Đi qua các khu nhà trọ
Kon Tum là tỉnh lẻ nhưng cũng có tới hàng chục khu nhà trọ cho sinh viên, cho công nhân, người làm công xa nhà thuê. Hiện nay, việc cho thuê nhà trọ đang là hướng kinh doanh thu hút được sự quan tâm của nhiều người có nhà, có đất bởi mức độ rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao và mang lại nguồn lợi nhuận ổn định.
Cuối tháng 8, chúng tôi thực hiện chuyến dạo quanh các khu nhà trọ ở thành phố Kon Tum để tìm hiểu cuộc sống và cả nỗi lo của những người thuê trọ. Theo quan sát, chúng tôi nhận thấy việc xây dựng phòng trọ ở thành phố Kon Tum quá sơ sài, không gian phòng trọ bức bí đủ bề, chỉ phục vụ tạm thời cho đối tượng lao động độc thân, không phù hợp với các hộ gia đình thuê lâu dài…
Nỗi niềm người thuê trọ
Dù đang mùa mưa, nhưng Kon Tum vẫn nóng bức. Trong căn phòng rộng hơn 10m2 ở khu nhà trọ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (phường Duy Tân), chị Lê Thị L (28 tuổi) ngồi dỗ cho con trai ngủ. Phòng trọ chỉ đủ kê chiếc giường cũ, một chiếc tủ con và một lối đi nhỏ cho 3 người lớn. Căn phòng có giá thuê 650.000 đồng/tháng (chưa tính tiền điện, nước). Chồng chị L là công nhân xây dựng, lương tháng khoảng 5 triệu đồng; chị chưa tìm được việc làm, cả gia đình trông vào đồng lương của chồng.
|
Chia sẻ với tôi về thu nhập và cuộc sống của mình, chị L nhẩm tính, trong tháng nào tiền sữa, tiền đồ dùng cho con; nào tiền thuê nhà, tiền điện nước cũng mất gần 2 triệu… Tháng nào vợ chồng cũng phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu.
Còn bà Phạm Thị N, người quê Thái Bình ở khu trọ phường Trường Chinh, hàng ngày chạy chợ ở Trung tâm thương mại Kon Tum nuôi hai miệng ăn. Bà N nói lâu rồi bà chưa có dịp về thăm quê vì không đủ tiền, ngay cả tiền trọ bà cũng chỉ trả được từng tháng (600.000 đồng), có khi còn nợ tiền điện, nước. Khu nhà trọ của bà có một số người đến trọ vài tháng rồi đi; đối tượng thuê trọ thì đủ thành phần, có lúc cãi lộn, ồn ào, gây mất trật tự an ninh… Là người không có nhà ở, nhiều năm thuê trọ, mỗi khi ra đường bà rất mặc cảm và rất ái ngại khi tiếp xúc với người dân trong khu dân cư.
|
Phải thật khéo léo, chúng tôi mới đặt chân được vào khu phòng trọ ở đường Nguyễn Văn Trỗi để gặp gỡ với một số “nữ khách” trong căn nhà. Em Hoàng Thị Tuyết T- sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum kể: Năm học trước em thuê trọ trên đường Lạc Long Quân. Những hôm đầu tiên mới chuyển đến đây, em thấy vui vẻ vì cả khu trọ lúc nào cũng rộn ràng đàn hát. Thế nhưng, những bài nhạc "vàng" nỉ non, ỉ ôi ngày nào cũng bật đi bật lại với âm lượng gần hết công suất khiến em không tài nào ngủ được. Có lúc em tập trung vào học, thì nhạc nhẽo lại bắt đầu nổi lên, khổ lắm anh ơi. Biết làm sao được, vì họ là người lao động nghèo, ai cũng có nỗi niềm…
Đồng cảm với người thuê trọ
Gần 10 năm nay, vợ chồng ông Phùng Ngọc Nở ở tổ 5 - phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) xây dựng 10 phòng cho thuê trọ, diện tích khoảng 12m2/phòng. Thương người lao động vì miếng cơm manh áo phải xa quê, sinh viên xa gia đình, vợ chồng ông Nở cho họ thuê phòng chỉ 600.000 đồng/tháng (bao nước, thu gom rác sinh hoạt, chỉ tính chi phí điện).
