Xử lý nước thải sinh hoạt
Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội phát triển và dân số gia tăng đã kéo theo các bài toán liên quan đến môi trường cần được quan tâm giải quyết, trong đó có nước thải sinh hoạt.
Theo UBND tỉnh, đến nay, hạ tầng đô thị được chú trọng đầu tư và được cải thiện đáng kể, các vùng kinh tế được tập trung nguồn lực đầu tư và thành phố Kon Tum đã được công nhận đô thị loại II.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 đô thị đã được công nhận và phân loại, bao gồm 1 đô thị loại II (thành phố Kon Tum); 1 đô thị loại IV (thị trấn Plei Kần mở rộng thuộc huyện Ngọc Hồi); 6 đô thị loại V (là các thị trấn Đăk Glei, Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Rve, Măng Đen).
Ngoài ra còn có 3 trung tâm huyện đang đầu tư xây dựng để dần đảm bảo các tiêu chí đô thị loại V, gồm khu vực Trung tâm huyện Tu Mơ Rông; khu vực Đăk Ruồng - Tân Lập thuộc huyện Kon Rẫy; khu vực trung tâm huyện Ia H’Drai.
|
Hệ thống đô thị cơ bản đảm bảo chất lượng phù hợp với loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị, đến cuối năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,26%- báo cáo số 206/BC-UBND ngày 30/6 của UBND tỉnh đánh giá.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến môi trường cần được quan tâm giải quyết, trong đó có nước thải sinh hoạt.
Theo báo cáo số 206, toàn bộ nước thải sinh hoạt đi chung với hệ thống thu gom nước mưa, không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường sông, suối trên địa bàn.
Nguyên nhân là đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Tình trạng trên ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan môi trường đô thị, gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất và môi trường không khí.
Theo số liệu từ Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum, hiện đơn vị đang vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Kon Tum với khoảng 44km cống thoát nước ngầm, 74km mương đậy đan, 78km mương đất. Hệ thống thoát nước dọc các tuyến đường gồm nhiều loại mương, cống với kết cấu và kích thước khác nhau như: cống tròn, cống bản BTCT ngang đường, mương xây đá chẻ đậy đan BTCT, mương xây đá chẻ hở (không đậy đan), mương đất.
Điều trăn trở là hệ thống thoát nước ở thành phố Kon Tum đang là hệ thống chung cho cả nước mưa và nước thải các loại. Hầu hết được xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, chắp vá.
Có tuyến đường được đầu tư cống tròn, nhưng có những tuyến đường lại xây dựng cống hộp, cũng còn không ít tuyến đường sử dụng mương hở thoát nước lộ thiên. Nhiều tuyến cống có độ dốc kém, bùn cặn lắng nhiều hoặc không đủ tiết diện thoát nước hay bị phá hỏng.
Bên cạnh đó, những hạn chế trong ý thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ, sử dụng hệ thống thoát nước đô thị cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Thực tế cho thấy, ở nhiều tuyến đường, người dân tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè, thậm chí ngay dưới lòng đường, mỗi khi mưa xuống, cuốn trôi cát sỏi, gây bồi lấp cống ngầm, mương thoát.
Tình trạng vứt rác bừa bãi trên đường vẫn còn phổ biến, khi có mưa, nước mưa cuốn trôi rác lấp kín các điểm thu nước hoặc lưới chắn rác, nước không thoát được, gây ngập úng.
Trong khi đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thoát nước và xử lý nước thải không sở hữu công trình thoát nước và xử lý nước thải mà hàng năm chỉ tiến hành nạo vét, khơi thông hệ thống.
Những vấn đề đó đem lại áp lực lớn về môi trường ở các đô thị!
|
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới cần có phương án thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; đặc biệt là cơ chế đầu tư theo phương phức đối tác công tư để huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.
Theo đó, tỉnh cần ban hành lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Trong quá trình này, cần chú ý lựa chọn xây dựng hệ thống xử lý phân tán hay tập trung theo điều kiện của địa phương; lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp. Hướng tới đảm bảo thực hiện đấu nối hộ gia đình trong quá trình phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
Các địa phương cần nghiên cứu lộ trình và chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận (trong trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư đã hình thành trước đây).
Ngoài ra, sớm ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sớm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xả chất thải trực tiếp ra sông; kiên quyết không cấp phép cho các dự án có xả nước thải ra môi trường mà nước thải không đạt tiêu chuẩn ở mức cao nhất và sẵn sàng đề nghị xử lý nghiêm.
Về lâu dài, UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung theo quy hoạch; từ đó thực hiện việc tách nước thải và nước mưa để xử lý tập trung, giảm thiểu ô nhiễm.
Thành Hưng