Các đơn vị quân đội chung sức xóa nhà tạm, nhà dột nát
Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 2.752 hộ, trong đó xây mới 1.488 căn, sửa chữa 440 căn. Đến ngày 9/4, tỉnh đã hoàn thành 70% kế hoạch với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp, cùng sự đồng lòng, chung sức của các đơn vị quân đội.
|
Gia đình anh A Sách và chị Y Thúy, trú tại làng Kđin, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy hạnh phúc trong ngôi nhà mới kiên cố, khang trang vừa được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) hỗ trợ xây dựng. Theo anh A Sách đây là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn, nếu không có sự quan tâm hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 thì gia đình anh không bao giờ có được.
Mình là người Gia Rai, ở xã Đăk Ring, huyện Kon Plông đến đây lập nghiệp. Vợ chồng lấy nhau gần như chỉ có hai bàn tay trắng, may mắn được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 nhận vào làm công nhân, nay lại hỗ trợ ngày công, kinh phí xây nhà mới. Có nhà mới vợ chồng mình yên tâm tư tưởng, chăm chỉ lao động sản xuất, gắn bó xây dựng vùng biên giới Mô Rai- anh A Sách tâm sự.
Không chỉ có gia đình anh A Sách, chị Y Thúy mà 38 gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn về nhà ở của huyện Sa Thầy cũng được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong đợt này. Đại tá Nguyễn Trường Vinh - Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 cho biết: “Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có tính nhân văn sâu sắc, được cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ. Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 cũng cam kết và nỗ lực thực hiện bằng được mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhằm mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người lao động và nhân dân. Ngoài huy động tổng kinh phí 1,745 tỷ đồng, đơn vị còn hỗ trợ nhiều ngày công, tặng nhiều vật dụng sinh hoạt cho các gia đình. Đến thời điểm hiện tại, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 đã khởi công xây dựng 24 căn, trong đó có 3 căn đã hoàn thiện, bàn giao cho gia đình sử dụng; các căn còn lại dự kiến hoàn thành trước ngày 15/7/2025”.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2025 của tỉnh. Các đơn vị quân đội như Sư đoàn 10 (Quân đoàn 34); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78, Công ty 732, Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15); Bộ CHQS tỉnh; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đồng lòng, chung sức, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền, nhân dân thực hiện. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội giúp nhân dân xóa nhà tạm, nhà dột nát có mặt ở khắp thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa và trở thành một hình ảnh đẹp, một biểu tượng của tình quân - dân.
Sư đoàn 10 (Quân đoàn 34) đã huy động hơn 5.000 ngày công bộ đội xây dựng 17 căn nhà cho hộ nghèo ở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei. Trong đó có nhiều gia đình sinh sống trên triền núi cao, đường dốc, hẹp, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 phải gùi và mang vác từng viên gạch, từng bao xi măng, từng tấm tôn đến điểm xây nhà.
Đại tá Phạm Cảnh Toàn- Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, với mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Kon Tum trong 6 tháng đầu năm 2025, BĐBP tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần “nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất”. Hiện nay, BĐBP tỉnh đã triển khai xây dựng 9 căn nhà, tổng trị giá 760 triệu đồng; đồng thời huy động hàng nghìn ngày công giúp nhân dân xóa 145 căn nhà tạm, nhà dột nát khác.
Khu vực biên giới tỉnh Kon Tum, gồm 13 xã thuộc 4 huyện Sa Thầy, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến 23,76% và những hộ gia đình khó khăn về nhà ở gần như không có khả năng để xây mới hay sửa chữa. Vì vậy, những căn nhà mới đạt tiêu chí “3 cứng” đã mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc lớn cho đồng bào, góp phần giữ bình yên trên vùng biên giới- Đại tá Phạm Cảnh Toàn khẳng định.
Theo ông Lê Văn Cao- Phó Chủ tịch UBND xã Mô Rai, sự chung sức xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân của các đơn vị quân đội rất thiết thực và ý nghĩa. Việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã Mô Rai nói riêng và các địa phương của tỉnh nói chung gặp nhiều khó khăn do số lượng nhà nhiều, nguồn kinh phí hạn chế, thời gian gấp rút. Vậy nên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là sự đồng lòng, chung sức của các đơn vị quân đội.
NGUYỄN ANH SƠN