Lặng lẽ K53
Ba lô trên vai, dao cuốc làm bạn, hết ngày dài đến đêm thâu, họ lặng lẽ làm bạn với núi rừng, sông suối thâm u, thăm thẳm nơi đất khách quê người. Bước chân của họ đã in khắp các nẻo rừng ở 3 tỉnh Nam Lào và tỉnh Rattanakiri (Campuchia) để thực hiện nghĩa cử thiêng liêng: Tìm đồng đội và đưa các anh về với Tổ quốc. Họ là những người lính K53...
Mệnh lệnh từ trái tim
Những căn nhà gạch quét vôi vàng cũ kỹ - nơi đóng quân của 67 cán bộ, chiến sĩ Đội K53 tỉnh Kon Tum, người “già” nhất cũng mới 45 tuổi - rộn rã tiếng cười. Trong khi trên sân bóng chuyền đang diễn ra trận đấu bóng khá gay cấn, thiếu tá Phân đội trưởng Trần Đức Độ ngồi lặng lẽ nhìn những gương mặt trẻ trung nhưng đã sạm màu nắng gió, mắt mờ đi như có sóng: Suốt mấy tháng ròng lặn lội rừng rú, ăn lùm ngủ bụi, nay mới được nghỉ ngơi ít ngày...
|
Mà đến phát ghen lên được với tụi trẻ ông ạ - thiếu tá Độ rủ rỉ - Cuộc sống của lính K53 gắn liền với tăng, võng, với heo hút núi rừng, chập chùng đèo dốc, tối đâu là nhà, ngả đâu là giường. Ấy vậy mà lúc nào cũng thấy tươi roi rói, hạ ba lô xuống ở đâu là y như rằng ở đó rộn tiếng cười.
Giọng thiếu tá Độ chợt chùng xuống: Chỉ tội cho cánh anh Khoa, giờ này đang lặn lội đâu đó trong những cánh rừng bên nước bạn Lào. Được nghỉ ít ngày thì lo huấn luyện, sửa sang doanh trại, tăng gia sản xuất, rồi lại tất bật trở lại địa bàn để tìm kiếm thông tin, chuẩn bị cho hoạt động của Đội trong mùa khô 2017-2018.
Tôi chợt nhớ cách đây mấy ngày, khi gọi điện liên hệ làm việc với trung tá Đội trưởng Nguyễn Công Khoa và thiếu tá Chính trị viên Lý Huỳnh Kiên thì được biết các anh đã lên đường làm nhiệm vụ.
Thiếu tá Độ là 1 trong 2 người có thâm niên đi tìm đồng đội nhất ở Đội K53 - 11 năm; nhiều nhất là thiếu tá Trịnh Mạnh Đạt - 13 năm. Cũng vì có kinh nghiệm nhất nên mỗi anh được phân ra mỗi cánh, anh Độ phụ trách phía Campuchia, anh Đạt phụ trách phía Lào.
11 năm qua, anh cùng đơn vị đã lặn lội khắp núi rừng, tìm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn. “Quanh năm suốt tháng cứ xa nhà biền biệt, may mà có hậu phương vững chắc”- anh cười hiền.
Kỷ niệm thì nhiều, vui có, buồn có; vất vả, nguy hiểm thì không cần phải nói. Tháng 3/2008, những tưởng anh đã phải chia tay với “nghiệp” bởi vụ tai nạn trong đợt tìm kiếm tại huyện Đăk Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào). Hôm ấy, sau khi quy tập được 1 hài cốt liệt sĩ, trên đường trở ra gặp mưa lớn, dốc trơn, xe ô tô mất thắng, lật nhào xuống đèo, trên xe có 16 cán bộ, chiến sĩ thì có 4 người bị thương, trong đó, anh bị gãy xương cẳng tay trái và 4 xương sườn, chiến sĩ lái xe tên Quân bị xẹp đốt sống N1, đến nay vẫn đang phải tiếp tục điều trị.
Ấy vậy mà vừa lành vết thương, anh đã nằng nặc xin trở về Đội để nhận nhiệm vụ. Với anh, những chuyến đi ấy là một phần cuộc sống của mình, một mệnh lệnh từ trái tim. Và anh đoán chắc, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Đội đều nghĩ như anh.
Những dấu chân lặng lẽ
Được thành lập đúng vào ngày 27/7/2000, tiền thân là Đội quy tập mộ liệt sĩ của tỉnh, với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đội K53, phần lớn trong số hơn 6.200 ngày đã qua là làm bạn với núi rừng. Tháng 11 năm trước xuất quân, tháng 5 năm sau trở về, đều đặn như thế mỗi năm, dấu chân họ đã lặng lẽ in khắp vùng rừng núi 3 tỉnh Nam Lào (Attapư, Sê Kông, Chămpasăk) và tỉnh Rattanakiri (Campuchia) để tìm kiếm, cất bốc quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Cuộc đời quân ngũ “ăn rừng, ngủ núi” đã luyện cho họ sự trầm tĩnh, vững vàng đến lạ thường.
|
Danh sách hài cốt liệt sĩ mà Đội tìm thấy, quy tập; những kỷ niệm vui buồn cứ dài theo năm tháng. Những cái tên xa lạ như đèo Âmpun, dốc Cổng trời, làng Mui, làng Két, làng Chong... bỗng trở nên gần gũi theo lời kể của thiếu tá Độ.
