Mùa... canh trộm
Vùng chuyên canh cà phê Đăk Hà đang tất bật bước vào vụ thu hoạch mới, cũng là lúc chủ vườn vào mùa…canh trộm. Những ngày này, đi qua những vườn cây trĩu quả đã chín ửng ở Đăk La, Hà Mòn, thị trấn Đăk Hà, Đăk Mar hay những xã sâu hơn như Ngọc Wang, Đăk Ngọk, bất cứ thời điểm nào cũng thấy thấp thoáng bóng người. Ấy là người bảo vệ vườn cây...
Nỗi ám ảnh “bẻ cành, tuốt sạch”
Mấy héc ta cà phê của gia đình ông Hoàng Ngọc Lự (tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà) nằm ở thôn 5, xã Hà Mòn, gần đường lớn nên cũng tiện cho việc đi lại, thăm nom, cơm nước. Nhưng điều thuận lợi ấy lại cũng là “điểm hấp dẫn chết người”, khiến vườn cây của ông dễ bị kẻ trộm “thăm viếng”. Biết rõ là vậy, nên khác với buổi nông nhàn, hơn chục ngày nay, ông Hoàng Ngọc Lự thực hiện “ăn vườn cây, ngủ vườn cây”.
Ấy vậy mà chỉ sơ sẩy một hôm, vườn cây của ông đã bị “tập kích” khiến ông đứt ruột. Tiếc quả thì ít, xót cây thì nhiều, bởi vì không phải tuốt quả như những năm trước, lần này, kẻ trộm còn cắt nhánh, bẻ cành, gom lại thành đống rồi tuốt sạch trái chín, trái xanh, ngang nhiên vứt cành ngay tại vườn.
|
Theo lời kể của khổ chủ, hôm 18/10, khoảng hơn 6h sáng, ông nhận được tin báo rẫy cà phê nhà mình bị trộm “viếng”. Bỏ dở bữa sáng, ông tất bật chạy xuống kiểm tra thì rụng rời tay chân khi nhìn thấy cảnh tan tác ở vườn cây. Qua kiểm đếm thì có khoảng 80 cây bị trộm, không bẻ cành thì cũng tuốt quả sạch trơn, theo ước tính của ông Lự, thiệt hại khoảng 2 tấn quả tươi.
Đứng giữa những hàng cà phê vừa bị trộm vặt trụi, giọng ông Lự nghèn nghẹn: Năm nào cũng thế, quần quật chăm tưới cả năm trời, đến lúc bát cơm bưng kề miệng lại bị giật mất. Giá cà phê nhân bây giờ khoảng 44.000 đồng/kg, còn cà phê tươi khoảng 9.000đ/kg. Mỗi cây cà phê tươi ở đây được từ 20-25kg. Chỉ vài giờ vào vườn, chúng có thể hái được 40-50kg. Ở cái đất này chả có thứ gì kiếm tiền nhanh và dễ đến thế.
Mới thăm vườn cây hôm trước, sáng hôm sau ra vườn cà phê đã tan nát, cành lá gãy đổ xác xơ, trái rụng đầy gốc, ai mà chẳng xót. Việc mất cà phê, mất của đã đành nhưng nhìn vườn cây bị tàn phá thế này sẽ gây mất mát gấp bội phần - anh Trần Đình Luận - tổ trưởng tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà, cũng là người trồng cà phê, chia sẻ.
Cũng theo anh Luận, nạn trộm cà phê theo kiểu “bẻ cành, tuốt quả” đã là nỗi ám ảnh nhiều năm của dân trồng cà phê. Bẵng đi vài vụ, do giá cà phê hạ thấp, vườn cây yên tĩnh hơn. Nhưng bước vào vụ này, giá cả mới nhích lên một chút, các đối tượng trộm cắp đã hoạt động trở lại.
Ngay thời điểm đầu vụ thu hoạch 2016, giá cà phê nhân trên thị trường dao động trên dưới 44.000 đồng/kg, giá cà phê tươi sau khi hái được thu mua khoảng 9.000 đồng/kg. Với mức giá hấp dẫn như vậy, nạn trộm cắp cà phê đã bắt đầu xuất hiện ở xã nông thôn mới Đăk Mar.
Trao đổi với chúng tôi về nạn trộm cà phê tại địa phương, bà Nguyễn Thị Thanh Thùa- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Mar xác nhận thời điểm cuối tháng 10, một số hộ gia đình trồng cà phê ở 2 thôn Kon Gung, Đăk Mút có báo tin bị mất trộm cà phê. Sau khi nhận được tin báo của thôn, Công an xã đã triển khai lực lượng xuống làm việc và ghi nhận vụ việc chỉ là trẻ em tuốt trộm đem bán.
Mặc dù số lượng không nhiều, tính chất không phức tạp, nhưng cũng đáng lo ngại nên xã đã triển khai cho các thôn, làng tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, thường xuyên thăm rẫy, nếu thấy có người lạ đến thì cần theo dõi và báo với thôn hoặc công an viên để kịp thời giải quyết - bà Thùa cho biết.
