Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi - Hướng đi nhiều triển vọng
Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng góp phần vào việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng được xem là khâu then chốt, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi mà còn từng bước thay đổi nhận thức, cách làm mới cho người dân.
Sau hơn 3 năm triển khai Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh, riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, phương thức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao có xu hướng tăng cả về số lượng và quy mô.
Chăn nuôi bò là một trong những thế mạnh của tỉnh ta. Tuy nhiên, trong thực tế đàn bò mà người dân trên địa bàn đang chăn nuôi phần lớn là giống bò cỏ, tầm vóc nhỏ, năng suất thấp, giá thành không cao nên hiệu quả kinh tế mang lại cho hộ chăn nuôi chưa cao. Vì vậy, để từng bước cải thiện đàn bò giống, tăng quy mô đàn bò lai, từ năm 2016 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai và tăng cường áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đến nay, toàn tỉnh có 2.500 bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo và đã cho ra đời hơn 1.600 bê con lai. Đàn bê sinh ra đều khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, có tầm vóc và sức đề kháng cao, giúp bà con nông dân đạt lợi nhuận cao trong chăn nuôi; đồng thời góp phần cải tạo cơ cấu giống, tăng năng suất và chất lượng đàn bò của tỉnh.
|
Cùng với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc cải tạo chất lượng đàn bò, tận dụng lợi thế về nguồn thức ăn chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp, chi phí chuồng trại và thú y phòng trị bệnh không lớn, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng, chăn nuôi bò đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho nông dân.
Cùng với chăn nuôi bò, những năm qua, phương thức chăn nuôi lợn đang dần có sự dịch chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình truyền thống sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn. Các mô hình trang trại áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chuồng nuôi khép kín, có hệ thống làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, xử lý chất thải… đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 14 trang trại có quy mô trên 1.000 con/trang trại, trong đó, huyện Ngọc Hồi có 8 trang trại, thành phố Kon Tum có 4 trang trại, huyện Đăk Hà có 1 trang trại và huyện Kon Rẫy có 1 trang trại.
Thực tế chứng minh, việc áp dụng phương thức chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học là giải pháp đưa các trang trại chăn nuôi lợn vượt qua những tác động, khó khăn trong thời gian dịch tả lợn Châu Phi hoành hành trên toàn tỉnh. Trong tiến trình tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi, mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn đang được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích, vận động người dân xây dựng; từng bước hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, rủi ro cao…
Trong chăn nuôi gia cầm, hiện toàn tỉnh cũng có 19 trang trại với tổng đàn trên 190.000 con được nuôi theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ như chuồng nuôi khép kín, có hệ thống điều hòa không khí, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn.
Cùng với đàn vật nuôi truyền thống, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 1 trang trại chăn nuôi dê công nghệ cao. Đó là trang trại dê sữa Măng Đen của Công ty cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen tại huyện Kon Plông với quy mô gần 8.000 con, chiếm khoảng 50% tổng đàn dê của toàn tỉnh. Trang trại được nuôi theo mô hình khép kín, có hệ thống làm mát, thông gió, xử lý chất thải, hệ thống dây chuyền thức ăn, nước uống. Trang trại cũng mới đầu tư thêm các thiết bị vắt sữa hiện đại, khép kín, công nghệ của Đức…
Trong phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, việc xây dựng các chuỗi liên kết là một trong những yêu cầu quan trọng. Bước đầu trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Điển hình như Trang trại dê sữa Măng Đen đã triển khai liên kết với một số hộ dân đồng bào DTTS ở trên địa bàn Kon Plông và Kon Rẫy xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp thức ăn cho đàn dê. 11 trang trại chăn nuôi lợn và 2 trang trại chăn nuôi gia cầm cũng đang xây dựng được chuỗi liên kết với một số công ty lớn như Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Green Feed…Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư về con giống, thức ăn, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ còn người dân đầu tư chuồng trại, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Đây được coi là chuỗi liên kết bền vững thúc đẩy phát triển nghề chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi là hướng đi đầy triển vọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Chăn nuôi theo hướng công nghệ cao còn góp phần quan trong trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và cung ứng cho thị trường sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Thiên Hương