Mùa dâu da
Những cây dâu da tỏa bóng mát, quả chi chít từ thân đến ngọn trở thành điểm nhấn trong những vườn cây ăn quả khiến ai nhìn cũng trầm trồ. Dù chưa là cây trồng phổ biến, chỉ xen trong vườn cà phê, cây ăn quả, song khi vào vụ, dâu da cũng mang lại thu nhập đáng kể cho những người trồng.
|
Trong mảnh vườn khoảng 2ha ở thôn 8, xã NgọcWang, huyện Đăk Hà với đủ loại cây ăn quả, những cây dâu da chi chít quả khiến ai nấy thấy đều đã mắt. Dâu chín rải rác cả 2 tháng nay, chị Tô Thị Tình - chủ vườn nói rằng, chỉ cần gọi là người mua trái cây vào tận nơi mua “nhanh, gọn, lẹ”, nhưng chị không bán sỉ, mà để… làm cảnh. Tưởng chị nói đùa, nhưng lại thật.
Chị mở dịch vụ “du lịch miệt vườn”, du khách đến vườn có thể ăn trái cây tại vườn hoặc mua về theo ý thích. Những quả dâu da căng mọng, vàng óng ả, bám kín đặc từ gốc tới ngọn là một trong những điểm nhấn thu hút du khách đến trải nghiệm tại vườn. Không chỉ làm điểm nhấn cho du khách chụp hình, những quả dâu da mọng nước chua chua, ngọt ngọt còn giúp du khách xua tan cái mệt khi thưởng thức. “Từ dịp lễ 30/4 đến nay, du khách đến vườn đông, mua về rất nhiều. Cứ người này giới thiệu người kia nên nhiều người ở các tỉnh, thành khác cũng biết đến” - chị Tình nói.
|
Ngay chính bản thân tôi, lần đầu tiên được “mục sở thị”, cũng bị thu hút bởi vườn dâu trĩu quả, đẹp mắt. Và, hôm ấy, ai nấy đều hào hứng dành thời gian để ghi lại những bức ảnh thật đẹp trước loại cây chưa phổ biến ở nơi này.
Chẳng riêng gì tôi và những người bạn của mình, chị Phan Thị Hiệp ở xã Ngọc Wang không nhớ mình đã đến nơi này bao nhiêu lần và đã dẫn bao nhiêu lượt khách ghé vào tham quan, trải nghiệm du lịch miệt vườn. Dưới những cây dâu da thân gỗ lớn, tán xòe mát rượi, mọi người thích thú lưu lại cho mình một bộ sưu tập những bức ảnh đẹp. Trong vườn, ngoài loại cây cho quả vàng, còn có 1 cây cho cả 2 loại quả vừa xanh, vừa vàng.
“Quả xanh ngọt dịu, quả vàng có vị chua thanh nhưng lại thơm hơn. Mỗi lần đến đây, mọi người lại hái quả thưởng thức tại gốc. Nhiều người cứ đến rồi lại hẹn lần sau lại ghé đến nữa để được ăn trái cây sạch, được hít thở bầu không khí trong lành, thoáng mát, phủ đầy cây xanh”- chị Hiệp nói.
|
Ở Kon Tum, cây dâu da chưa phổ biến. Chị Tình kể rằng, ngày trước, gia đình chị không nghĩ việc trồng dâu da để hướng đến phát triển du lịch miệt vườn như bây giờ. Thời đó, để tìm hướng phát triển kinh tế, nhà chị lặn lội vào tận miền Tây để tìm mua các giống cây ăn quả, trong đó có cây dâu da. Sau đó chị trồng 2ha cây ăn quả, với mít, bơ, sầu riêng, ổi. Những cây dâu da mua về được trồng thành một hàng. Qua quá trình chăm sóc, chị cho biết, cây dâu da không khó tính, ít sâu bệnh, chỉ cần bổ sung đủ nước và chất dinh dưỡng là cây phát triển nhanh, tán xòe rộng. Sau khoảng 4 -5 năm, cây dâu da cho quả. “Tôi trồng một hàng dâu da vừa chắn gió cho các loại cây trồng khác, vừa tạo cảnh quan đẹp. Bên cạnh đó cũng có nguồn thu. Vào màu quả chín, mọi người đến vườn mua với giá từ 15.000- 20.000 đồng/kg tùy thời điểm. Năm nào được mùa, cũng thu hoạch được vài tấn quả”- chị Tình nói.
