Đổi đời nhờ… “xuất ngoại”
Không còn cảnh ăn bữa nay lo bữa mai, nhiều người dân ở xã Chư Hreng (thành phố Kon Tum) giờ đây đã có vốn phát triển kinh tế, xây được những ngôi nhà cao, to, vững chắc, mua được các vật dụng cần thiết trong gia đình... Các gia đình có được cuộc sống như thế, một phần cũng nhờ xuất khẩu lao động.
Đổi đời nhờ xuất khẩu lao động
Mới từ Ả Rập Xê Út trở về, những câu chuyện về một vùng đất mới, về công việc của chị Y Sen như trở thành tâm điểm của thôn Đăk Brông, xã Chư Hreng. Gặp chúng tôi, chị Sen chia sẻ niềm vui khi mái nhà lụp xụp của mình trước đây giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà xây, cao, to, thoáng mát. “Mình qua Ả Rập Xê Út làm giúp việc được 2 năm 2 tháng, vừa mới trở về. Nhờ qua đó làm, mình mới có tiền xây được nhà như thế này” - chị Sen vui vẻ.
Trước đây, gia cảnh chị Sen rất khó khăn, chồng lấy vợ khác, một mình chị phải tất tả buôn bán lo cho 3 con nhỏ. Ăn bữa nay lo bữa mai, sống trong ngôi nhà chật hẹp, lụp xụp chỉ đủ chui ra chui vô nhưng chưa bao giờ chị dám nghĩ đến việc xây lại một ngôi nhà khang trang.
Đến năm 2015, nghe thông tin Công ty CP Xây dựng, cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân (Tamax) tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út, chị liền tìm hiểu rồi đăng kí tham gia.
“Lúc đi cũng phân vân lắm vì 3 con đang còn nhỏ lại không có người chăm sóc nhưng nếu không đi, tiền buôn bán không đủ lo cho các con. Nghĩ tới nghĩ lui, mình động viên các con ở nhà tự chăm sóc nhau, mình qua làm kiếm tiền, gửi về để cuộc sống đỡ nhọc nhằn hơn” – chị Sen chia sẻ.
Quyết định ly hương, sau khoảng thời gian học ngôn ngữ giao tiếp tại Hà Nội, chị Sen được qua Ả Rập Xê Út giúp việc. Chị bảo, công việc khá đơn giản, so với ở nhà thì nhẹ nhàng hơn. “Làm lương 1 tháng được 7,5 triệu đồng, được chủ lo ăn ở, mình dành dụm gởi về cho các con sinh hoạt, gom góp làm nhà và trả nợ các khoản vay”- chị Sen kể.
Không chỉ có chị Sen, từ thông tin của người thân, chị Y Lát (54 tuổi) ở thôn Đăk Brông cũng sang Ả Rập Xê Út giúp việc. Công việc nhẹ nhàng, lương tháng được hơn 7,5 triệu đồng, sau 2 năm làm, chắt chiu dành dụm, chị Lát cũng gửi được 180 triệu đồng về để chồng con xoay xở trong gia đình.
|
“Trước đây, cả nhà 7 miệng ăn chỉ nhờ vào 1ha mì thôi. Lúc đó, chính quyền với các nhà hảo tâm phải xây căn nhà tình thương để gia đình mình ở. Thấy cuộc sống khó khăn quá, khi nghe người thân giới thiệu đi xuất khẩu lao động lương cao, mình và con gái đã mạnh dạn đi để kiếm tiền lo cho gia đình” – chị Lát kể lại.
Đi xuất khẩu lao động, cứ vài tháng, chị Lát lại gửi tiền về. Từ số tiền chị gửi, gia đình chị đã vượt qua được những khó khăn, sửa chữa, mở rộng nhà để đủ cho đại gia đình ở; mua được ti vi, các vật dụng cần thiết… Đặc biệt, sau khi trở về, chị Lát đã trả được nợ ngân hàng và cùng với chồng tậu 4 con bò, mua giống trồng 1ha bời lời đỏ, gỗ đỏ…
“Giờ đã có vốn làm ăn, cuộc sống gia đình mình đổi thay nhiều, mình mừng lắm. Hôm nay con gái mình cũng từ Ả Rập Xê Út trở về, sau 2 năm làm, con cũng có vốn riêng để lo cho bản thân rồi” - chị Lát mừng rỡ.
Không chỉ có gia đình chị Lát, chị Sen, hiện nay, tại xã Chư Hreng có 21 người đang tham gia xuất khẩu lao động tại các nước mà đa phần là Ả Rập Xê Út. Chủ tịch UBND xã Chư Hreng, ông Nguyễn Văn Luận cho biết: Ở mảnh đất còn nhiều khó khăn này, việc xuất khẩu lao động đã giải quyết được bài toán về việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Nhiều hộ sau khi đi xuất khẩu lao động trở về, có vốn để phát triển, đời sống kinh tế nhờ đó cũng ổn định hơn nhiều.
