Về xứ sở sâm dây
Xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei từng được mệnh danh là xứ sở sâm dây. So với trước đây, xã Ngọc Linh nay đã có nhiều đổi thay. Thế nhưng, so với tốc độ phát triển chung, thì xứ sở sâm dây phát triển vẫn còn chậm và đòi hỏi cần phải có sự bứt phá mạnh hơn nữa.
Thôn Đăk Xun không xa trung tâm xã Ngọc Linh, dù đường được đổ bê tông nhưng xe ô tô gầm thấp cũng đành “bó tay”. Ngồi sau chiếc xe máy, nghe giọng run run “ngồi im, chỗ này nguy hiểm”, tôi thấy tim mình như muốn rớt ra ngoài. “Đường mới làm bê tông, sao lại hư hỏng nhiều vậy ạ?”- tôi hỏi. Ông A Bú – Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh liền bảo: “Đoạn này làm trước, giờ đang đổ bê tông ở làng Tân Rát phía trên. Các xe lớn chạy vô, vậy là đường đổ trước lại hư hỏng”.
Dù con đường không như mong đợi nhưng đó là niềm vui tột cùng của 50 hộ dân với hơn 170 khẩu ở thôn Đăk Xun. A Sách - Trưởng thôn Đăk Xun- không bao giờ quên những ngày tháng cũ, khi chưa có đường. “Ngày trước, thôn như tách biệt với xã. Chưa có đường bê tông, xe cộ không đi lại được, trong thôn có ai đau ốm phải khiêng bằng võng xuống trạm y tế xã. Lúa trồng ra, muốn bán cũng phải cõng bộ xuống xã. Muốn làm nhà, cả thôn phải đi khiêng ngói, khiêng tôn giúp. Bà con vất vả lắm, nên đời sống không khá lên được” – A Sách kể lại.
Từ đường đất mưa lầy, nắng bụi, con đường bê tông được hình thành ở thôn Đăk Xun trong niềm vui mừng của bà con. 2 năm trở lại đây, việc thu mua nông sản, trao đổi hàng hóa của bà con thuận tiện hơn. Trưởng thôn A Sách nhẩm nhẩm rồi tính: Thôn còn 15 hộ nghèo thôi. Các cháu đúng độ tuổi đi học đều đến trường. Trong dòng suy nghĩ, tôi liền hỏi, thế bà con trên này trồng lúa được nhiều không? Anh Sách liền đáp: Ít lắm, ruộng bậc thang, mỗi nhà trồng ít ít thôi. Ngoài trồng lúa, bà con còn trồng sâm dây. Mà mấy năm nay, họ cũng bỏ hoang vì chưa biết cách làm hiệu quả.
|
Rời Đăk Xun, chúng tôi lên thôn Long Năng. Ở Long Năng, mới thấy đường vào Đăk Xun còn đẹp hơn nhiều. Dù là đường bê tông, nhưng thế thôn dốc cao, gấp khúc nên cả đoàn phải đi bộ. Chủ tịch xã nhờ thanh niên lấy xe máy chở phóng viên đến quay phim (vì máy quay, chân máy nặng, cồng kềnh). Mấy phút sau đã thấy anh thanh niên quay xuống với vẻ mặt tái nhợt, tay chân trầy xước: “Hai anh em bị ngã. Dốc cao quá, văng cả người và xe”.
Thôn Long Năng có 22 hộ với 77 người dân. Những nóc nhà thưa thớt chìm trong mây, khói lam chiều càng làm khung cảnh thôn tịch mịch. Mùa mưa ẩm ướt, đỉa, vắt... nên chẳng thấy trẻ nhỏ lang thang, chạy nhảy ngoài đường. Điểm trường nằm phía trên cao, mới nghỉ hè nhưng đã thấy “hoang” như lâu lắm chưa sử dụng. Cửa kính bị vỡ; khung nhôm rỉ sét; nền nhà lấm lem đất đỏ; cây cỏ mục xung quanh um tùm. Nay mai, khi vào năm học mới, thầy cô lại lặn lội lên lại phải dọn dẹp, chà rửa từng chút một.
Mới 16h30 phút mà tưởng chừng như đã tối lắm. Nhà trưởng thôn Long Năng - A Kip đã quây quần bên bếp lửa giữa nhà. Chỉ vào phía bóng điện chiếu sáng và chiếc tivi màu, A Kip cười: “2 năm trước chưa có đường, chưa có điện, bà con mình phải dùng xà nu thắp sáng. Cứ le lói trong bóng tối, mấy đứa nhỏ học hành cực khổ lắm. Giờ đỡ hơn, đường điện kéo về làng. Dùng điện, một tháng mỗi nhà trả mất mấy chục ngàn, nhưng ai cũng vui mừng. Cả làng giờ có 6 chiếc tivi, khá hơn nhiều lắm rồi”.
