Hiền hòa Ngọc Linh
Sau hơn nửa ngày xe, xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) hiền hòa đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Giữa trập trùng mây trắng, những đồng ruộng bậc thang xanh xanh, vàng vàng theo dải nắng, tỏa mùi thơm dịu nhẹ, khiến mọi mệt mỏi như tan biến. Ngọc Linh đẹp huyễn hoặc, làm cả đoàn người cứ ngỡ như mình đang đứng trước một bức tranh.
Đây có phải lần đầu đoàn chúng tôi đến với Ngọc Linh đâu nhưng sao cảm xúc cứ nguyên vẹn như ngày đầu đặt chân đến. Phải chăng vì Ngọc Linh vẫn như ngày ấy, vẫn nên thơ, nhẹ nhàng, vẫn tinh khôi như thiếu nữ 17.
Không ồn ào, chẳng tiếng xe cộ, chúng tôi nghe rõ mồn một tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót thánh thót, tiếng khẽ bay của từng đàn bươm bướm bên những dải xuyến chi nở trắng ven đường. Khác hẳn với cái nóng như đổ lửa ở thành phố khi vào hè, giữa trưa nhưng nơi đây như đang được bật điều hòa. Rừng cây, suối nước phả ra từng làn hơi nhẹ nhàng làm không khí trong lành đến lạ.
Chính vì cảnh vật mộc mạc, hoang sơ, tinh khôi nên đến đây, cảm giác rất dễ chịu. Uống một ngụm nước tự chảy cũng thấy tinh thần khoan khoái; dạo bộ một vòng quanh chiếc cầu treo, ngắm từng dòng nước xô vào đá mới thấy thi vị xiết bao.
|
Người ta vẫn nói rằng, Ngọc Linh được Mẹ rừng ưu đãi, ban tặng bao nhiêu là thứ. Ở đây có sâm Ngọc Linh nổi tiếng và cũng ở mảnh đất này, những vườn sâm dây, sâm đương quy, những loài cây dược liệu khác cũng đua mình phát triển, đem lại nguồn thu nhập cho bà con Xê Đăng nơi đây.
Ông A Tiên - Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh bảo với chúng tôi rằng, mảnh đất Ngọc Linh dù còn nhiều khó khăn, còn nghèo về tiền, về vật chất, nhưng đổi lại, nơi đây có rất nhiều loại trái cây rừng. Ở đây, khí hậu mát mẻ, thuận lợi nên cam rừng mọc rất nhiều. Trên những ngọn đồi xa xa, cam mọc thành từng cụm, trĩu quả chín vàng. Không ngọt lịm mà cũng chẳng quá chua, từng tép cam tứa ra vị ngọt ngọt, chua chua làm dịu cả cơn thèm.
Rồi nào chỉ có cam, ở mảnh đất này, cây hồng cũng phát triển rất tốt. Cũng là cây hồng như nhiều nơi khác, ấy thế nhưng trên này khí hậu thuận lợi, dù chẳng được chăm bón nhiều nhưng quả hồng vẫn to, mọng nước. Lột từng lớp vỏ hồng mỏng tang, cắn vào một miếng, vị ngọt ngọt, chát chát, mát cả bụng.
Dạo một vòng ở Ngọc Linh mới thấy nơi này còn hoang sơ và khó khăn lắm. Từ trụ sở UBND xã, nhìn về phía xa, núi bao núi, cây chen cây, thấp thoáng phía dưới là những mái nhà “treo” vắt vẻo giữa sườn đồi. Đến nay, nơi này vẫn còn 9/17 thôn, làng nằm ở lưng chừng núi, để đến được với trung tâm xã, có làng phải mất cả buổi để trèo đèo, băng suối.
Ở mảnh đất này kì lạ lắm, dù có nhiều giống lúa mới nhưng bà con vẫn luôn “trung thành” với lúa bọc thép. Không dùng sức cơ giới, trâu bò và cũng chẳng cần phân tro, từ lúc đắp ruộng, làm nhão đất cho đến gặt hái… tất cả đều được thực hiện bằng đôi bàn tay, đôi chân của người Xê Đăng nơi đây. Họ bảo rằng, dù dùng thuốc trừ sâu, thuốc cỏ sẽ nhanh hơn nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nên, dù tốn thời gian, dù năng suất thấp nhưng đổi lại, những thực phẩm nơi đây luôn an toàn.
Phải chăng vì đường sá khó khăn, tập quán canh tác còn lạc hậu nên đến nay, ở xã này vẫn còn đến khoảng 90% hộ dân trong hộ nghèo? Nghèo đấy, khó đấy, nhưng ôi, có nơi đâu sâu đậm nghĩa tình như nơi đây! Người dân thật thà, giúp đỡ nhau từng li từng tí. Ai làm nhà, mọi người trong làng lại cùng gạt công việc, sang giúp đỡ tận tình. Mùa vụ đến, bà con cùng nhau đổi công, giúp nhau từng việc nhỏ nhặt trong gia đình. Những lúc ốm đau, bệnh tật, đường sá khó khăn, bà con bỏ công việc, dắt dìu cõng nhau xuống trạm thăm khám.
Rồi đâu chỉ với người trong làng, trong xã, bất kể ai đến đây, đều được đối xử rất chân tình. Như đoàn chúng tôi có quen biết gì ai, vậy mà đến với mảnh đất này, vẫn được người dân cho lưu trú, tiếp đãi nhiệt tình như đã quen thân lâu lắm rồi.
Bữa cơm sáng hôm ấy ấm cúng xiết bao, bên bếp lửa bập bùng trong ngôi nhà nhỏ, cả chủ và khách ngồi quây quần, cùng ăn những món ăn đạm bạc nhưng đậm tình. Nồi cơm gạo đỏ đặc trưng được bê ra, nghi ngút khói, thơm lừng mùi lúa mới; nồi canh rau tập tàng chỉ nấu với muối trắng và thìa bột ngọt nhưng sao lại ngon và ngọt đến thế; chén muối ớt với lá é được giã nhuyễn làm chén cơm thêm mặn mà, đậm đà. Có chai rượu sâm dây, chủ nhà cũng đem ra đãi cả đoàn khách; có được con cá suối, chủ nhà cũng bấm bụng nhịn thèm mời khách. Vậy đấy, họ nhiệt tình, chu đáo như chính những người thân trong nhà.
Sáng thức giấc ở Ngọc Linh cảm giác thật dễ chịu vô cùng. Mây sà xuống tận những mái nhà. Xa xa, trong màn sương lạnh buốt, người dân đã cùng nhau gùi cơm, gùi nước đi lên rẫy, bắt đầu một ngày làm việc mới. Trên những cánh đồng, đám trẻ con đen nhem nhẻm đã vui đùa đuổi theo những chú châu chấu, bắt dế, bắt bướm. Vài con trâu lúc lắc, thủng thẳng gặm cỏ non mướt…
Về thành phố, bỗng nhớ lắm Ngọc Linh. Nhớ cái se se lạnh, nhớ cánh đồng bậc thang, nhớ bữa cơm hiền hòa bên người dân thật thà, chất phác. Nhớ những đêm tối như mực, cả đoàn cùng reo vui trước những chú đom đóm lập lòe…
Bình An