Bễ rèn đỏ lửa giữa lòng phố
Thật hiếm, khi đang trên đường Trần Hưng Đạo giữa thành phố Kon Tum nhộn nhịp, tôi lại nghe được tiếng búa đe chan chát vang lên từng hồi đều đặn. Một lò rèn giữa lòng phố thị vẫn đang đỏ lửa. Ông Đỗ Huệ đã theo nghề rèn được hơn 40 năm và ông cũng là người cuối cùng trong dòng họ có tới 4 đời theo nghề này.
Nghề khó nhọc…
Trước mắt chúng tôi là một căn lều lụp xụp, cũ kỹ nằm ngay trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo thuộc phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum). Đây chính là nơi gia đình ông Đỗ Huệ cư ngụ và là nơi ông gìn giữ nghề rèn truyền thống của gia đình.
Trong căn lều nhỏ chỉ vài mét vuông, tiếng búa, tiếng đe vang lên nghe chan chát. Màu lửa vàng rực, màu nắng soi sáng cái “xưởng” bé tí tẹo bằng những vệt sáng loang lổ, ánh lên những giọt mồ hôi của ông Đỗ Huệ - người hiếm hoi theo nghề rèn truyền thống trên địa bàn thành phố Kon Tum. Sự giữ lửa truyền thống nghề rèn của ông Huệ đã góp phần cung ứng những vật dụng thiết yếu trong gia đình cho người dân nơi đây.
|
Chúng tôi ghé thăm “xưởng” rèn của ông Huệ giữa buổi trưa nắng nóng. Lúc này ông Huệ đang ngồi bên bễ lửa đỏ rực; từng thao tác thuần thục, nhanh nhẹn, ông đưa thanh sắt vào nung, tiếp đó với bàn rắn chắc ông lại nâng búa đập liên tục xuống miếng sắt đã nung đỏ đặt trên đe. Mồ hôi nhễ nhại nhưng một mình ông vẫn cố gắng hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu của khách. Hì hục hoàn thành được con dao rựa như ý muốn, ông Huệ mới tắt lửa lò rèn và tiếp chuyện với chúng tôi.
Theo lời ông Huệ kể, gia đình ông đã có tới 4 đời theo nghề rèn. Vào thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước, nghề rèn còn là kế sinh nhai của các anh em trong gia đình ông. Khi máy móc công nghiệp dần thay những nhát búa, thanh đe thì nghề rèn truyền thống cũng dần đi vào quên lãng; nhiều người đã bỏ nghề vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, với quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của gia đình nên ông Huệ vẫn "sống chết với nghề", ngọn lửa yêu nghề vẫn hừng hực cháy trong tim ông…
Ông Huệ nhớ lại: Nghề rèn của gia đình có từ thời ông cố và liên tục theo nghề tiếp nối cho đến đời của ông. Hồi đó, lúc ông mới 11 -12 tuổi đã được bố và chú kêu phụ làm những việc như quay bễ, xúc than, đập búa… Nhờ sức khỏe tốt, nhạy bén đã giúp ông Huệ học nghề rất nhanh. Từ cách nhóm bếp sao cho ngọn lửa đều, rồi cách chọn than, nguyên liệu... ông Huệ rất thuần thục nên không lâu sau đó ông Huệ cũng biết rèn con dao, cái rựa và bỗng thấy yêu tiếng búa, tiếng đe.
Dù thấm thía sự nhem nhuốc, vất vả của nghề rèn, nhưng đến nay ông Huệ kế nghiệp của cha ông đã hơn 40 năm. Những năm gần đây, nghề rèn gặp nhiều khó khăn. Do những công cụ như dao, rựa, cuốc, liềm làm thủ công rất khó cạnh tranh với các mặt hàng ngoài thị trường. Bên cạnh đó, giá cả chênh lệch rất lớn do đó sản phẩm thủ công rất khó cạnh tranh. Ví như một cái dao chặt xương được rèn thủ công phải làm mất gần nửa ngày, đổ mồ hôi nước mắt, bán với giá 200 ngàn đồng, sau khi trừ chi phí tiền sắt, tiền than, tiền cán dao thì còn dư khoảng 150 ngàn đồng. Trong khi đó, loại dao gần giống như thế nhưng ngoài chợ bán chỉ khoảng từ 100 - 120 ngàn đồng. Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng có người đến đặt hàng để làm thường xuyên nên thu nhập không ổn định, cuộc sống rất vất vả, khó khăn. Ông Huệ tiếp tục kể cho tôi nghe về những gian truân mà ông phải nếm trải để giữ gìn nghề rèn "cha truyền con nối" này.