Ông Nở cho biết: Trước khi có người vào thuê trọ, tôi cũng hỏi thăm để hiểu sơ qua về hoàn cảnh và nêu những quy định khi thuê như không mắc các tệ nạn xã hội; cùng là nam, là nữ, hoặc nếu vợ chồng thì phải có giấy đăng ký kết hôn mới được thuê chung phòng… Mặc dù khu nhà trọ nằm riêng biệt với nhà ở của gia đình nhưng tôi đưa ra quy định, hằng ngày cứ 22h30 là bắt đầu khóa cổng. Gia đình tôi cung cấp cả số điện thoại, nếu sinh viên, người làm công nào tăng ca hoặc có việc riêng về muộn thì chủ động gọi chủ nhà mở cửa.
Tuy có những quy định hơi khắt khe và ông cũng thường xuyên nhắc nhở công nhân nâng cao cảnh giác, giữ gìn tài sản cá nhân, chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ... nhưng nhờ đó mà tình hình an ninh trật tự tại khu trọ của ông luôn được đảm bảo, môi trường sạch sẽ; sinh viên, người lao động yên tâm sinh sống, học tập và làm việc. Có người khó khăn, ông cho nợ có khi đến 3 tháng.
Cùng suy nghĩ ấy, ông Lê Minh Thế có khu nhà trọ ở phường Lê Lợi (thành phố Kon Tum) cho công nhân thuê. Từ năm 2013 đến nay, trong khu vực có nhiều nhà trọ rục rịch tăng giá, nhưng ông vẫn giữ nguyên giá thuê phòng (600.000 đồng/tháng). Ông Thế cũng chỉ thu tiền điện theo mức giá sinh hoạt khoảng từ 2.000-2.500 đồng/kWh. Theo ông, nếu ngành Điện giản đơn các thủ tục (thời gian trọ dưới 12 tháng), ông sẽ đăng ký cho người thuê nhà để được hỗ trợ tiền điện.
Đăng ký sử dụng điện cho người thuê trọ
Ông Nguyễn Phong Lưu - Giám đốc Điện lực thành phố Kon Tum cho biết, trên địa bàn thành phố Kon Tum có 975 khách hàng có số công tơ sử dụng từ 2 hộ trở lên, phần lớn là những chủ công tơ quân đội, khu tập thể y tế, công ty, xí nghiệp… chỉ có một phần nhỏ các chủ nhà trọ đăng ký cho người ở thuê. Theo Thông tư 16/TT-BCT của Bộ Công thương, thì trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Trong thời gian qua, Điện lực thành phố Kon Tum đã tổ chức các đợt kiểm tra an toàn việc sử dụng các thiết bị điện và đề nghị các chủ nhà trọ đăng ký cho người thuê trọ được hưởng những chính sách về ưu đãi giá điện; đồng thời ký cam kết giá bán điện đúng theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có nhiều chủ nhà trọ không muốn đăng ký hỗ trợ tiền điện cho người thuê trọ vì họ không muốn “ôm rơm nặng bụng” sợ người thuê trọ ra đi giữa chừng; hoặc cũng có người từ việc cho thuê trọ còn muốn gia tăng khoản thu từ điện, nước và các dịch vụ khác…
Trở về từ những khu nhà trọ, chúng tôi có những suy nghĩ miên man. Giá như tại những khu, cụm công nghiệp đều có khu nhà ở dành cho công nhân xa nhà; giá như nhiều nhà ở xã hội được xây dựng và trên hết cần cái tâm của những chủ nhà trọ, để xây được những khu nhà trọ thoáng mát, rộng rãi hơn với đầy đủ điều kiện sinh hoạt hơn…, thì sẽ giúp người thuê trọ có nơi ăn nghỉ, sinh hoạt chu đáo hơn sau một ngày mưu sinh vất vả.
Dương Lê