Kỳ vọng đưa vùng dược liệu “cất cánh”
Do không có nhà máy chế biến lớn nên người dân ở vùng dược liệu Kon Tum chưa thể bung sức trồng sâm dây dù nguồn lực đất đai còn nhiều. Hơn nữa, cũng vì không có nhà máy nên có thời điểm mưa gió, bà con không vận chuyển đi bán được, sâm dây giảm chất lượng. Nếu có nhà máy chế biến sâm dây, sẽ giải quyết được đầu ra, giúp người dân Xơ Đăng yên tâm mở rộng trồng, hướng đến làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Kon Tum là địa phương có tiềm năng phát triển dược liệu. Trong quyết định 1756/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa tỉnh trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.
Xuyên suốt thời gian qua, tỉnh ta đã nhận ra tiềm năng, giá trị và đã có nhiều chính sách phát triển cây dược liệu. Đơn cử, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết này đã nêu rõ lộ trình, hướng đi để phát triển, nâng tầm dược liệu. UBND tỉnh có kế hoạch số 2232 để thực hiện cụ thể nội dung Nghị quyết 14-NQ/TU nhằm sớm đưa tỉnh thành vùng trồng dược liệu trọng điểm quốc gia. Kế hoạch này cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp mà các địa phương, sở ngành thực hiện để đạt mục tiêu; trong đó, xác định tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp quy mô lớn, có uy tín để liên doanh, liên kết với người dân trồng và tiêu thụ dược liệu; tận dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu dược liệu của tỉnh; đưa dược liệu trở thành yếu tố thu hút khách du lịch địa phương…
|
Nhờ xác lộ trình phát triển bài bản mà trên địa bàn, đã hình thành được 3 vùng trồng dược liệu trọng điểm, ở các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Glei. Nhiều tỷ phú dược liệu xuất hiện; hàng trăm hộ nghèo đồng bào DTTS vươn lên làm giàu, xây nhà to, đẹp, đời sống khang trang nhờ dược liệu.
Tại địa bàn, cùng với các loại dược liệu khác thì sâm dây là một loại dược liệu tốt cho sức khoẻ, có tiềm năng để trở thành “cây đại chúng”, người người, nhà nhà có thể sử dụng với giá bình dân. Với quỹ đất, tài nguyên thiên nhiên ban tặng, cây sâm dây đã khẳng định thương hiệu, được nhiều người chọn để sử dụng, bồi dưỡng sức khoẻ. Tuy nhiên, việc phát triển cây sâm dây và giá trị của loại cây này mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng. Một trong những nguyên nhân là thiếu nhà đầu tư lớn để liên kết, thu mua, chế biến sâu...
Hiểu được vấn đề này, tỉnh ta nói chung và 3 huyện trồng dược liệu là Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông đã có nhiều nỗ lực để nâng tầm giá trị và thu hút nhà đầu tư lớn đến xây dựng nhà máy.
Mới đây nhất, 3 huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei tổ chức ký kết hợp tác với Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico). Các bên thống nhất cùng nhau đầu tư một số loại cây dược liệu có giá trị, bao gồm sâm dây. Trong đó, Bidrico sẽ phát triển vùng trồng dược liệu, hướng đến thương mại sản phẩm theo liên kết chuỗi giá trị tại các địa phương. 3 huyện sẽ khoanh vùng các vùng nguyên liệu tập trung; xây dựng mối liên kết giữa Bidrico với người trồng dược liệu. Việc ký kết nhằm hướng đến sự hợp tác lâu dài, bền vững.
|
|
Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Nguyễn Đặng Hiến- Tổng Giám đốc Bidrico cho biết, 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông có tiềm năng trồng sâm dây. Ông đã đi qua 3 huyện trên để khảo sát cây sâm dây. Trong đó, khi đặt chân đến Tu Mơ Rông, ông cảm nhận tình cảm đặc biệt của lãnh đạo huyện khi họ trực tiếp đến tận nhà dân, tìm kiếm giải pháp để mang lại cuộc sống ấm no, tăng thu nhập cho người dân bằng đặc sản sâm dây. Từ điều đó, ông có suy nghĩ rằng, khi lãnh đạo địa phương đã quan tâm dân thì họ sẽ dành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Đây là lý do khiến ông quyết định đặt nhà máy chế biến ở Tu Mơ Rông.
Ông Võ Trung Mạnh-Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn, có một số điểm sơ chế, một nhà máy chế biến dược liệu của Công Ty Cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông. Tuy nhiên, số lượng thu mua chưa nhiều, giá chưa ổn định, chưa tạo được niềm tin cho người dân phát triển... Thời gian qua, huyện đã xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp lớn đến đầu tư, mở nhà máy thu mua dược liệu. Nhiều doanh nghiệp đã vào khảo sát, trong đó, Bidrico là đơn vị tiên phong nghiên cứu đầu tư. Với mong muốn giúp nhà đầu tư biết rõ giá trị cây sâm dây, huyện đã dẫn Bidrico xuống gặp dân; đi thị sát thực địa các vườn sâm cũng như giới thiệu thêm vùng trồng sâm dây ở các huyện Đăk Glei, Kon Plông. Khi nhận ra giá trị sâm dây, nhà đầu tư quyết định sẽ thu mua sâm dây để chế biến, đặt nhà máy ở Tu Mơ Rông.
Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, việc ký kết hợp tác với Bidrico có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy nhà máy sớm hình thành. Đây cũng là việc làm nhằm cụ thể hoá chủ trương của lãnh đạo tỉnh trong việc nâng cao giá trị cây sâm dây, giúp bà con hưởng lợi thông qua việc tăng cường chế biến sâm, xây dựng mối liên hệ bền chặt giữa dân, doanh nghiệp.
Việc kêu gọi Bidrico vào đầu tư được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho chính nhà đầu tư, người dân đồng bào 3 huyện. Với sự kỳ vọng đó, sau ký kết, các địa phương đã nhanh chóng chuẩn bị sẵn quỹ đất, lựa chọn hộ dân liên kết để sớm hình thành nhà máy.
“Hiện huyện đã giao các xã giới thiệu quỹ đất tập trung với diện tích khoảng 200ha để làm vùng nguyên liệu cho nhà máy. Người dân chỉ cần có đất, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Mô hình liên kết này sẽ tận dụng tiềm lực đất đai của người dân, vốn, kỹ thuật của nhà đầu tư. Chắc chắn dự án khi hoàn thành, doanh nghiệp và người dân cùng hưởng lợi, cùng làm giàu trên chính mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này. Riêng với Tu Mơ Rông, tiềm năng về cây dược liệu rất lớn và còn nhiều. Địa phương luôn trải thảm đỏ mời doanh nghiệp đến đầu tư, lập nhà máy. Chúng tôi sẽ tạo cơ chế tốt nhất để doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương”- ông Mạnh nói.
Những ngày này, khi tết đã cận kề, đặt chân đến Tu Mơ Rông và cảm nhận không khí chuẩn bị tết rộn ràng, ấm no. Trong câu chuyện của người dân Xơ Đăng kể, họ tự hào khi đời sống thay da đổi thịt nhờ chính sách phát triển dược liệu mà tỉnh đã đề ra. Người dân cũng dành sự kỳ vọng rất lớn cho nhà máy chế biến sâm dây mà địa phương vừa thu hút đầu tư thành công.
Anh A Dâm (thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng) cho biết, nhà anh trồng 2 sào sâm dây. Sâm dây là loại cây có giá trị. Bao năm qua, khi thu hoạch xong, gia đình bán cho các thương lái, đầu ra không ổn định, giá chưa cao. Nghe có nhà đầu tư cam kết xây dựng nhà máy chế biến, gia đình anh rất vui. Anh tin chắc chắn khi nhà máy xây dựng, sâm dây gia đình sẽ có giá trị hơn, đời sống sẽ được nâng cao.
Trong khi đó, các đơn vị thu mua sâm dây của người dân Xơ Đăng cũng háo hức sự ra đời của nhà máy. Chị Nguyễn Thị Anh Nữ (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, cơ sở của chị thu mua và liên kết trồng sâm dây với dân 2 xã Tê Xăng, Măng Ri. Khó khăn lớn nhất của việc trồng, thu mua sâm dây là chưa đa dạng hóa sản phẩm, chỉ mới xuất bán thô, giá trị chưa cao. Ngoài ra, đường sá đi lại còn khó khăn nên việc vận chuyển sâm dây đi bán bị hạn chế, nhất là mùa mưa bão, dẫn đến giảm giá trị. Những khó khăn đó đang là rào cản khiến người dân chưa bung sức trồng sâm dây dù quỹ đất còn rộng.
“Việc có nhà máy đầu tư, chế biến sẽ giúp người dân, đại lý thu mua như chúng tôi sẽ không còn lo đầu ra, không còn sợ cảnh sâm giảm chất lượng do vận chuyển xa. Quan trọng hơn, người dân sẽ được nhà máy hỗ trợ vốn, kỹ thuật, sẽ tập trung sản xuất”, chị Nữ nói.
Ông Trần Quốc Huy- Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hà cho biết, địa phương có tiềm năng phát triển sâm dây. Cây sâm dây cũng là cây trồng chính của dân. Trên địa bàn hiện chưa có nhà máy chế biến sâm dây nào. Vì thế, bà con thu hoạch xong rồi bán cho thương lái, hoặc tự bán cho mối lái quen, giá trị chưa cao. Bà con rất mong muốn có nhà máy chế biến để giải quyết đầu ra ổn định. Vì thế, khi thông tin Bidrico bắt tay xây dựng nhà máy, tổ chức liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, bà con rất vui mừng. Bà con đang mong nhà máy sớm xây dựng để thu mua, bao tiêu, giúp bà con tập trung sản xuất, vươn lên làm giàu.
Phúc Nguyên