“Khá” ở đây, không chỉ là việc có chiếc tivi mà đời sống vật chất nói chung. Đường dù khó đi nhưng đã được bê tông; điện cũng đã thắp sáng từng nóc nhà. Nhưng, “khá” chỉ là so với nhiều năm về trước, còn với hiện tại, cái “khá” này vẫn cần được phấn đấu, bởi toàn thôn có đến 15 hộ nghèo/22 hộ; và toàn xã mới đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới.
|
Cũng thế, ở thôn Long Năng mỗi nhà chỉ vài ba sào ruộng. Mỗi nhà trồng thêm ít bắp, nuôi thêm vài con bò, con gà, con heo. Không gian ở thôn cứ im ắng lạ thường. Thi thoảng, tôi gặp vài người trên đường đi làm về. Qua ánh mắt, dường như họ muốn hỏi: ai đây, sao lại vào làng! Và khi bắt chuyện, chỉ nghe được đôi lời nói hiếm hoi như hạt mưa lất phất.
Là xứ sở của sâm dây, nhưng điều đáng nói, ở 2 thôn chúng tôi ghé đến, không mấy ai mặn mà với việc trồng sâm dây để phát triển kinh tế. Trước thắc mắc của chúng tôi, ông A Bú lại bộc bạch: Không phải không trồng, mà bà con trồng nhưng không chăm sóc, không cải tạo đất nên củ nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao. Xã đang tập trung hướng dẫn để giúp bà con trồng theo kỹ thuật, có nguồn thu nhập ổn định hơn. “Ở những thôn khác, người dân cũng triển khai trồng sâm dây. Đến nay, xã phát triển 276,5ha sâm dây, đạt 92,17% theo chỉ tiêu Bí thư Tỉnh ủy giao trong đợt về làm việc với xã” – ông A Bú nói.
Trong câu chuyện của mình, Chủ tịch UBND xã A Bú vui mừng khoe về Hợp tác xã Ngọc Linh. Đây là hợp tác xã đầu tiên tại xã đang triển khai thực hiện trồng sâm dây rất bài bản. Không theo lối canh tác xưa, Hợp tác xã với các thành viên là người đồng bào DTTS trên địa bàn đã biết đi xét nghiệm đất, biết rải vôi, làm tơi xốp đất trước khi trồng; biết sử dụng máy cày, xới đất và biết cách ủ cây chuối... để làm phân vi sinh. Ông nói rằng, bắt đầu từ 2ha sâm dây, Hợp tác xã hướng đến mục tiêu 4ha sâm dây trong năm 2022. Và đặc biệt, từ việc làm của Hợp tác xã, nhiều người đồng bào DTTS cũng dần dà học hỏi, thay đổi cách trồng sâm dây.
|
Xã Ngọc Linh còn có 7 tổ liên kết, 11 nhóm liên kết trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh đang hoạt động. Chủ tịch xã A Bú nói rằng, đó chính là một tín hiệu đáng mừng để xã thúc đẩy sản xuất, giúp người dân tiếp cận với cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế.
Về chiều, mây bay ngang trời, mây ôm xóm làng. Ngọc Linh đẹp như một bức tranh sơn dầu. Xóm làng, núi non hữu tình, nhưng người dân ở đây còn nghèo quá. Bức tranh Ngọc Linh sẽ đẹp hơn, có sức sống hơn nếu người dân ở xứ sở sâm này ai cũng no ấm và khá giả hơn.
Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei – Y Thanh nói rằng, các tổ công tác trên địa bàn huyện thường xuyên về Mường Hoong, Ngọc Linh để nắm bắt đời sống của người dân. Hiện nay, huyện có nhiều chính sách động viên, hỗ trợ các hợp tác xã để giúp đồng bào DTTS mạnh dạn tham gia, phát triển kinh tế. Đồng thời, huyện còn có hướng kết nối, giúp người dân phát triển diện tích sâm Ngọc Linh cũng như lưu giữ ong rừng để khai thác mật ong tự nhiên, vừa tạo ra các sản phẩm đặc trưng, vừa giúp bà con phát triển kinh tế.
Hướng đi đã mở, nhưng trên hết vẫn đang đòi hỏi sự nỗ hết mình của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể trong việc giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm mới. Có quyết tâm cao, chúng ta đang đặt niềm tin và hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn ở xứ sở sâm dây.
Hoài Tiến