Hệ luỵ từ thế giới ảo
Sống ảo, mê mẩn, đắm chìm trong thế giới ảo là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm”, nhưng vẫn phải nói bởi thời gian gần đây hệ luỵ từ thế giới ảo xảy ra rất nhiều. Thế giới ảo không chỉ gây nghiện cho người dùng, mà còn đẩy nhiều người vào lối sống xa rời thực tế, ảo tưởng, mất kiểm soát hành vi bản thân...
Chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, ipad, máy tính có kết nối internet, mọi người có thể vô tư lướt web, chơi game, vào các trạng mạng “chát chít”, bình luận..., nói chung là sống trong thế giới ảo. Tốn quá nhiều thời gian vào thế giới ảo là điều có thể nhìn thấy ngay trước mắt, nhưng ẩn đằng sau là những hệ lụy không lường hết được.
Mạng xã hội – kẻ thù giấu mặt
Từ ngày lập Facebook ngày nào tôi cũng phải dành vài ba chục phút lang thang vào xem những chia sẻ của bạn bè, rồi trò chuyện, bình luận; có hôm mải mê chát chít tôi mất cả tiếng đồng hồ. Tôi sợ lâu dần mình nghiện. Ấy vậy tôi vẫn được xếp vào hàng ít cập nhật Facebook, chứ nhiều người mở nick name liên tục, dù làm việc gì thì một lúc cũng phải vào lướt xem trên Facebook của mình có gì mới không.
Facebook là mạng xã hội được người dùng đông đảo nhất hiện nay. Tất tần tật mọi thông tin “thượng vàng hạ cám” của người dùng đều được chia sẻ trên mạng xã hội này. Không thể phủ nhận mặt tích cực của Facebook trong việc kết nối mọi người, cộng đồng. Có người còn nói rằng, họ sử dụng Facebook như một cuốn nhật ký ghi lại những khoảnh khắc vui, buồn; những kỷ niệm... Thế nhưng, không phải ai cũng biết phát huy mặt tích cực của trang mạng xã hội này.
Thực tế, không ít người, nhất là giới trẻ hiện nay đang lao vào thế giới “ảo” một cách mù quáng. Rảnh rỗi là lên mạng. Điều đáng nói hơn, nhiều gia đình trẻ hiện nay đang rơi vào tình trạng mọi người sống trong một nhà nhưng mạnh ai nấy ôm smartphone rồi vào Facebook “chém gió”, tâm sự với bạn bè trên mạng, trong khi những người thân xung quanh mình thì không ai quan tâm, nói chuyện với ai.
Nhiều người hiện nay không chỉ có trào lưu chụp hình khoe dáng, khoe sắc đẹp, mà còn khoe giàu, khoe sang, khoe người yêu. Không chỉ sống “ảo”, nhiều người trẻ còn chạy theo trào lưu yêu người “ảo” trên mạng.
Thu Thảo (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) - một nhân viên văn phòng chia sẻ: Sau mỗi giờ làm việc, em thích ôm chiếc máy tính hay chiếc điện thoại để lên mạng nói chuyện với người yêu “ảo” hơn là phải đi ra ngoài ồn ào, xô bồ. Tâm sự với người yêu “ảo”, em cảm thấy thoải mái, được chia sẻ tất cả những buồn, vui trong cuộc sống hàng ngày, được an ủi, khuyên nhủ một cách chân thành. Cứ thế, lâu dần, em mới nhận ra mình thờ ơ tình cảm thật của những người xung quanh mình, vẫn biết là không nên nhưng giờ chỉ thấy thích cuộc sống “ảo” nên cũng không biết làm sao.
Trên mạng, nhiều người sống ảo tưởng, xa rời thực tế, thậm chí còn có những sự việc đau lòng liên quan đến thế giới ảo. Có những người chỉ vì lao vào vòng xoáy của Facebook mà bị thiệt thân, vướng vào vòng lao lý.
Nhiều người trên địa bàn tỉnh hẳn chưa quên vụ án đau lòng chỉ vì yêu qua mạng mà A.T.L (Kon H’Ngo Ktu, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) bị đánh ghen tàn bạo và sau đó đã tử vong.
