• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
ĐỘNG LỰC MỚI CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ    Quảng Ngãi - Kon Tum làm việc định kỳ lần 2 về việc sáp nhập tỉnh    Quyết liệt triển khai nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát    6 nhiệm vụ trọng tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025    Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong tuần thứ nhất của Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV   

Kinh tế

Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước - “Cái khó” có bó được “cái khôn”?

20/05/2020 13:04

Thời tiết diễn biến cực đoan, hạn hán ngày càng khốc liệt đang gia tăng áp lực lên sản xuất nông nghiệp. Đã đến lúc các cấp, các ngành và chính bà con nông dân cần xem việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là một trong những giải pháp căn cơ để giải bài toán thiếu nước, nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa khô hạn.

Lãng phí nước trong… khô hạn

Nắng như đổ lửa xuống vùng đồi. Những vườn cà phê khô khốc, lá xoăn lại, hoa nghẹn nơi đầu cành. Sông hồ cạn kiệt. Trong lòng mỗi người đều như có lửa đốt khi nhìn những vạt cà phê của mình khô cháy. 

Nên không thể diễn tả hết sự hưng phấn của bà con nông dân khi nhìn thấy dòng nước trong văn vắt chảy về kênh dẫn cuối thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà. Sau phút giây vui mừng, anh Lê Văn Hoan cùng hàng chục nông dân hối hả kéo máy, thả ống. Hàng chục đầu bơm thả xuống kênh, thoáng chốc đường ống chạy như mạng nhện, tiếng máy nổ giòn giã reo vui khắp nơi.

Kéo đầu ống thả xuống gốc cà phê, anh Lê Văn Hoan xoa tay hài lòng nhìn dòng nước trắng xóa ào ạt phun ra từ đường ống. Nhưng tôi lại thấy có gì đó không ổn. Không chỉ những bồn gốc cà phê được tưới đẫm, mà nước còn chảy tràn trên mặt đất, cả khu vườn như mặt ao nhão bùn.

"Dường như nước đang được sử dụng một cách lãng phí ngay trong những ngày hạn hán khốc liệt nhất" - tôi phàn nàn. Anh Hoan im lặng khá lâu, rồi mới chậm rãi nói: "Chúng tôi biết. Nhưng muốn thay đổi cũng khó…". Câu nói bỏ lửng của anh làm tôi trăn trở mãi.

Theo khuyến cáo của Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), lượng nước tưới hợp lý, đủ để cây cà phê sinh trưởng và phát triển bình thường ở vào khoảng 400 - 520 lít/cây/lần tưới. Tuy nhiên, cũng theo kết quả khảo sát mới nhất của WASI, ở khu vực Tây Nguyên, có trên 50% số hộ tưới trên 520 lít/cây/lần, và có tới 23,2% số hộ sản xuất cà phê tưới 600 - 950 lít/lần.

Như vậy, nếu cho rằng tưới trên 520 lít/cây là thừa nước so với khuyến cáo thì có trên 73% số hộ nông dân Tây Nguyên tưới thừa nước cho cây cà phê.  Do vậy đã gây nên tình trạng lãng phí nguồn nước lên đến hàng trăm triệu m3 nước mỗi mùa khô chỉ riêng với cây cà phê - báo cáo của WASI nêu rõ.

Tưới tiết kiệm đang dần được áp dụng ở vùng chuyên canh cà phê Đăk Hà. Ảnh: HL

 

Những gì tôi được chứng kiến ở Đăk Hà - vùng chuyên canh cà phê lớn nhất tỉnh - cũng cho thấy, diện tích cà phê bị thiếu nước tưới ngày càng nhiều, nhưng bà con nông dân vẫn luôn tưới thừa lượng nước cần thiết.

Một phần vì tâm lý của bà con là đang mùa khô hạn, khi có nước thì tưới nhiều một chút cho… chắc ăn, phần khác là vì đa số bà con vẫn áp dụng phương pháp tưới truyền thống là tưới gốc, tưới tràn, rất khó kiểm soát lượng nước.

Tín hiệu vui cho tưới tiết kiệm

Điều đáng mừng là, thực hiện Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm cho cây trồng phục vụ cơ cấu ngành thủy lợi (ban hành ngày 19/5/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỉnh Kon Tum đã có những nỗ lực nhất định, đem lại kết quả đáng ghi nhận.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 5/2020, toàn tỉnh có 6.451 ha cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, chủ yếu là cà phê (5.825,91 ha), chanh dây (180,2 ha), rau, đậu các loại (191,43 ha), với hình thức tưới phun mưa (dạng béc) và tưới nhỏ giọt áp dụng công nghệ Israel.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động áp dụng công nghệ tiên tiến để tưới cho các loại cây trồng, như Công ty TNHH MTV cà phê 704 (151ha); Công ty TNHH MTV Cà phê 731(297,8 ha); Công ty Cà phê Đăk Uy (270 ha); Hợp tác xã Pôkô Farms (7,2 ha cà phê); Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung (32,7 ha cà phê)...

Việc tưới tiết kiệm đã đem lại hiệu quả khá cao trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể, như tăng năng suất cây trồng khoảng 10-30%; giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc khoảng 50-70%; lượng nước tiết kiệm so với tưới truyền thống khoảng 30-50% (tùy từng biện pháp tưới); tăng giá trị sản xuất nông nghiệp/ha khoảng 10-50%.

