Trách nhiệm với học sinh vùng khó
Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với tình thương và trách nhiệm, vì tương lai con em, những giáo viên ở vùng khó Tu Mơ Rông và Ia H’Drai vẫn không quản ngại, nhận thêm phần việc về mình, chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho học sinh vùng DTTS để tiếp thêm sức cho các em đến trường, nuôi ước mơ tương lai.
Tự nguyện nuôi dạy học sinh ở lại trường
Ia H’Drai và Tu Mơ Rông là 2 huyện khó khăn nhất trong tỉnh. Đây là 2 huyện có địa hình chia cắt, học sinh ở xa các trường chính và điểm trường thôn. Trong khi đó, đồng bào DTTS nơi đây còn nhiều khó khăn, nhà xa trường nên việc đi lại của học sinh rất vất vả. Vì vậy, tỷ lệ học sinh chuyên cần cũng bấp bênh, không ổn định, thậm chí, thường xuyên xảy ra tình trạng nghỉ học. Để ngăn dòng học sinh nghỉ học, đảm bảo tỷ lệ học sinh chuyên cần, các trường đã tự nguyện tổ chức giữ các em ở lại nuôi dạy để vừa duy trì tỷ lệ chuyên cần, vừa qua đó nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo ông Thạch Xuân Hào- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ia H’Drai, nhiều năm qua, để ngăn học sinh nghỉ học, các trường đã tổ chức giữ học sinh ở lại nuôi dạy từ thứ 2 đến thứ 6. Cuối tuần các em về với gia đình. Năm học này, nhiều trường học trên địa bàn vẫn tiếp tục duy trì hoạt động này. Điều đáng mừng là địa phương rất quan tâm đến giáo dục, ưu tiên nguồn vốn, đầu tư xây dựng khu lưu trú, bếp ăn, để phục vụ ăn ở, sinh hoạt của học sinh. Còn giáo viên tổ chức trồng rau, nuôi heo nhằm tiếp sức cho các em đến trường.
Riêng năm học này, 2 ngôi trường đang tiên phong tổ chức giữ học sinh nuôi dạy là Trường TH-THCS Nguyễn Tất Thành (xã Ia Tơi) và TH-THCS Hùng Vương (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) với hơn 100 em được hưởng lợi.
|
“Việc giữ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường ở lại trường học tập, được lãnh đạo UBND huyện rất quan tâm. Những năm qua, huyện đã đầu tư các khu lưu trú, bếp ăn cho các em. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo Phòng Giáo dục phải tăng cường quản lý các em ở lại trường, tạo điều kiện tốt nhất để các em được thoải mái như ở nhà”- ông Thạch Xuân Hào nói.
Có mặt tại Trường TH-THCS Nguyễn Tất Thành, khu lưu trú phục vụ các em ở lại trường ăn học gồm có 7 phòng, được đầu tư khang trang, kiên cố; nhà bếp được đầu tư rộng rãi. Tại đây, các em sắp xếp đồ đạc ngay ngắn và cùng nhau học tập. Vào buổi tối, các giáo viên thay nhau đến khu lưu trú hỏi thăm, hướng dẫn học tập, ôn bài, củng cố kiến thức.
Em Thi Thị Kim Đào (lớp 7A, Trường TH-THCS Nguyễn Tất Thành) cho biết, nhà em cách trường hàng chục cây số, phải di chuyển bằng xe đò, chi phí đi lại tốn kém. 2 năm qua, em được trường giữ lại nuôi dạy từ thứ 2 đến thứ 6. Thời gian ở lại trường, em được trường chăm sóc chu đáo, được ăn uống đầy đủ. Thầy cô cũng thường xuyên hướng dẫn em học thêm. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ sự yêu thương của thầy cô.
Ông Quách Văn Vương- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc giữ học sinh ở lại trường nuôi dạy được trường triển khai từ năm 2015. Năm nay, theo nguyện vọng của phụ huynh, trường giữ lại nuôi dạy 67 em. Đây là những em có nhà cách trường từ 35 đến 45km, phụ huynh không thể đi đón về trong ngày.
“Trong thời gian giữ các em ở lại trường, trường phân công giáo viên trực tiếp quản lý, dạy kèm. Các em sẽ được trường nấu ăn thêm buổi tối. Chi phí nuôi dưỡng các em ở lại trường một phần từ chế độ hỗ trợ bán trú, một phần do trường tự nuôi heo, trồng rau để cải thiện bữa ăn; phụ huynh cũng đồng hành thông qua việc hỗ trợ rau quả, măng. Giữ các em ở lại trường học tập sẽ khiến thầy cô vất vả nhưng ai cũng hạnh phúc vì đã đóng góp sức cho các em đến trường”- thầy Vương nói.