Câu chuyện chỉ vì A.T.L lên mạng chát chít tình cờ gặp nick name Lùn Mi Nhon rồi hai bên nảy sinh tình cảm, yêu nhau trên mạng, nhưng cả hai vẫn chưa một lần gặp gỡ ở ngoài đời. Không ngờ bị người yêu của Lùn Mi Nhon đánh ghen, tìm đến tận nơi “giải quyết” và kết quả là A.T.L đã bị đánh đến mức phải nhập viện. Sau thời gian điều trị, nhưng do thương tích của L quá nặng nên cuối cùng L cũng không qua khỏi.
Gia đình L thì phải lao đao vay nợ khắp nơi để chữa trị cho con nhưng cũng không mang lại kết quả gì. Những đối tượng gây ra cái chết của L cũng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ để điều tra. Một cái kết bi thảm mà tất cả những người liên quan đều không lường được hậu quả.
Mỗi ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng đều xuất hiện thấy rất nhiều câu chuyện buồn, thương tâm từ chuyện yêu đương đến chuyện trả thù, chém giết... chỉ vì người dùng đã không biết làm chủ các trang mạng xã hội để bị cuốn theo những thông tin xấu, những trò chơi, trò đùa ác ý...
Sống ảo trong game online
Bên cạnh mạng xã hội, trào lưu sống “ảo” cũng “dậy sóng” trong game online. Những trò chơi trực tuyến dường như có một sức hấp dẫn đến ma mị khiến cho nhiều người trẻ, nhất là các em ở lứa tuổi học sinh bị mê muội mà không hề hay biết.
Tôi thường đi qua một của hàng internet trên đường Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Kon Tum), lúc nào tôi cũng thấy quán chật kín chỗ, ngay cả vào những giờ mà lẽ ra học sinh phải đến trường như từ 7h – 11h, 13 – 17h, thậm chí sau 22h – giờ mà lẽ ra không được kinh doanh internet, tôi vẫn thấy nhiều nam sinh mắt chăm chăm nhìn vào màn hình máy tính, tay liên tục điều khiển bàn phím và chuột còn miệng thì không ngừng thốt những câu chửi thề...
|
Đ.V.Ng - một học sinh cấp 3 (ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) kể rẳng: Khi chơi game, em cảm thấy bản thân hoàn toàn là một người khác. Nhân vật trong game sống thay cho mình trong thế giới “ảo”. Ở đây, mình khẳng định bản thân bằng những lần thăng cấp, bằng những trang bị “khủng” làm đối thủ phải ngưỡng mộ, bạn bè cũng phải “nể phục” mình.
Mê mẩn thế giới ảo trong game online, nhiều học sinh đã bỏ bê học hành, thậm chí đã có nhiều vụ án đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ việc nghiện game xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Ví như trung tuần giữa tháng 9 vừa qua, ở phường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum) đã xảy ra một vụ việc đau lòng tại gia đình bà H.T.K.L mà nguyên nhân xuất phát từ đứa con nghiện game.
Đầu đuôi câu chuyện được người mẹ kể lại, đó là cậu con trai nghịch tử tên H.T.H từ việc nghiện game mà bỏ bê học hành, gây mâu thuẫn với gia đình rồi bỏ nhà đi chơi, sau đó, H quay về nhà nhà xin tiền mẹ để chơi điện tử nhưng không được nên đập phá đồ đạc trong nhà; bị mẹ can ngăn thì H đã dùng dao đâm vào lưng mẹ rồi bỏ trốn. Rất may, người mẹ không bị thương nặng.
Gần đây nhất là “cơn sốt” game pokemon go khiến nhiều người đã bị cuốn theo. Không ít người vì mải mê chạy theo đuổi bắt những con vật tưởng tưởng của thế giới ảo mà rơi vào những tình cảnh dở khóc dở cười. Hệ luỵ nhìn thấy rõ nhất là người chơi luôn bị mơ màng, ngẩn ngơ khi trong đầu chỉ nghĩ đến những con pokemon đang nằm ở đâu đó, có người bị cướp giật, có người bị tai nạn giao thông cũng chỉ vì quá mê mẩn trò chơi trong thế giới ảo này.
Có thể thấy, những câu chuyện trên mạng, những trò game online mãi chỉ là cuộc sống ảo, nhưng những hậu quả xảy ra thì là thật đối với mỗi người, mỗi gia đình. Vẫn biết, chúng ta không thể đi ngược lại với xu thế phát triển chung của thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nhưng điều quan trọng là làm sao đừng để rơi vào vòng xoáy vô định của thế giới ảo, đừng để cuộc sống “ảo” làm thay đổi con người thật đó mới là điều quan trọng.
Thuỳ Hương