Đăk Glei: Cam go “cuộc chiến chống vàng tặc”
Trong những năm qua, huyện Đăk Glei quyết liệt truy quét nạn khai thác vàng trái phép. Thế nhưng, cuộc chiến chống “vàng tặc” trên địa bàn Đăk Glei giờ đây vẫn đầy cam go; giải quyết dứt điểm vấn nạn này vẫn là "bài toán khó" mà chính quyền cơ sở và ngành chức năng đang loay hoay…
Huyện Đăk Glei là địa phương có tài nguyên khoáng sản phong phú, nhất là các xã biên giới; trữ lượng vàng ở trên các đồi cao, rừng sâu và các khu vực sông, suối tương đối cao. Chính vì thế, khoảng gần 10 năm trở lại đây tình trạng khai thác vàng trái phép ở đây diễn biến phức tạp.
Để lập lại tình hình trật tự trên địa bàn, mỗi năm, UBND tỉnh, UBND huyện Đăk Glei ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương tổ chức truy quét; ngân sách Nhà nước bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mở các chiến dịch truy quét, đuổi đối tượng khai thác bất hợp pháp ra khỏi khu vực khai thác vàng. Mặc dù đã có “cây gậy thần” trong cuộc đấu tranh với “vàng tặc”, song ở một số nơi, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương dường như “đuối sức” trong cuộc chiến chống “vàng tặc”.
|
Từ đầu năm 2016 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đăk Glei phối hợp với các địa phương, các cơ quan đứng chân trên địa bàn tổ chức 65 đợt truy quét tại 25 điểm có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là ở địa bàn “nóng” như các xã Đăk Blô, Đăk Nhoong, Đăk Kroong, Đăk Long.
Qua đó, đã tiến hành lập biên bản thu giữ 18 máy nổ, 18 đầu bơm hút, 1 máy cưa xăng, 800m ống nước có đường kính từ 30 - 160mm; lập biên bản, tiến hành tiêu hủy tại chỗ 23 máy nổ, 3 máy nghiền đá, 12 máng xả, 8 đầu bơm cát, 9 đầu bơm nước, 10 lán trại, 3 bể chứa nước, 500m ống nước có đường kính từ 30 - 160 mm và cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt cá nhân khác; lập biên bản xử phạt 14 vụ vi phạm về lĩnh vực khoáng sản, đất đai với tổng số tiền đã nộp phạt là 50,5 triệu đồng.
Mặc dù số lần tổ chức truy quét rất nhiều nhưng khi các lực lượng chức năng rút về thì hoạt động khai thác vàng trái phép lại tiếp tục diễn ra như chưa hề có truy quét. Sự ngoan cố của "vàng tặc" như thách thức quyết tâm của chính quyền và ngành chức năng.
Chỉ riêng ở xã Đăk Long, từ rất nhiều năm nay, tình trạng khai thác vàng trái phép đã liên tục diễn ra mà chưa thể ngăn chặn triệt để được. Chính vì thế, nơi đây luôn được xem là một trong những địa phương “nóng” của huyện Đăk Glei về hoạt động khai thác vàng trái phép; đặc biệt là ở các thôn Đăk Ak, Đăk Ôn, Dục Lang và Vai Trang. Thậm chí khi có đoàn kiểm tra tiến hành truy quét, các đối tượng khai thác vàng trái phép ở đây còn manh động tổ chức chống trả lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Mới đây nhất, theo chỉ đạo của UBND huyện Đăk Glei, UBND xã Đăk Long đã có báo cáo gửi UBND huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Glei về việc truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép. Trong báo cáo này UBND xã Đăk Long khẳng định, đã tổ chức kiểm tra và đẩy đuổi được các đối tượng khai thác vàng trái phép tại khu vực thôn Dục Lang ra khỏi địa bàn trong ngày 14/10/2016.
Thế nhưng, ngày 18/10/2016, khi Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đăk Glei bất ngờ kiểm tra hoạt động khai thác vàng trái phép tại thôn Dục Lang thì phát hiện 1 tổ máy gồm 3 máy nổ, 1 sàng xổ bằng sắt, 15m ống nước có đường kính 90 - 160 mm, 1 lán trại cùng nhiều vật dụng dùng để khai thác vàng khác của 6 đối tượng là người từ các địa phương khác đến.
Ông A Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết, nhiều năm qua, xã Đăk Long luôn là 1 trong 5 xã của huyện Đăk Glei có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Riêng xã Đăk Long ngoài hoạt động khai thác vàng sa khoáng lén lút của các hộ dân thuộc thôn Đăk Ak và Đăk Ôn còn có hoạt động khai thác vàng đồi trái phép. Có khi đoàn truy quét của xã phát hiện các hộ Y Bông, Y Jú, A Báo, Y Tiên, A Tần và A Khéc ở thôn Đăk Ôn tổ chức khai thác vàng trái phép với số lượng lên đến 6 tổ máy tại khu vực hồ Đăk Blóc, mỗi tổ máy thường từ 8 - 10 người. Các đối tượng thường lợi dụng thời tiết mưa để lén lút khai thác vàng, gây nhiều khó khăn trong việc kiểm tra xử lý. Mỗi khi tổ chức tiến hành kiểm tra, truy quét thì tình hình khai thác vàng trái phép tạm lắng xuống, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó mọi việc lại tiếp tục tái diễn.
Ông A Nhã - Phó phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Gei cho biết: Ở một số địa phương, công tác phối hợp giữa UBND xã với đồn Biên phòng trong việc tổ chức kiểm tra, xử lý vẫn bất cập; công tác xử lý khi phát hiện khai thác vàng trái phép ở các địa phương chưa quyết liệt; các đối tượng khai thác vàng trái phép hăm dọa cán bộ xã… là những nguyên nhân khiến cho việc khai thác vàng trên địa bàn huyện Đăk Glei vẫn chưa thể giải quyết triệt để được.
Đến thời điểm hiện tại (trong 10 ngày cuối tháng 10 này) tình trạng khai thác vàng trái phép tại xã Đăk Long và một số địa phương khác trên địa bàn huyện đã chấm dứt, nhưng có thể tái diễn trở lại bất cứ lúc nào.
Vì vậy, UBND huyện Đăk Glei đã chỉ đạo, trong thời gian tới Đoàn liên ngành của huyện, UBND các địa phương phối hợp với các đồn Biên phòng, các đơn vị chủ rừng siết chặt công tác quản lý; kiểm tra, xử lý quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đặc biệt không để hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra, nhất là trong các dịp lễ, tết. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và thực hiện nghiêm Chỉ thị 01-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Theo đó, người đứng đầu chính quyền địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật nhằm tránh tình trạng việc kiểm tra, truy quét nạn khai thác vàng trái phép giống “trò chơi trốn tìm” như từ trước đến nay.
Mỗi năm, chính quyền huyện Đăk Glei đã mở gần cả trăm cuộc truy quét, thu hồi, tiêu hủy hàng chục máy móc, dụng cụ khai thác vàng trái phép và đuổi các đối tượng này ra khỏi địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý "vàng tặc" vẫn gặp rất nhiều khó khăn, cuộc chiến chống khai thác vàng trái phép ở huyện Đăk Glei vẫn còn rất cam go và chưa có hồi kết.
Đắc Vinh