Đất Lào, Campuchia bạt ngàn rừng núi, ngàn vạn ngôi mộ liệt sĩ nằm đâu đó dưới những tán cổ thụ um tùm. Thời gian trôi qua đã lâu, sự bào mòn của thời gian, mưa gió đã khiến vị trí xác định các ngôi mộ bị thay đổi đi rất nhiều so với những thông tin mà Đội được cung cấp. Cũng có khi các ngôi mộ đó đã bị san phẳng, cuốn trôi; những nhân chứng, người trực tiếp chôn cất hay chăm sóc các phần mộ có khi đã quá già hoặc không còn sống, nên việc xác định vị trí mộ chính xác là cực kỳ khó khăn.
Muốn tìm kiếm được các chú, các bác, ngoài trách nhiệm, tâm huyết thì anh em phải thông thạo địa bàn, xây dựng được các mối quan hệ tốt với nhiều đối tượng và làm công tác dân vận giỏi. Có lần trung tá Đội trưởng Trần Công Khoa đã từng nói với tôi như thế, anh Độ ạ? Tôi hỏi trong khi ngắm gương mặt góc cạnh, trầm tĩnh của anh.
Đúng là như vậy. Nguồn thông tin của Đội cũng khá đa dạng, từ các bác, chú cựu chiến binh, từ thông tin của Bộ, của Quân khu..., nhưng nhiều nhất vẫn là từ nguồn tin của nhân dân, doanh nghiệp. Như mùa khô 2013-2014, có doanh nghiệp phát hiện một khu nghĩa trang, báo với Đội, khi tiến hành tìm kiếm đã phát hiện 24 mộ liệt sĩ - anh Độ xác nhận.
Và mỗi khi nghe được manh mối ở bất kỳ đâu, anh em cũng lần đến cho bằng được, dù mất cả tuần lễ băng rừng lội suối. "Biết các bác đang ngủ dưới đó, mà không đưa về được, là có tội. Nếu xương cốt không vẹn nguyên, cũng phải tìm cho được một di vật đưa về Tổ quốc"- anh em tâm niệm.
Vui sao nước mắt lại trào...
Những hài cốt mà Đội K53 tìm kiếm, cất bốc được đều đổi bằng những ngày đêm luồn rừng vượt núi với muôn vàn khó khăn, gian khổ; bằng không ít trận sốt rét rừng, và bằng niềm tin của những người lính rằng mình đang thực hiện một sứ mạng thiêng liêng. Cũng vì niềm tin ấy mà dù gian khổ là thế, trong lịch sử của Đội, chưa có một ai nao núng, lung lạc, rời bỏ công việc của mình...
Buồn nhất là những ngày dài đào xới mà không tìm thấy hài cốt liệt sĩ đâu. Lúc ấy ai cũng thấy bứt rứt, ăn không ngon, ngủ không yên, thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Mệnh lệnh từ trái tim thôi thúc, thế là lại đào, lại xới, dù cực khổ mấy cũng làm, phải “gặp” cho được các chú, các anh...
Niềm vui lớn nhất của toàn đội là khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Giữa rừng thiêng nước độc, trong phút giây linh thiêng nâng niu di vật của các liệt sĩ, nước mắt mừng vui cứ chảy dài trên những khuôn mặt cháy nắng.
Khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ, anh em phải dùng tay gạt nhẹ từng lớp đất, săm soi, thu nhặt từng di vật của liệt sĩ, không được bỏ sót bất cứ thứ gì, dù là nhỏ nhất... Sau đó làm thủ tục khâm liệm đơn giản nhưng trang nghiêm và thành kính, hài cốt liệt sĩ luôn mang theo bên người.
Trên đường trở về điểm tập kết, để đề phòng mưa lũ, thú rừng, anh em đều ôm chặt ba lô đựng hài cốt vào lòng... Bao nhiêu năm lưu lạc xứ người, khi về với Tổ quốc ai cũng nhẹ tênh. “Mỗi người chỉ còn lại đôi ba cân xương, của người này trộn lẫn với người kia... Anh em tôi, dù có phải băng rừng, lội suối mà tìm cho được một mẩu hài cốt cũng thấy yên lòng”- giọng anh Độ như nghẹn lại.
|
Cuộc trò chuyện phải tạm dừng do thiếu tá Độ có việc đột xuất. Có thông tin mới về mộ liệt sĩ, cần đưa vào kế hoạch gấp - anh chỉ kịp xin lỗi, thông báo ngắn gọn rồi tất tả đi. Trong nhà kho, tôi nghe tiếng lách cách xếp đặt dụng cụ, dường như lúc nào anh em cũng trong tư thế sẵn sàng.
Rời khu nhà gạch quét vôi vàng cũ kỹ, tôi biết rằng, ít ngày nữa thôi, từ đây sẽ có những tổ công tác lên đường, bắt đầu chuỗi ngày lặn lội làm công việc lặng thầm, gian khổ nhưng rất đỗi thiêng liêng...
Thành Hưng