Cũng qua lời kể của ông Huệ và tìm hiểu của chúng tôi, nếu như vài chục năm trước đây, ở Kon Tum nhiều gia đình đều coi nghề rèn là nghề chính để mưu sinh thì lớp thanh niên nay chẳng còn ai muốn gắn bó với nghề rèn. Số thợ rèn biết nghề rèn trên địa bàn thành phố Kon Tum còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng họ cũng chuyển sang việc khác như hàn hay vá, sửa xe, phụ hồ…
Ông Huệ tâm sự, năm 1985 ông cũng từng có vợ con, nhưng do cuộc sống quá khó khăn nên đến năm 1992 vợ chồng chia tay và một mình ông vẫn quyết bám nghề rèn truyền thống của gia đình cho đến hôm nay. Nghề rèn là một nghề cực nhọc, lúc nào cũng lem luốc, vất vả là vậy nhưng hơn 40 năm theo nghề, cuộc sống cũng không thể khá hơn, thậm chí nghề rèn truyền thống đang có chiều hướng ngày càng đi xuống dần do không thể cạnh tranh với các mặt hàng sản xuất công nghiệp đến từ Trung Quốc, Thái Lan… Mặc dù dao, rựa, cuốc, xẻng sản xuất công nghiệp được bán ngoài chợ không tốt bằng rèn thủ công truyền thống, nhưng do giá cả thấp hơn nên nhiều người ưa chuộng.
Quyết giữ nghề
Theo ông Huệ, để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua nhiều công đoạn. Từ cắt sắt tạo hình, nung lửa, đập, nhúng nước rồi lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc và làm nắm cần. Nói thì vậy nhưng để làm ra một sản phẩm đạt chất lượng cao không hề đơn giản tý nào, đó là kinh nghiệm và cả những bí quyết mà không phải ai cũng có được.
Các công đoạn tạo ra sản phẩm rèn đều có tầm quan trọng nhất định, nếu không làm tốt một công đoạn thì nhất định sản phẩm làm ra sẽ không thể đạt chất lượng tốt nhất. Người thợ làm lâu năm, có kỹ thuật tốt đều nắm rõ để có một sản phẩm ưng ý trước hết cần phải tìm cho được sắt, thép tốt, rồi đến chọn than, đặt bếp cần phải chọn lựa kỹ càng.
Người thợ rèn có khi phải làm cả công đoạn đập sắt vì chỉ có họ mới hiểu được thanh sắt sắp rèn. Đó là khi nâng búa, đập nhịp nhàng, đập có lúc mạnh, lúc nhẹ tạo sự chính xác nơi nện búa. Để có thể làm ra một sản phẩm có tính thẩm mỹ, có độ sắc bén, đòi hỏi người thợ rèn phải rèn luyện, kinh qua thực tế rất nhiều. Chỉ cần mất tập trung một chút thôi, thanh sắt trên than có thể đã được tôi quá già hoặc quá non lửa khiến cho sản phẩm đó không đạt chất lượng và cũng có thể không thể dùng được. Ông Đỗ Huệ tiếp tục "bật mí" cho chúng tôi về những kinh nghiệm mà ông đã đúc kết qua nhiều năm làm nghề…
Với ông Đỗ Huệ, nghề rèn không thể mang lại cho ông một cuộc sống khấm khá như bao nghề khác nhưng có lẽ ngọn lửa đam mê với nghề rèn không bao giờ tắt bởi hơi ấm lửa rèn vẫn cháy mãi trong tim, trở thành động lực thôi thúc ông tiếp tục gìn giữ, bám trụ với nghề cho dù thu nhập hàng ngày có khi không đủ trang trải sinh hoạt…
Trời nhá nhem tối, ông Huệ thu dọn đồ nghề, đợi một ngày sản xuất mới. Tiếng cười sảng khoái của ông vang lên trong căn lều xập xệ. Chiếc giường mà ông ngả lưng ngủ qua đêm nhiều chục năm nay là tấm đanh được làm bằng xi măng, trải bên trên làm chiếu là những chiếc bao ni lông. Nghề rèn truyền thống không cho ông Huệ cuộc sống khá giả, nhưng với ý thức gìn giữa nghề rèn truyền thống của dòng họ nên ông đã quyết định theo nghề cho đến hết đời… Ông Huệ khẳng định những điều đó với tôi mà không chút do dự.
Trên đường về nhà, trong tôi vẫn văng vẳng những câu nói ông Đỗ Huệ. Đành rằng, trong thời buổi hiện nay, chuyện "cơm áo gạo tiền" luôn là câu chuyện mà bất kỳ ai cũng đặt lên hàng đầu, nhưng những người vượt trên những vẫn đề thường nhật để giữ lửa với nghề truyền thống của gia đình truyền thống như ông Huệ cũng thật đáng trân trọng.
Tôi cầu chúc cho ông giữ được sức khỏe và sống được với nghề trong thời buổi cạnh tranh gay gắt của thị trường hiện nay. Biết đâu, bằng uy tín chất lượng sản phẩm làm ra, mọi người tìm đến với ông ngày càng nhiều trong nay mai- tôi vẫn hy vọng về điều đó.
Đắc Vinh