Hiệu quả từ “Tổ dân phòng dân nuôi”
Theo phản ánh của một số người dân, các đối tượng thường lợi dụng đêm tối hoặc rạng sáng, những thời điểm vắng người và chọn những vườn cây rậm rạp (thường là những vườn cà phê mới ở giai đoạn đầu của chu kỳ kinh doanh, bởi loại cây này cành thẳng, quả to, chín đều, dễ hái), có địa hình bằng phẳng, thuận lợi về đường sá nhưng lại cách xa khu dân cư, người dân khó bảo vệ để đột nhập hái trộm cà phê.
Sau khi chọn được rẫy “ưng ý”, đối tượng (thường đi thành nhóm), cắt cử người canh chừng rồi mang theo bạt vào vườn hái cà phê. Nguy hại hơn, nhận thấy tuốt cà phê tại cành mất nhiều thời gian, lại bị động, kẻ gian sử dụng biện pháp cắt hoặc bẻ cành rồi mang đi nơi khác tuốt quả, vừa nhanh, vừa dễ trốn chạy khi bị phát hiện, gây thiệt hại lâu dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng vườn cây.
|
Để chủ động đối phó với nạn trộm cắp cà phê, mấy năm gần đây, tại xã Đăk Mar đã hình thành nên một lực lượng bảo vệ “chuyên nghiệp”, mà người dân hay gọi vui là “Tổ dân phòng dân nuôi”. Gọi “chuyên nghiệp” cho vui, thực chất là một số anh em thành lập tổ, đứng ra nhận trông coi, bảo vệ vườn cây cho các chủ vườn theo giá thỏa thuận.
Cũng chẳng ai nhớ chính xác nổi là mô hình “Tổ dân phòng dân nuôi” này xuất hiện khi nào, chỉ biết là rất hiệu quả.
Ông Trần Đình Thu (thôn 2, xã Đăk Mar) cho rằng: Có lẽ ban đầu, xuất phát từ việc mất trộm cà phê nhiều quá, cơ quan chức năng khó tìm ra thủ phạm, trong khi nhà lại neo người, nên một vài hộ gia đình đã nhờ nhà làm rẫy bên cạnh (có điều kiện về nhân lực) trông coi hộ, sau đó hậu tạ. Sau này, thấy ngăn chặn được nạn trộm cắp, gia đình lại đỡ vất vả ăn bờ ngủ bụi, thức ngày thức đêm trông vườn nên thuê luôn.
Dần dà, một số người tự thành lập tổ, nhóm nhận bảo vệ, trông coi vườn cây. Thế là “Tổ dân phòng dân nuôi” ra đời và lan rộng. “Nhà tôi có 1ha cà phê ở làng Kon Klôk cũng thuê tổ bảo vệ ngay trong làng trông coi, tính ra hết 1 triệu/vụ mà khỏe re, có “bảo hành” đàng hoàng. Từ khi có tổ bảo vệ, chỉ thỉnh thoảng tôi vào thăm vườn thôi, không lo mất trộm” - ông Thu tiết lộ.
Đến bất cứ vùng cà phê nào ở xã Đăk Mar những ngày này, sẽ thấy trong các rẫy cà phê quả chín đỏ là những lều bạt lúp xúp. Ấy là lều của các “Tổ dân phòng dân nuôi” dựng lên để ở lại túc trực, bảo vệ vườn cây 24/24. Về đêm còn có đèn điện sáng choang, chủ vườn kéo nhau ra trò chuyện với bảo vệ rôm rả. Có người đùa: Mùa này vào vườn cà phê ban đêm còn vui hơn ngày ấy chứ.
Dừng xe lại trước khu vườn cà phê của hai thôn 1, 2 (xã Đăk Mar), nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, chúng tôi có cảm giác như bị nhiều đôi mắt theo dõi. Mà đúng thật, vừa đặt bước chân đầu tiên vào vườn, một anh thanh niên đã từ đâu xuất hiện với vẻ mặt “hình sự”. May mà có “thổ địa” là anh Phạm Thanh Hải - Chủ tịch Hội nông dân xã dẫn đường nên mọi chuyện mới xuôi.
Hỏi chuyện thì mới hay anh thanh niên với vẻ mặt “hình sự” Vũ Xuân Thuyết ấy khá vui tính. Anh cởi mở: Nhóm của em có 4 người, gồm em, Nguyễn Xuân Điệp, Trần Mạnh Hà, Nguyễn Quý Ngọc, nhận trông coi 40ha cà phê cho hơn 50 gia đình ở các thôn 1,2. Từ hơn 1 tuần nay, bọn em chia nhau túc trực cả ngày lẫn đêm.
Theo lời kể của Thuyết, việc coi thuê được các bên làm hợp đồng đàng hoàng, có trưởng thôn xác nhận, nếu người coi để bị hái trộm cà phê là phải đền. Tiền công là 1 triệu đồng/ha/vụ. Thường sau hơn 1 tháng, mỗi người nhận được khoảng 10 triệu đồng. Tính ra thì cũng vất vả lắm, nhưng vì trách nhiệm với làng xóm, lại căm mấy đối tượng trộm cà phê nên năm nào bọn em cũng nhận coi- Thuyết bộc bạch.
Cuộc trò chuyện không kéo dài được thêm vì đến lúc Thuyết phải đổi ca cho “đồng nghiệp” đang trực ở phía bên kia khu vườn, giáp với khu dân cư. Không thể lơ là được anh ơi - tiếng cậu ta vọng lại khi bóng người thì đã mất hút giữa những tán cà phê rậm rạp trĩu quả đang chờ ngày thu hái.
Thành Hưng