Già Bloong Vẻ làm... du lịch
3 năm trở lại đây, ngôi nhà của già làng Bloong Vẻ đã trở thành điểm “du lịch văn hóa bản địa” giới thiệu trên 100 vật dụng, nhạc cụ đặc trưng dân tộc Jẻ - Triêng cho các đoàn khách du lịch ghé thăm.
Nhà của già Bloong Vẻ ở thôn Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi). Ở đây, khách tham quan tha hồ chụp ảnh, ngắm nhìn, dùng thử và có thể mua các vật dụng, nhạc cụ làm quà lưu niệm. Ông còn là “nhạc trưởng” của hơn 20 nghệ nhân, người già ở làng tổ chức giới thiệu các bài múa, hát sử thi, đánh cồng chiêng, tổ chức lễ hội dân tộc, khi khách có nhu cầu thưởng thức…
Từ chế tác nhạc cụ dân tộc...
Ngay từ khi đứng chưa cao hơn cái đàn T’rưng, Bloong Vẻ đã rất thích thổi sáo, chơi các nhạc cụ của người Jẻ - Triêng và của các dân tộc khác. Vào các dịp lễ, tết của dân tộc, sân nhà của cha mẹ Bloong Vẻ luôn được chọn để các đội ca, múa chiêng, đánh cồng tập dượt; các chị, các bà tranh thủ dệt những chiếc váy hoa dài, tấm áo choàng và làm nhiều vòng đeo tay, đeo cổ tặng con cháu, họ hàng lấy may vào dịp này. Mỗi lúc như thế, cậu bé Bloong Vẻ được cha dạy cho từng lời bài hát dân ca dân tộc, được người lớn hướng dẫn cách chế tác các vật dụng, nhạc mà cậu yêu thích.
Già Bloong vẻ rất thích thổi sáo. Ảnh: M.T |
Già Bloong Vẻ nhớ lại: Tôi học rất nhanh, chỉ cần người lớn hướng dẫn 2 - 3 lần là đã biết làm một cây sáo có chiều dài gần ba gang tay con nít, hay tự làm chiếc đàn T’rưng có chiều cao 1m và học thuộc lời nhiều câu chuyện kể khan, bài hát dân gian đến ngày hôm nay.
Năm tháng trưởng thành, những nét đẹp của văn hóa, lễ hội dân tộc ở làng Đăk Răng thấm đẫm vào tâm hồn của Bloong Vẻ. Mỗi khi trong làng có tổ chức lễ hội, Bloong Vẻ luôn được vinh dự tham gia vào đội văn nghệ của làng. Ông kể: Tôi sinh năm 1945 và lớn lên ở làng trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, gian khổ khi đất nước xảy ra chiến tranh. Với nhiệm vụ bộ đội tại chỗ tham gia đánh giặc ở khu vực xã Đăk Pét, Đăk Sút, vào những lúc rảnh rỗi, tôi lại tự ghi chép những bài thơ, bài hát, tự làm các nhạc cụ bằng tre nứa để cất giấu trong rừng, dưới hầm chống bom đạn...
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Bloong Vẻ được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện tiếp tục học văn hóa, học y sĩ và công tác ở xã Đăk Dục. Thời gian này, ông không quên về lại rừng tìm các loại nhạc cụ cất giấu trước đây mang về treo trang trọng ở phòng khách của gia đình. Ông tiếp tục mày mò chế tác thêm nhiều vật dụng xinh xắn từ chiếc gùi, rổ rá bằng tre nứa, đến các loại vòng đeo tay, đeo cổ có vật liệu bằng đồng, quần áo của người lớn, trẻ con bằng vỏ cây, lá rừng... Khắp các phòng, ngõ ngách trong căn nhà ông treo tới hơn 100 hiện vật.
Già Bloong Vẻ giới thiệu các vòng đeo cổ truyền thống của người Jẻ - Triêng. Ảnh: M.T |
Bà con trong làng rất thích đến nhà của ông, bởi ở đây chứa đựng một phần không gian văn hóa sinh hoạt dân tộc Jẻ - Triêng. Trong các đợt tổ chức học sử dụng, chế tác nhạc cụ dân tộc, các đơn vị chuyên môn mời già Bloong Vẻ đến dạy cho đối tượng thanh thiếu niên ở khắp các làng DTTS. Các đoàn nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc cũng tìm về làng nhờ ông giúp đỡ, giới thiệu về các lễ hội, điệu nhạc, điệu múa, nhạc cụ dân tộc. Không ngừng nỗ lực, năm 2009, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
... đến làm du lịch ở làng
Nghệ nhân Bloong Vẻ cho biết: Gần 30 năm chế tác, sưu tầm và trưng bày nhiều đồ vật dân gian dân tộc tại nhà, gia đình tôi đã được nhiều người biết đến, không chỉ trong làng mà ở các xã, huyện, trong và ngoài tỉnh.