Nấu cơm giữ chân học trò
Tương tự, tại huyện Tu Mơ Rông, ngoài những học sinh được hưởng chế độ bán trú thì theo quy định, vẫn còn hàng trăm em không được hưởng chế độ bán trú. Đây là điều vô cùng khó khăn đối với ngành giáo dục Tu Mơ Rông. Nhìn cảnh học sinh nhỏ thó, lếch thếch hàng ngày sáng đi trưa về đi qua những con dốc dài để đến trường. Do nhà xa, nhiều hôm, học sinh mệt quá nên sau khi trưa về, chiều ở nhà, không đến trường. Do đó, tỷ lệ duy trì học sinh chuyên cần bị ảnh hưởng, chất lượng giáo dục không cao. Nhìn những cảnh đó, giáo viên nơi đây thấy nhói lòng.
|
Với tình thương và trách nhiệm, mấy năm qua, đội ngũ giáo viên tại Trường Tiểu học Đăk Hà (xã Đăk Hà) đã tự nguyện, nuôi heo, trồng rau, góp tiền, góp gạo và tổ chức nấu cơm trưa cho những học sinh không được hưởng chế độ bán trú. Thương học trò nghèo, vất vả, từ năm học 2020-2021, giáo viên ở Trường Tiểu học Đăk Hà đã tự nguyện góp gạo, đóng tiền nấu cơm trưa cho hơn 80 học sinh của điểm trường Ty Tu. Toàn bộ số học sinh trên là ở các làng Ty Tu, Đăk Pờ Trang và Kon Linh. Những học sinh tại điểm trường này không thuộc diện được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Vì vậy, tập thể cán bộ giáo viên của nhà trường đã tự nguyện góp tiền (mỗi tháng 100.000 đồng) nấu bữa cơm trưa để các em tiếp tục bám trường học chữ. Trải qua mấy năm thực hiện, tỷ lệ học sinh chuyên cần ở đây thay đổi rõ rệt, đi học đều hơn và chất lượng cũng được nâng lên.
Năm học mới này, Trường Tiểu học Đăk Hà có tổng số 702, thì số học sinh ăn bán trú (theo NĐ116/2016) chỉ có 430 em. Số học sinh còn lại không hưởng chế độ bán trú là 272 em (gồm học sinh các lớp 1, 2 tại điểm trường Kon Pia, Ty Tu, Ngọc Leang và thôn Mô Pả, xã Đăk Hà).
Trước tình cảnh đó, năm học này, Trường Tiểu học Đăk Hà tiếp tục vận động, tổ chức nấu cơm trưa miễn phí cho gần 90 học sinh tại điểm trường thôn Kon Pia. Đây là những em không thuộc diện bán trú, nhà xa trường, đi lại khó khăn. Để phục vụ nấu ăn, nhà trường đã huy động bà con trong thôn hỗ trợ xấy dựng bếp ăn bằng tôn, rộng khoảng 20m2. Hàng ngày, nhà trường cử 5 giáo viên tại điểm trường thay nhau, phối hợp với người dân trong thôn nấu ăn trưa miễn phí cho các em.
Để tiếp sức cho trường, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hà Trần Quốc Huy đã vận động và trao tặng điểm trường 6,5 tạ gạo để phục vụ nấu cơm trưa cho học sinh và 3 suất học bổng (mỗi suất 500.000 đồng) cho 3 học sinh nghèo, học giỏi. Báo Kon Tum và Báo SGGP đã trao tặng 100 phần quà cho học sinh của điểm trường; 261 cuốn vở cho các em và 1 bếp gas để giáo viên sử dụng phục vụ học tập, nấu ăn cho học sinh.
|
Ông Trần Quốc Huy cho biết, trên địa bàn, tỷ lệ học sinh đồng bào Xơ Đăng chiếm khoảng 95%, học sinh còn khó khăn. Đảng ủy xã Đăk Hà đã có nhiều định hướng để chi bộ các trường học nâng cao chất lượng giáo dục, tiếp sức cho các em đến trường, không để học sinh nghèo bị bỏ lại phía sau. Việc Trường Tiểu học Đăk Hà mở bếp ăn trưa miễn phí cho học sinh điểm trường Kon Pia, Ty Tu là một điều tốt đẹp, giúp các em có thêm điều kiện được đến trường. Tôi biểu dương và hoan nghênh và mong muốn nhà trường tiếp tục duy trì hoạt động nhân văn này, giúp các em có thêm điều kiện học tập, trưởng thành trong tương lai.
Chia sẻ với phóng viên, bà Hồ Thị Thùy Vân- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là năm đầu tiên trường mở bếp ăn để nấu ăn trưa miễn phí cho học sinh điểm trường Kon Pia. Sự giúp đỡ của Đảng ủy xã, Báo Kon Tum và Báo SGGP có ý nghĩa to lớn trong việc giúp trường triển khai hoạt động này.
Cũng theo bà Hồ Thị Thùy Vân, năm nay, ngoài điểm trường Kon Pia, trường tiếp tục duy trì bếp ăn trưa miễn phí tại điểm trường Ty Tu và đưa học sinh nghèo, mồ côi về trường nuôi dưỡng như đã triển khai từ những năm học trước. Như vậy, năm học này, nhà trường tổ chức nấu ăn trưa miễn phí và đưa về trường nuôi dưỡng hơn 180 em. Ngoài nguồn hỗ trợ của quỹ trò nghèo vùng cao, thì các thầy cô sẽ tăng cường chăn nuôi, trồng rau để có thêm kinh phí triển khai, duy trì nấu ăn cho học sinh.
Những việc làm đầy trách nhiệm và tình thương ở 2 huyện khó khăn, biên giới Tu Mơ Rông, Ia H’Drai đã và đang tiếp sức cho các học sinh nơi đây vượt qua khó khăn, quyết tâm học con chữ, nuôi dưỡng cho những ước mơ tương lai.
Phúc Nguyên