Vất vả nghề điều dưỡng
Làm việc như con thoi, các điều dưỡng viên chấp nhận mất ăn mất ngủ để lo cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Thế nhưng, không phải lúc nào họ cũng nhận được sự cảm thông, sẻ chia; không ít lần điều dưỡng viên bị bệnh nhân, người nhà la mắng, thậm chí lăng mạ...
Làm việc như con thoi
Có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong những ngày lễ mới thấu hiểu nỗi vất vả của điều dưỡng viên.
Thao tác nhanh nhẹn, các điều dưỡng viên quần quật làm việc như một con thoi. Vừa tiếp nhận bệnh nhân, họ liền nhanh chóng sơ cấp cứu ban đầu. Việc này vừa xong, điều dưỡng viên đã phải xoay qua làm thủ tục, thu phí rồi lại tiếp nhận và lo cho bệnh nhân mới.
“Trong ngày 1/5, khoa tiếp nhận đến 105 ca cấp cứu, số lượng bệnh nhân quá đông, chúng tôi phải làm việc hết công suất, không có thời gian để… thở luôn” - điều dưỡng viên Hồ Thị Thu Thúy trải lòng.
Vừa ngắt câu nói với chúng tôi, chị Thúy đã vội vàng chạy ra để tiếp tục làm thủ tục nhập viện cho bệnh nhân khác.
Không riêng gì ngày lễ, ngày thường, bệnh viện cũng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân. Cũng vì công việc nhiều, phải làm luôn chân luôn tay, tập trung lo cho người bệnh nên ăn uống không đúng bữa trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
|
“Nhiều lúc vừa bưng camen cơm ra ăn lại có bệnh nhân, thế là bỏ dở bữa ăn, chạy ra chống nôn, cầm máu, lau đờm, sơ cấp cứu ban đầu cho kịp thời. Lúc làm xong cũng xế chiều, cơm canh nguội ngắt hết cả, thế là qua bữa luôn” – chị Thúy chia sẻ.
Cũng như Khoa Cấp cứu, tại Khoa Ngoại tổng hợp, lượng bệnh nhân nhập viện, ra viện liên tục, chính vì vậy, điều dưỡng viên làm việc với cường độ rất cao. Vừa tiếp nhận bệnh nhân, điều dưỡng viên còn xử trí, sơ cứu để bệnh nhân không lâm vào nguy kịch.
Không chỉ thế, điều dưỡng viên còn như chuông báo động, liên tục túc trực, theo dõi biến đổi của bệnh nhân để thông báo kịp thời đến bác sĩ.
“Chăm sóc bệnh nhân nhưng chúng tôi luôn lên dây cót, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mới. Ai nấy đều luôn chủ động bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường” - chị Nguyễn Thị Xuân Nương, điều dưỡng viên Khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ.
12 năm làm điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, điều dưỡng viên Nguyễn Cao Cường đã quen với tất cả những công việc, vất vả nơi đây. Anh Cường nói rằng, theo đặc thù công việc, điều dưỡng viên phải trực theo “2 ca, 3 kíp”.
“Khoa Hồi sức tích cực và chống độc tập trung bệnh nhân nặng ở tất cả các lứa tuổi nên chúng tôi phải tập trung, theo dõi người bệnh từng giây từng phút. Làm ở đây, mất ăn, mất ngủ là chuyện thường rồi” – anh Cường nói.
“Trăm dâu đổ đầu tằm”
Không chỉ tiếp nhận, sơ cứu, kề bên, đồng hành cùng người bệnh trong lúc bệnh tình nguy kịch, điều dưỡng viên còn thay người nhà chăm lo từ giấc ngủ cho đến việc… vệ sinh cho người bệnh. Như anh Cường, vừa chăm sóc, lo thuốc men, theo dõi tình trạng người bệnh, mỗi ngày anh còn làm tất cả các việc từ vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể, thay quần áo, tã, bỉm cho bệnh nhân. “Nhiều bệnh nhân nằm lâu đến bốc mùi, tôi phải thường xuyên trở người, lau từng vết lở loét cho người bệnh” – anh Cường chia sẻ.
Với hàng tá công việc dồn vào nhưng với mong muốn người bệnh chóng khỏe, các điều dưỡng viên luôn cố gắng chăm sóc tận tình với tất cả cái tâm của mình. Ấy vậy nhưng trăm dâu đổ đầu tằm, chỉ cần không ưng ý, bệnh nhân, người nhà lại “trút giận” lên đầu điều dưỡng viên.