Những câu chuyện phía sau
Việc đi xuất khẩu lao động đã giúp bao nhiêu nhà đổi đời, có thêm vốn để làm ăn, phát triển kinh tế nhưng đằng sau đó, vẫn còn nhiều câu chuyện đáng bàn.
Như câu chuyện nhà chị Sen là một điển hình. Chị cho biết, khi mới qua đến nơi, chưa hợp với thời tiết, giờ giấc nên đang khỏe mạnh, chị bỗng mang vào mình căn bệnh đau đầu.
“Ở Việt Nam dù vất vả nhưng làm việc theo giờ giấc, bên này việc nhẹ nhàng nhưng cứ phải loay hoay cả ngày, nhiều lúc 2h sáng vẫn phải hì hục vắt sữa cừu. Mình phải dùng thuốc liên tục để giảm cơn đau đầu” – chị Sen cho biết.
Không chỉ bị “sốc” thời gian, “sốc” thời tiết, chị Sen còn gặp những khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Chị cho biết, sau một thời gian ngắn học giao tiếp bằng tiếng Ả Rập Xê Út tại Hà Nội, chị có thể hiểu và giao tiếp được. Tuy nhiên, thực tế, vẫn có nhiều lúc chị không nắm được ý chủ nhà muốn nói gì. “Họ nói đi nói lại mình không hiểu nên họ bực; hơn nữa, mình không hiểu rõ, làm không đúng ý, họ cũng cằn nhằn, khó chịu” – chị Sen chia sẻ.
Cũng như chị Sen, khi qua Ả Rập, mọi thứ đều thay đổi so với ở Việt Nam nên chị Y Lát cũng bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn. “Lúc đầu qua cũng lo sợ lắm vì đa số sử dụng máy móc chứ không làm thủ công như mình. Phải mất một thời gian để bắt nhịp mình mới làm được” – chị Lát nói.
Không chỉ khó khăn nơi đất khách quê người, sau khi đi xuất khẩu lao động nhiều gia đình cũng gặp phải những chuyện đau lòng. Như chị Sen, vì đời sống kinh tế, chị chấp nhận đi làm để 3 người con ở nhà. Mẹ đi xa, chưa đầy 18 tuổi, con gái lớn của chị đã phải ở nhà quán xuyến tất cả mọi việc và lo cho 2 em nhỏ.
Dù ngày nào chị Sen cũng tranh thủ gọi điện về hỏi thăm, động viên các con, nhưng thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc của mẹ lại có quá nhiều thiệt thòi, tâm lý, tình cảm của các con chị cũng thay đổi. Khi chị đi được 1 thời gian, con trai giữa của chị đã bỏ học dù mới lên cấp II.
“Nghe con bỏ học mình cũng buồn lắm nhưng động viên con không nghe thì biết sao được. Bây giờ trở về, nay mai mình sẽ xin cho các con đi học lại để khỏi dang dở việc học hành” – chị Sen đượm buồn.
Còn với chị Y Lát, kể từ khi chị đi, chồng chị là anh A Meng cũng “chìm” trong rượu. “Nhiều lúc nhớ mẹ, ba như muốn nổi điên luôn. May có sự động viên của mọi người rồi mẹ gọi điện về nói chuyện, ba mới đỡ uống rượu và lo làm ăn” – con gái chị Lát chia sẻ. Và chỉ khi chị Lát về nước, anh Meng mới vui vẻ như ngày trước. “Vợ về nhà mình mừng lắm, giờ mình không cho đi làm nữa đâu” – anh Meng thủ thỉ.
Mong muốn cuộc sống đỡ khổ cực, chị Y Đưng ở thôn Kon Hra Klah cũng chấp nhận để 2 con thơ ở nhà để sang Ả Rập Xê Út giúp việc. Khi chị đi, con gái nhỏ mới chỉ được 8 tháng tuổi. “Khi con gái mình đi, cháu ngoại còn chưa cai sữa, thấy thương lắm. Con đi rồi, giờ mình phải thay con lo cho cháu. Thỉnh thoảng con gửi tiền về, mình cũng mua sữa, mua quần áo cho cháu lớn đi học” – chị Y Hoan, mẹ chị Y Đưng kể.
Không đi làm thì đời sống kinh tế khó khăn nhưng khi ly hương, thực tế cuộc sống nhiều gia đình lại rơi vào cảnh trớ trêu. “Hiện nay, ở xã chưa có trường hợp nào ly hôn vì vợ đi xuất khẩu lao động. Để tránh tình trạng này, trước khi đi xuất khẩu, xã có mời cả hai vợ chồng đến ký vào giấy cam kết. Trong quá trình đi, xã cũng có giao cho Hội LHPN xã động viên, nắm tình hình và có hướng giải quyết, giúp đỡ” – ông Luận cho biết.
Không thể phủ nhận xuất khẩu lao động đã giải quyết được những khó khăn về kinh tế cũng như vấn đề về việc làm, tuy nhiên, trên con đường mưu sinh đầy vất vả, nếu không biết cách nâng niu, giữ gìn thì hạnh phúc gia đình cũng mong manh như trứng quẩy đầu gậy.
Hoài Tiến