Với những định hướng phát triển trong tương lai, mùa mưa năm nay, gia đình chị Tình mở rộng thêm diện tích trồng dâu da. Chị hi vọng rằng, trong những năm tới, khi cây dâu da có quả, du khách sẽ có thêm không gian xanh, sạch, đẹp mỗi khi đến du lịch trải nghiệm.
Không làm du lịch như gia đình chị Tình, nhưng những năm trở lại đây, gia đình chị Nguyễn Thị Nga (tổ 10, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) có thêm nguồn thu từ 20 gốc dâu da trồng xen trong vườn cà phê ở thôn 8, xã Ngọc Wang.
Chị Nga kể rằng, cách đây khoảng chục năm về trước, nơi chị sản xuất không có nhiều người trồng dâu da. Thời điểm đó, cùng với việc trồng xen các loại cây ăn quả khác trong vườn cà phê, gia đình chị trồng thêm 20 gốc dâu da, vừa để chắn gió, vừa để thu hoạch khi có quả. Sau quá trình trồng và chăm sóc, khoảng 4-5 năm nay, dâu da có quả, chị có thêm nguồn thu đáng kể từ loại quả này.
Trong việc trồng và chăm sóc dâu da, nếu như những năm đầu cần phải chăm sóc kỹ hơn, tưới nước nhiều hơn thì sau này khi cây lớn và phát triển, ngoài việc bón phân và tưới nước theo cây cà phê, chị Nga không tốn nhiều thời gian để chăm sóc. Hàng năm, cây bắt đầu trổ bông vào tháng Giêng và kéo dài đến khoảng tháng Hai âm lịch. Đến khoảng tháng 4, quả bắt đầu chín rải rác và chín rộ vào khoảng tháng 5, tháng 6.
Theo lời chị Nga, vào mùa quả dâu da chín, khu vườn như khoác lên một chiếc áo mới tươi sáng hơn. Nhiều lúc làm mệt, ra vườn ngắm những chùm dâu da nặng trĩu; bóc lớp vỏ xôm xốp bên ngoài, ăn những múi trắng sữa có vị ngọt lẫn với chút chua dịu, thơm thoang thoảng, cơ thể như được tiếp thêm năng lượng.
Ở tỉnh ta, việc trồng dâu da chưa phổ biến, nên đầu ra không khó. Những năm trước, dâu da được mùa, chị Nga thu ước chừng được hơn 1 tấn quả. Năm nay, có lẽ do khô hạn, thiếu nước mà dâu da mất mùa, chị chỉ thu được khoảng 5 tạ quả. Vào mùa, chị thường hái và bỏ sỉ cho các chợ đầu mối với mức giá từ 12.000-15.000 đồng/kg (tùy thời điểm). “Nhìn chung, việc trồng dâu cũng giúp gia đình có thêm thu nhập” - chị Nga cho biết.
Thời điểm này, một số vườn dâu da ở xã Ia Chim, phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum) đã qua những ngày quả chín rộ, người dân thu hoạch quả gần xong. Dù không là cây trồng chính, cũng không phổ biến, chỉ được trồng xen canh trong vườn cà phê hoặc trồng chung trong các vườn cây ăn quả, nhưng những cây dâu da cũng mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng. Đặc biệt, những vườn dâu da đang trở thành điểm đến để người dân tham quan, trải nghiệm.
Dâu da không nổi tiếng như những sản vật khác, nhưng hương vị từ quả dâu da thực sự kích thích vị giác, giúp thực khách thỏa lòng khi được thưởng thức. Những ngày hè, về thăm những vườn dâu da trĩu cành, bắt mắt, chúng ta sẽ phần nào vơi đi cái nóng giữa những ngày hè oi ả.
Hoài Tiến