Yến sào Kon Tum - Từ “không” đến “có"
Nhiều năm trước, khi những cánh yến bắt đầu bay lượn trên bầu trời, không ai nghĩ đến một ngày, Yến sào Kon Tum trở thành thương hiệu trên "bản đồ" yến sào Việt Nam, “đặt chân” vào thị trường Trung Quốc, vốn có tiếng là khắt khe.
Tôi muốn mở đầu bằng một câu chuyện có thật, và rất vui. Dịp cuối năm, gia đình anh chị tôi tham gia tour du lịch Trung Quốc. Đến thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, đoàn được đi tham quan, mua sắm.
Thật bất ngờ, tại một siêu thị, anh phát hiện sản phẩm Yến sào Kon Tum đặt bên cạnh các nhãn hàng yến sào có tiếng khác có xuất xứ từ Việt Nam. Có khi đó chỉ là tên một sản phẩm của doanh nghiệp nào đó ở… Khánh Hòa, Bình Thuận thôi, ban đầu anh nghĩ.
Nhưng sau đó nhìn kỹ lại thì không phải, vì trên bao bì ghi rất rõ xuất xứ ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Và anh chị đã quyết định làm chuyện mà theo tôi là “rất buồn cười”: Mua một hộp Yến sào Kon Tum về để… làm quà. Anh chị giải thích, về nước mua cũng được, nhưng mua ở Trung Quốc đem về vẫn có ý nghĩa hơn, nó là minh chứng cho một điều ngạc nhiên thú vị: Kon Tum, một tỉnh miền núi lại có sản phẩm yến sào xuất khẩu.
Anh chị ngạc nhiên cũng phải. Ngay cả tôi cũng bất ngờ xen lẫn vui mừng, khi nghe thông tin, tháng 6/2024, Công ty TNHH Yến sào Kon Tum chính thức xuất lô hàng đầu tiên, với các sản phẩm từ tổ yến “made in Kon Tum”, sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch.
|
Khi ấy, tôi tò mò tra cứu về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc thì phải choáng về độ phức tạp, rắc rối. Vì để làm được điều này đòi hỏi phải tuân thủ các quy định pháp lý nghiêm ngặt liên quan đến thủ tục xuất – nhập khẩu và thương mại quốc tế, chất lượng sản phẩm tổ yến, các loại thủ tục và giấy chứng nhận về kiểm dịch động vật, đóng gói và dán nhãn được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp nhận.
Đặc biệt, tháng 10/2024, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Yến sào Kon Tum cho UBND tỉnh Kon Tum.
Và Công ty TNHH Yến sào Kon Tum là doanh nghiệp đầu tiên ở Kon Tum được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Yến sào Kon Tum (tháng 10/2024).
Theo ông Đặng Xuân Hùng, thương hiệu chính là một công cụ định vị chính mình và thu hút sự chú ý một cách tích cực. Một thương hiệu rõ ràng, hấp dẫn và độc đáo là nền tảng để đưa một sản phẩm vươn tầm nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi là bản sắc địa phương.
Đó là một hành trình gian nan, biến từ “không thể” thành “có thể”. Trong hành trình ấy, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của UBND tỉnh, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các sở, ngành chức năng, từ các doanh nghiệp, hộ gia đình nuôi yến trong tỉnh- ông Đặng Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Kon Tum chia sẻ.
Từng dõi theo bước tiến của Công ty TNHH Yến sào Kon Tum từ những ngày đầu, tôi hiểu thế nào là “biến không thành có” mà ông Đặng Xuân Hùng nói.
Nói “không thể” là vì, trước đây, các sản phẩm của tỉnh Kon Tum đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trước đây, đều là sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hoặc đặc hữu (như sâm Ngọc Linh).
Còn với yến sào thì khác, đây là dòng sản phẩm mới, gần như chưa có “tên tuổi” gì. Nhiều năm qua, ở Kon Tum đã có một số người đầu tư nuôi yến, nhưng tất cả đều chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ; chỉ bán tổ yến thô, chứ quan tâm đến đầu tư cho sản phẩm tinh chế, càng không nói đến định hướng bài bản về phát triển cũng như xây dựng thương hiệu.
Suy cho cùng, yến sào chưa bao giờ, và không thể là thế mạnh, là “thương hiệu” của Kon Tum- nhiều người có chung suy nghĩ như vậy.
Vì thế, có thể nói rằng, để được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Yến sào Kon Tum, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành liên quan, thì tầm nhìn, quyết tâm và nỗ lực của ông Đặng Xuân Hùng và bạn đồng hành- ông Đinh Xuân Tâm, là yếu tố rất quan trọng.
|
Khởi nghiệp từ mô hình hộ kinh doanh vào tháng 10/2017, hai ông Đặng Xuân Hùng và Đinh Xuân Tâm nuôi yến từ vốn… vay ngân hàng. 3 năm sau, Công ty TNHH Yến sào Kon Tum được thành lập, và nhanh chóng khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường yến sào, với những giải thưởng danh giá bảo chứng cho giá trị.
Trong đó, năm 2022, Yến sào Kon Tum được vinh danh Thương hiệu Vàng Việt Nam; năm 2023, sản phẩm Yến sào Kon Tum tiếp tục được vinh danh Top 10 Thương hiệu- Nhãn hiệu nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. Nhiều sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP của tỉnh, trong đó có sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao. Doanh nghiệp cũng được UBND tỉnh cấp chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong quá trình hoạt động, Công ty luôn chú trọng đề cao 3 yếu tố: Đổi mới công nghệ, chất lượng vượt trội và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều dòng sản phẩm của Công ty đang được thị trường đón nhận, như tổ yến thô, yến tươi, yến tinh chế, yến chưng Kon Tum, yến chưng Kon Tum (không đường), nước yến sâm Kon Tum, thực phẩm bổ sung: Yến kid’s, Yến đông trùng Kon Tum.
Hệ thống phân phối của Công ty dần có mặt tại các tỉnh, thành phố trong nước, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa. Điều này góp phần mang sản phẩm yến sào Kon Tum đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, cũng là sự khẳng định về thương hiệu địa phương.
Điều rất đáng ghi nhận là ngay từ khi bắt tay vào nuôi yến, ông Đặng Xuân Hùng và đồng sự đã nghĩ ngay đến xây dựng thương hiệu Yến sào Kon Tum. Ban đầu là để người tiêu dùng phố núi tiếp cận được những sản phẩm yến nhà chất lượng và uy tín, sau đó là hướng đến xuất khẩu.
Vì vậy, tháng 4/2019, hai ông Đặng Xuân Hùng và Đinh Xuân Tâm đã quyết định nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Yến sào Kon Tum lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Sau 5 năm, khát vọng ấy đã thành hiện thực!
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tỉnh ta có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản mang giá trị văn hóa, kinh tế. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu là giải pháp góp phần nâng tầm giá trị và sức cạnh tranh cho hàng hóa trên thị trường.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng phát triển để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, tạo tiền đề xây dựng và phát triển thương hiệu. Đây là công cụ đắc lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu, của người tiêu dùng, xa hơn là đưa các thương hiệu sản phẩm của tỉnh Kon Tum đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước- đồng chí Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh.
Rõ ràng là, việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Yến sào Kon Tum không chỉ nâng tầm giá trị sản phẩm, củng cố lòng tin và uy tín với khách hàng, định hình thương hiệu sản phẩm cho địa phương mà còn thúc đẩy ngành nuôi yến phát triển, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế-xã hội.
Những cánh yến mỏng manh nhưng kiên cường đã chắp cánh đưa một thương hiệu mới của Kon Tum bay xa!
Lê Hải