“Vua sâm” giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Không chỉ tiên phong bảo tồn gien và gìn giữ phát triển dược liệu quý “Quốc bảo”sâm Ngọc Linh, “vua sâm”A Sỹ còn là người tiên phong giúp bà con Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
|
Tôi với A Sỹ (53 tuổi, trú tại xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) quen biết nhau đã hơn 20 năm. Thế nhưng để có được thời gian ngồi tâm sự, chuyện trò với anh thật khó. Bởi anh là người của công việc, của sự lao động không biết mệt mỏi. Thời gian với anh là “quý hơn vàng”. Thời còn công tác ở xã, ngoài giờ làm việc của một cán bộ công chức, anh lại trở về với rừng, ăn ngủ trên rừng để gìn giữ và phát triển sâm Ngọc Linh.
Lo sợ sâm Ngọc Linh tuyệt chủng, A Sỹ lặn lội tìm kiếm sâm tự nhiên trong rừng về trồng để bảo tồn nguồn gien gốc, từ đó gìn giữ và phát triển, giúp loại dược liệu quý này không bị tuyệt chủng. Không chỉ vậy, anh còn là người tiên phong trong việc “dám nghĩ, dám làm” và giúp đỡ hàng trăm hộ dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát triển vườn sâm gia đình, giúp bà con Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông vươn lên thoát nghèo bền vững. Là một trong những người đầu tiên trồng sâm Ngọc Linh, thu nhập tiền tỷ mỗi năm ở huyện Tu Mơ Rông, anh A Sỹ được bà con Xơ Đăng ở địa phương gọi trìu mến, thân thương “vua sâm”. Trong mắt người dân nơi đây, A Sỹ luôn là một điển hình trong cần cù lao động, tìm tòi cách làm ăn mới và biết chia sẻ khi giúp cộng đồng xây dựng vườn sâm quý, cải thiện thu nhập.
Sau nhiều lần hẹn, tôi mới có cuộc gặp, trò chuyện với “vua sâm” A Sỹ vào cuối tháng 3 vừa qua bởi anh quá bận. Vượt gần 100km trên quãng đường ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến nhà A Sỹ ở thôn Đăk Viên (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông). Tại đây, chúng tôi bắt gặp A Sỹ đang chuẩn bị lên rừng để hướng dẫn người dân trồng sâm. Ngỏ ý muốn đi cùng, A Sỹ liền đồng ý và nói chúng tôi lên xe và đích thân anh chở chúng tôi lên vườn sâm của anh.
Trên chiếc xe bán tải băng rừng, vượt qua từng con dốc ngoằn ngoèo, dựng đứng bên vực, bên núi, A Sỹ vừa lái xe vừa chia sẻ: Núi Ngọc Linh được thiên nhiên ban tặng bảo vật quý là sâm Ngọc Linh và người Xơ Đăng ở đây vẫn thường gọi là “thuốc giấu”. Tuy nhiên, hơn 24 năm về trước, đồng bào nơi đây chưa nhận ra giá trị sâm Ngọc Linh. Hàng ngày, họ vào rừng tìm và khai thác tràn lan sâm về bán rẻ hoặc đổi lấy gạo, thức ăn, áo quần, cá khô. Vì thế, sâm Ngọc Linh tự nhiên cứ ngày càng bị cạn dần. Lo sợ sâm quý bị tuyệt chủng, tôi cùng một số người khác lên kế hoạch bảo tồn và gìn giữ giống sâm quý này. Trong đó, tôi đảm nhận nhiệm vụ xuống làng thu mua sâm của dân và mang gạo, cơm lên rừng ăn ngủ để tìm kiếm sâm tự nhiên. Sâm gom được, tôi ủ dưới gầm giường, chờ đủ số lượng sẽ gùi lên rừng trồng, nhân giống.
Theo anh A Sỹ, lúc lên rừng trồng sâm, bà con trong làng can ngăn, khuyên không nên vì không quản lý được sâm trên rừng, sẽ thất bại. Thậm chí, nhiều người dân còn không tin và nói anh “dở người”. Nhưng bỏ qua tất cả, A Sỹ vẫn kiên trì và quyết tâm trồng, bảo tồn với hy vọng giữ được giống sâm quý cho mai sau, cũng như để bà con Xơ Đăng có điều kiện phát triển sâm, thoát nghèo. “Mình nói bà con không tin nhưng chỉ còn cách mình làm cho bà con thấy, tự khắc sẽ học theo”- A Sỹ chia sẻ.
Cũng theo A Sỹ, mới đầu lên rừng trồng sâm, A Sỹ gặp rất nhiều khó khăn. Đường sá hiểm trở khó khăn, phải đi bộ băng rừng, vượt suối rất vất vả và đối diện với hiểm nguy từ thú dữ. Cái khó nữa là chưa có kinh nghiệm trồng, sâm dễ bị thối gốc. Để khắc phục, A Sỹ ở trên rừng, dành nhiều thời gian nghiên cứu môi trường sống của sâm để rút kinh nghiệm. Gần 12 năm miệt mài “ăn ngủ cùng sâm” nơi rừng sâu núi thẳm, anh đã gầy dựng được vườn sâm quý hàng chục hecta. Khi biết anh trồng, bảo tồn thành công được sâm quý, có giá trị kinh tế cao, người dân địa phương đã xin tham gia dự án trồng sâm với anh.
|
Để giúp người dân, anh liên kết với doanh nghiệp trồng sâm tạo điều kiện cho bà con Xơ Đăng trong vùng tham gia trồng sâm. Để thuận lợi trong công tác quản lý, anh đã thành lập, quản lý 13 tổ liên kết trồng sâm với sự tham gia của khoảng 260 hộ dân người Xơ Đăng trên địa bàn. Người dân tham gia tổ liên kết trồng sâm sẽ được chuyển giao kỹ thuật, được trả lương, được tặng sâm giống. Khi có giống sâm, anh A Sỹ trực tiếp hướng dẫn bà con Xơ Đăng về kỹ thuật trồng, cách bảo vệ và chăm sóc, xây dựng vườn sâm riêng.