Năm 2011, huyện Ngọc Hồi có chủ trương quảng bá các điểm “du lịch văn hóa” trên địa bàn, cán bộ Phòng Văn hóa huyện đã về động viên gia đình cố gắng lưu giữ, sưu tầm thêm nhiều vật dụng khác của đồng bào DTTS để đưa vào sổ ghi nhớ điểm giới thiệu cho khách du lịch “khám phá” không gian văn hóa dân tộc Jẻ - Triêng tại làng Đăk Răng. Vợ chồng ông nghe xong rất hãnh diện và đồng ý với ý kiến này. 3 năm qua, ngôi nhà riêng của nghệ nhân Bloong Vẻ đã đón tiếp hơn 60 đoàn khách du lịch là người nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa và mua các vật dụng trưng bày do ông chế tác. Du khách đến nhà, ông tận tình giới thiệu tên từng nhạc cụ: Kia là đàn pinboi, binlon, on eng ọt, t’roan, sáo talun, sáo cha kẹt...
Khi được hỏi tại sao các nhạc cụ trên có những cái tên nghe lạ tai đến thế, ông cho biết đấy là tên gọi theo tiếng dân tộc Jẻ - Triêng. Thêm vào đó, khách có nhu cầu được thưởng thức âm thanh của các nhạc cụ, ông vui vẻ biểu diễn những điệu nhạc dân tộc bằng từng chiếc sáo, cây đàn... được treo trưng bày với những âm thanh trầm bổng, tiết tấu nhanh chậm khác nhau.
Ông A Khương - cán bộ xã Đăk Dục rất mê tiếng sáo Cha Kẹt và từng được già Bloong Vẻ bày cách làm, nhưng âm thanh phát ra vẫn không hay bằng. Anh cho biết: Năm 2008, tôi và 15 thanh niên ở xã được già Bloong Vẻ hướng dẫn làm đàn này. Đây là một loại nhạc cụ được làm bằng sừng trâu, nó giống với tù và mà các tộc trưởng ngày xưa hay sử dụng. Lúc cầm thổi Cha Kẹt, người sử dụng như được hóa thân vào những vị thủ lĩnh oai hùng có sức mạnh vô biên trấn giữ cho dân làng bình an...
Khác với ông A Khương, nhiều du khách nước ngoài rất thích chiếc đàn T’roan được chế tác với nguyên liệu một sợi dây mây rừng có chiều dài gần 1m và cách mỗi đoạn dây mây (bằng ngón tay người lớn) sẽ có một thân tre (có chiều dài 20cm) to bằng ngón chân cái người lớn được đục rỗng ruột và luồn nằm ngang giữa dây mây, tiếp đến là đoạn thân lồ ô lớn gấp ba được buộc chặt vuông góc, cứ thế cho đến kết thúc chiều dài đoạn dây rừng.
Theo nghệ nhân Bloong Vẻ, đàn T’roan muốn làm dài bao nhiêu tùy ý thích của mỗi người. Nhạc cụ này phát ra âm thanh nhờ sức gió đẩy và các thanh tre, lồ ô va vào nhau tạo ra tiếng nhạc. Đây là nhạc cụ được bà con tự chế và đặt tại các nương rẫy, nhằm xua đuổi chim chóc xuống ăn lúa phá hoại mùa màng. Nếu đàn được làm càng dài, chứng tỏ ruộng rẫy của gia chủ càng rộng lớn, giàu có và âm thanh phát ra càng vang xa.
Ở làng Đăk Răng, nhờ sự động viên của nghệ nhân Bloong Vẻ, gần 20 người già trong làng có đôi tay khéo léo sẵn sàng hướng dẫn con cháu trong làng đánh cồng chiêng, múa xoang, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc. Việc làm này mang ý nghĩa giúp thế hệ trẻ giữ gìn và bảo vệ nét đẹp của văn hóa DTTS, vừa là nghề tay trái tăng thu nhập vào mùa nông nhàn cho gần 50 hộ dân mỗi khi các đoàn khách đến tham quan và có nhu cầu thưởng thức các loại hình văn hóa – văn nghệ dân gian và sở hữu các loại nhạc cụ, vật dụng mang đậm bản sắc dân tộc Jẻ - Triêng của bà con.
Khách tham quan tự khám phá âm thanh các nhạc cụ. Ảnh: M.T |
Ông Lê Huyên – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Hồi cho biết thêm: Việc đưa Làng văn hóa Đăk Răng và nhà trưng bày văn hóa dân gian dân tộc của già Bloong Vẻ vào thí điểm “du lịch văn hóa làng” khá thành công từ năm 2011 đến nay. Trung bình mỗi năm, nơi đây có khoảng 20 đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu và mua các sản phẩm dân tộc làm quà kỷ niệm chuyến đi. Có thể nói, đây là thế mạnh về du lịch bản địa đã và đang được ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát và tham mưu lãnh đạo huyện mở thêm điểm tham quan ở làng Đăk Mế (xã Bờ Y) của dân tộc Brâu nhằm đa dạng hóa các gói du lịch văn hóa dân tộc và tiến đến quảng bá, thu hút đầu tư trên địa bàn.
Ghi nhận những đóng góp không nhỏ của già làng Bloong Vẻ cho sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tặng Kỷ niệm chương cho ông.
Tạm biệt nghệ nhân Bloong Vẻ với nhà trưng bày văn hóa dân gian dân tộc, chúng tôi mong già có thật nhiều sức khỏe, sống lâu để tiếp tục làm ra nhiều nhạc cụ, vật dụng dân tộc độc đáo.
Mai Trâm