Một tín hiệu vui nữa là hiện nay, nhiều hộ gia đình nông dân đang có xu hướng áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm thay cho phương pháp tưới truyền thống. Điều đó cho thấy nhận thức của bà con về sử dụng nước tiết kiệm bước đầu đã có sự thay đổi.

Cũng giống như một số gia đình khác, năm nay, anh Nguyễn Trung Tiến (tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) quyết định đầu tư hệ thống béc phun tự động để tưới cà phê chứ không tưới tràn như năm ngoái.

Tưới nước bằng béc phun có thể tiết kiệm tới 30% lượng nước, giảm 40% lượng điện tiêu thụ so với tưới tràn; giúp đất bề mặt trong bồn gốc cà phê luôn tơi xốp, thoáng khí cho rễ, giúp cây hấp thụ phân bón nhanh hơn - anh Tiến đánh giá.

Nhưng để những tín hiệu vui ấy trở thành một sự thay đổi mang tính toàn diện, phía trước là cả một hành trình dài.

Không để “cái khó bó cái khôn”

Có thể khẳng định, việc áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm bước đầu đã mang lại hiệu quả, có nhiều ưu điểm nổi trội so với tưới truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế so với tiềm năng.

Nguyên nhân là do thiếu quy hoạch gắn với phát triển tưới tiết kiệm nước; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân, tổ chức kinh tế- xã hội để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm chưa hoàn thiện, đồng bộ, chưa tạo động lực; kiến thức của người dân về khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; việc tổ chức thực hiện ở địa phương còn thụ động, chưa triển khai áp dụng được các chính sách hỗ trợ.

Để ứng dụng rộng rãi công nghệ tưới tiết kiệm nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân về nguồn vốn. Ảnh: HL 

 

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là chi phí đầu tư cao. Theo giá thị trường hiện nay, để áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo phương pháp phun mưa tận gốc phải mất gần 100 triệu đồng/ha; tưới bằng béc phun thì chi phí cũng cao hơn nhiều so với tưới truyền thống (tưới tràn, tưới gốc).

Vì vậy, dù biết rằng tưới tiết kiệm đem lại nhiều lợi ích nhưng “cái khó bó cái khôn”, không nhiều người dân dám đầu tư, nhất là khi cà phê cho thu hoạch bấp bênh - anh Nguyễn Trung Tiến cho hay.

Nhiều người cho rằng, để “cái khó” không “bó” được “cái khôn”, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nhằm nâng cao nhận thức của người dân để tích cực tham gia áp dụng mô hình, góp phần nâng cao năng suất cây trồng và tăng thu nhập…

Đặc biệt, tỉnh cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Theo ông Nguyễn Tri Sáu - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung cho rằng, đây là "nút thắt" mang tính quyết định.

Là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Đăk Hà mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tận gốc từ 3 năm trước, bình quân mỗi năm, Hợp tác xã Sáu Nhung có thể tiết kiệm được hơn 30% về lượng nước tưới, chi phí phân bón, nhân công. Nhưng để thực hiện được mô hình này, Hợp tác xã cũng phải có sự hỗ trợ tới 50% chi phí đầu tư từ dự án VnSAT.

"Bà con đều hiểu được tính ưu việt của tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, nhưng hiểu là một chuyện, áp dụng lại là chuyện khác, đòi hỏi phải có vốn"- ông Nguyễn Trí Sáu phân tích.

Và bây giờ tôi mới hiểu hết câu nói bỏ lửng của anh Lê Văn Hoan. Rõ ràng người dân cần một "cú hích" để thay đổi cách làm ăn cũ, để đến mùa tưới, những rẫy cà phê không còn cảnh nước chảy tràn khắp nơi, như mặt ao nhão bùn.

Hồng Lam

   

Các tin khác

  • Hoàn thành đầu tư xây dựng kè chống sạt lở Đăk Snghé
  • Nâng cao giá trị trái cây qua chế biến
  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong thanh niên người DTTS
  • Thu nhập cao nhờ mô hình nuôi côn trùng
  • Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Gia Lai – Kon Tum thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước
  • Sở Nông nghiệp và Môi trường: Đưa công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp
  • Đẩy mạnh cải tạo vườn tạp
  • Đổi thay kết cấu hạ tầng
  • Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2025
  • Công bố tình huống khẩn cấp do thiên tai công trình Trạm cắt 220kV Bờ Y, huyện Ngọc Hồi
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • ĐỘNG LỰC MỚI CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ
  • Bảo đảm mỗi xã, phường mới sau sắp xếp có ít nhất 1 trạm y tế
  • Quảng Ngãi - Kon Tum làm việc định kỳ lần 2 về việc sáp nhập tỉnh
  • Góp sức giữ gìn an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết
  • Chung sức bảo vệ đường biên, cột mốc
  • Có thể xem xét, bố trí nhân sự là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh làm bí thư cấp ủy cấp xã
  • Hoàn thành đầu tư xây dựng kè chống sạt lở Đăk Snghé
  • Quyết liệt triển khai nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ

Đất & Người Kon Tum

  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông A Khunh (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông vẫn miệt mài đan lát, rèn dao, làm nỏ, gìn giữ những nghề truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo và tấm lòng son sắt, ông không chỉ lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mà còn âm thầm truyền “lửa” cho thế hệ trẻ.
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by