“Tại đây, nhiều trường hợp người bệnh tử vong do bệnh quá nặng, người nhà bệnh nhân không kìm được cảm xúc, la mắng, chửi bới rồi lăng mạ chúng tôi. Những lúc ấy, để chia sẻ với nỗi đau với người bệnh, sự mất mát của người nhà bệnh nhân, dù không làm gì sai, chúng tôi cũng cố gắng chịu đựng” – anh Cường chia sẻ.
15 năm làm nghề điều dưỡng, có “cay đắng, ngọt bùi” nào mà điều dưỡng viên Nguyễn Thị Xuân Nương chưa trải qua. Chị Nương trải lòng: Nghề này nếu không kiên trì, không yêu nghề thì không làm được đâu.
Chị Nương kể rằng, mỗi ngày phải quần quật loay hoay với công việc, nhiều lúc quá bận rộn, điều dưỡng ít có thời gian hỏi thăm người bệnh. “Nhiều người thấy vậy lại bảo chúng tôi khó đăm đăm rồi vịn vào đó chửi bới, lăng mạ. Nhiều lúc tủi thân lắm!” – chị Nương nói.
Trong một buồng bệnh, có nhiều trường hợp bệnh khác nhau. “Chúng tôi vẫn luôn theo dõi sát sao những bệnh nhân nhẹ, gần khỏi nhưng việc hỏi han người bệnh sẽ ít hơn vì chúng tôi dành thời gian đó để hỏi thăm, theo dõi diễn biến bệnh của những ca nặng, nguy kịch. Thế nhưng, nhiều người nhìn vào lại tự suy diễn và nói rằng vì nhận phong bì của người này nên quan tâm hơn, chăm sóc nhiều hơn. Rồi có nhiều trường hợp, chưa đến lượt tiêm của mình đã nóng ruột, gay gắt chửi bới. Những lúc đó, chúng tôi cũng cố gắng bình tĩnh để xử lý hài hòa; nhiều trường hợp chúng tôi phân tích nhưng người bệnh vẫn không chịu hiểu và cứ la mắng điều dưỡng. Lắm lúc chúng tôi cũng bức xúc lắm nhưng phải nín nhịn cho êm” – chị Nương chia sẻ.
Công việc áp lực nhưng chia sẻ với chúng tôi, các điều dưỡng viên nói rằng ý nghĩa và niềm vui trong công việc là động lực để giúp họ vượt qua những khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt công việc. Chị Nương phấn khởi kể rằng, có lần chị mệt lắm nhưng kịp thời góp phần cứu sống được một bệnh nhân, chị lại vui mừng khôn siết. “Thấy bệnh nhân khỏe là mình mừng lắm rồi” – chị Nương tâm sự.
Còn với anh Cường, dù làm việc nặng nhọc nhưng chỉ cần thấy bệnh nhân nặng ngày càng hồi phục, anh lại có thêm niềm vui, động lực để tiếp tục. “Lúc tâm trí rối bời nhiều người nhà cũng chửi bới mình nhưng khi thấy bệnh nhân hồi phục, họ nhận ra và đến cảm ơn. Thấy họ hiểu ra như vậy, quả thực rất mừng” – anh Cường nói.
|
“Anh chị có mong muốn gì trong nghề của mình”, trả lời câu hỏi của chúng tôi, các điều dưỡng viên đều nói rằng, họ mong nhận được sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ của mọi người.
“Chúng tôi mong mọi người hiểu tính chất công việc của một điều dưỡng để có cái nhìn đúng đắn, tránh việc lăng mạ, xúc phạm chúng tôi. Chúng tôi lau mồ hôi, chăm sóc sức khỏe người bệnh với tất cả y đức, mong muốn mọi người được nở nụ cười, vậy nên thay vì chửi mắng, tạo áp lực, hãy thấu hiểu, và chia sẻ để chúng tôi làm tốt công việc của mình”- điều dưỡng Nương chia sẻ.
Và không riêng chị Nương, tất cả những người làm nghề “lau mồ hôi, nở nụ cười” như chị, đều mong muốn được chia sẻ, để có thêm động lực, tiếp tục phấn đấu làm tốt công việc của mình.
Bình An