng lúc nào Người cũng tin tưởng vào sự thành công của Cách mạng Việt Nam.
Ngày 20/5/1968, tại buổi Lễ khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội (khóa III), sau lời chúc thọ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Người nói: “Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy mình như trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi thì tôi thấy già đi. Vì vậy tôi có bài thơ thế này:
“Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Khí chiến dân ta đang thắng lợi
Tiến bước ta cùng con em ta.”
Tuy ở cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Bác vẫn có cuộc sống giản dị, khiêm nhường đã trở thành đức tính của Người. Trong bài nói chuyện với đảng viên hoạt động lâu năm năm 1961, Bác nói: ‘‘Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi, không học thì không theo kịp, công việc sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ thì chúng mình dốt lắm... ’’. Quả thật một lời dạy sâu sắc và ân tình, một hình thức góp ý, giáo dục đối với bậc cao niên đầy trách nhiệm và tình cảm của Người. Ngày nay chúng ta đã và đang đổi mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã và đang diễn ra, chúng ta càng thấm nhuần lời dạy của Người.
Khi nhắc đến bệnh công thần, cũng tại bài viết này Bác nói: ‘‘Cũng có một số đồng chí hoạt động không tích cực, nói mình già, yếu, mệt nhưng lại trách Đảng, trách nhân dân, trách phong trào sao lại không đưa mình lên. Cái đó không nên. Đó là mắc bệnh công thần’’.
Mọi lúc, mọi nơi Người luôn luôn quan tâm tới sự nghiệp Cách mạng, quan tâm tới tương lai đất nước. Thanh niên và cao niên tuy ở hai cực khác nhau về tuổi tác của nột đời người nhưng quan điểm của Người cho đó là một, cao niên phải có trách nhiệm giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ để họ đảm đang công việc của mình. Theo Bác: Không có kế thừa thì không có phát triển. Xuất phát từ tư tưởng này mà Người luôn luôn nhắc nhở: ‘‘Trong lãnh đạo cần có già, có trẻ’’, ‘‘Đảng rất quí trọng đảng viên già, nhưng Đảng cũng rất cần những cán bộ trẻ để làm những việc mà đảng viên già không làm được. Vì vậy, phải đào tạo thanh niên cho họ làm việc hơn mình, không nên nạnh kẹ’’. Theo Bác: Thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ là không tốt, thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. ‘‘Hậu sinh khả úy’’ đó là quy luật phát triển tất yếu của xã hội loài người. Do vậy, ‘‘Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một điều rất quan trọng và cần thiết’’. Bởi theo người: ‘‘Nhà nước thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần là do thanh niên, do lớp kế thừa cách mạng, những người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ Tổ quốc”.
Khi giáo dục thanh niên, làm cơ sở tôn vinh các bậc cao niên, Bác viết: “Mặt khác, thanh niên phải biết công lao các đồng chí già, phải thấy các đồng chí già trải qua bao phong ba bão táp, có kinh nghiệm thanh niên phải học tập. Có số thanh niên tưởng xây dựng Chủ nghĩa xã hội ngày nay là từ trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan, cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng mà dẫn dắt thanh niên không nên công thần, không nên tiêu cực...”.
Cho đến những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh Bác vẫn luôn luôn theo dõi tình hình, hỏi han công việc của nhân dân. Cả nhân loại ca ngợi về Người, Tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã công nhận Bác là Nhà Văn hóa lớn của thế giới nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Nhà thơ nổi tiếng người Haiti sống ở Cu Ba, năm 1961 khi sang thăm Việt Nam đã được Bác tiếp. Sau khi về Cu Ba, nhà thơ đã viết về Bác: ‘‘Nhà Cách mạng lão thành này, ngay giữa cuộc đời mình đã đi vào truyền thuyết - Cuộc sống của Người là một nét anh hùng ca giống như cuộc đấu tranh của dân tộc Người...”.
Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Bác, chúng ta vẫn luôn nhớ mãi lời dạy của Người. Ôn lại một vài nét trong Hệ tư tưởng đồ sộ của Người, nhân đây để các bậc phụ lão, các đảng viên, các cán bộ lâu năm thấu hiểu hơn về Người. Từ đó, chúng ta sống có trách nhiệm hơn, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã hằng mong muốn: ‘‘Dù tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang của dân tộc”.
Lan Hương