“Sau hàng chục năm trồng, hiện tôi phát triển được khoảng 300.000 cây, tương đương 30ha sâm Ngọc Linh. Điều khiến tôi vui, hạnh phúc hơn là từ việc làm, sự thành công trong việc trồng sâm của mình, bà con Xơ Đăng đã nhận thấy, đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, chuyển sang trồng sâm quý để phát triển kinh tế gia đình. Vườn sâm là cơ hội để họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tôi sẽ tiếp tục giúp người dân xây dựng, mở rộng vườn sâm”- anh A Sỹ chia sẻ.
Dưới sự giúp đỡ của A Sỹ, hàng trăm hộ dân người Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây đã có cơ hội phát triển vườn sâm quý. Nhiều người đã tự xây dựng được vườn sâm gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Một trong số đó là hộ anh A Hem (thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng). Anh A Hem cho biết, bản thân trồng sâm cách đây khoảng 12 năm, hiện đã phát triển được vườn sâm khoảng 800 cây.
Anh A Hem chia sẻ: Trước khi chưa trồng sâm, tôi chỉ trồng mì, làm lúa, thu nhập không cao, nên mãi không thoát khỏi hộ nghèo. Thấy người khác phát triển được vườn sâm, tôi cũng muốn trồng nhưng không có điều kiện để mua giống, nhiều lúc chỉ biết ao ước có vườn sâm. Ao ước thành hiện thực khi chính anh A Sỹ đã trực tiếp nhận tôi vào tổ liên kết trồng sâm, trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, từ đó giúp tôi có điều kiện phát triển được vườn sâm gia đình. Nhờ vườn sâm này tôi có thu nhập, vươn lên thoát nghèo, mua được xe, xây nhà cửa kiên cố, khang trang. “Nếu không có anh Sỹ giúp đỡ và tạo điều kiện, mơ ước có vườn sâm riêng của gia đình chắc chỉ mãi là ước mơ”- A Hem bày tỏ sự biết ơn với A Sỹ.
Tương tự, anh A Đức (thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) đã trồng sâm 8 năm nay, hiện sở hữu 700 cây sâm Ngọc Linh. “Tôi có được vườn sâm này là nhờ anh A Sỹ giúp đỡ. Anh A Sỹ giúp tôi tham gia tổ liên kết trồng sâm, từ đó có tiền, cây giống gây dựng vườn sâm cho mình. Đặc biệt, A Sỹ còn tận tay hướng dẫn cách trồng, bảo vệ và mở rộng, phát triển vườn sâm. Bây giờ, vườn sâm của đình tôi đang sinh trưởng và phát triển rất tốt. Gia đình đã thoát nghèo, xây nhà, cuộc sống ổn định hơn trước nhiều”- anh A Đức tâm sự.
Theo anh A Sỹ, thời gian tới, ông sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con Xơ Đăng phát triển vườn sâm gia đình, trong đó, dự định sẽ hướng đến xây dựng mô hình du lịch “cây sâm nhà tôi”. “Với mô hình này, tôi sẽ phối hợp với bà con Xơ Đăng xây dựng vườn sâm để phục vụ khách tham quan du lịch, trải nghiệm vườn sâm. Từ đó, người dân trồng sâm sẽ hưởng lợi thông qua phục vụ khách và bán sâm tại vườn. Việc này sẽ giúp người dân trồng sâm tăng nguồn thu, nâng cao đời sống”- anh A Sỹ nói.
Không chỉ tiên phong trong việc giúp dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, gìn giữ và phát triển sâm Ngọc Linh, A Sỹ còn là người tiên phong trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng. Bởi, cây sâm gắn liền với rừng, không có rừng thì sẽ không có sâm. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động bà con Xơ Đăng bảo vệ rừng, anh còn tiên phong, tự bỏ tiền trồng 50.000 cây thông quanh vùng đệm nhằm bảo vệ môi trường sống cho sâm. Từ sự tiên phong này đã tạo sức lan tỏa mạnh trong người dân. Do đó, đến nay, hàng chục hộ gia đình trên địa bàn xã Măng Ri, Tê Xăng có điều kiện đã học tập từ anh, bỏ tiền mua cây thông về trồng ở vùng đệm, xung quanh các vườn sâm vừa để cải thiện, bảo vệ môi trường, vừa tạo điều kiện cho cây sâm sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trong 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa nghèo cho gần 2.000 hộ. Trong đó, người có công đóng góp cho việc bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh là A Sỹ. Ông tham gia tìm kiếm, bảo tồn sâm Ngọc Linh, là người thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc Xơ Đăng, giúp dân phá bỏ thế độc canh cây lúa, mì sang trồng sâm giá trị cao.
“Người dân vùng sâm Ngọc Linh rất yêu quý và biết ơn A Sỹ khi giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế. Địa phương cũng ghi nhận sự đóng góp to lớn của ông đối với cộng đồng người Xơ Đăng trên địa bàn”- ông Mạnh cho hay.
Phúc Nguyên