“Tối hậu thư” cho giải ngân vốn đầu tư công
Với quyết tâm và nỗ lực khắc phục căn bệnh “có tiền mà không tiêu được” trong đầu tư công, UBND tỉnh đã có “tối hậu thư” nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công luôn được quan tâm trong những năm gần đây. Phần vì vai trò đặc biệt quan trọng của đầu tư công- vừa là nguồn lực, vừa là động lực dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; phần vì giải ngân vốn đầu tư công luôn không đúng tiến độ, không đạt kế hoạch.
Theo UBND tỉnh, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn có sự chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, nhìn chung kết quả giải ngân vốn đầu tư công tiến triển khả quan.
Trong đó, tỷ lệ giải ngân của tỉnh năm 2022 đạt khoảng 92% kế hoạch vốn Trung ương giao, nằm trong các địa phương có tỷ lệ giải ngân khá cao trong cả nước.
Năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước được Trung ương giao cho tỉnh là hơn 3.587,15 tỷ đồng. Tỉnh đã giao kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là hơn 4.712,6 tỷ đồng; phân bổ hơn 4.176,85 tỷ đồng.
|
Nhìn chung việc phân bổ kế hoạch được thực hiện kịp thời, các chủ đầu tư đã chủ động triển khai thực hiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, đảm bảo giải ngân kế hoạch ngay từ những ngày đầu năm.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 479,39 tỷ đồng, đạt khoảng 15,16% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương đã giao và đạt khoảng 13,36% so với kế hoạch vốn Trung ương giao.
Rõ ràng là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 15,16% (so với thực nguồn) này vẫn chưa đạt như kỳ vọng đề ra, ảnh hưởng đến chất lượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Theo lý giải của cơ quan chức năng, nguyên nhân là bởi một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, thương thảo hợp đồng; trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật.
Ngoài ra, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại; nhà thầu thi công theo kiểu "cầm chừng" để chờ giảm giá, tránh lỗ tác động không nhỏ đến thực hiện vốn đầu tư.
Theo nhiều chủ đầu tư, nguyên tắc giải ngân dự án đầu tư công là phải có khối lượng thực hiện nhưng khâu này lại là một chuỗi liên hoàn phức tạp. Hiểu theo cách đơn giản, giải ngân vốn đầu tư công giống như thanh toán việc xây dựng một căn nhà, phụ thuộc vào tiến độ từng hạng mục, hoàn thành hạng mục nào, thanh toán hạng mục đó, thậm chí xây xong nhà mới thanh toán.
Trong chuỗi liên hoàn này, giải phóng mặt bằng và khâu tư vấn lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, khâu lập kế hoạch đầu tư cho dự án là hai bước thường bị mất nhiều thời gian nhất. Chỉ cần “tắc” ở bất cứ khâu nào là toàn bộ dự án sẽ bị ách lại, kéo theo cả quá trình giải ngân bị đình trệ.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì ngoài lý do khách quan kể trên thì nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ yếu tố con người. Ví dụ việc triển khai công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư của các sở, ngành, UBND các địa phương và các chủ đầu tư còn chậm.
|
Một số chủ đầu tư, địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Vì vậy, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo kế hoạch, bên cạnh những giải pháp đang triển khai, như đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, kiên quyết cắt giảm thủ tục không cần thiết; tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, UBND tỉnh cần đổi mới hoạt động giám sát gắn với trách nhiệm các bên trong giải ngân vốn đầu tư công.
Một trong những điều hết sức quan trọng là giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Với nỗ lực khắc phục căn bệnh "có tiền mà không tiêu được" trong đầu tư công, UBND tỉnh đã có “tối hậu thư” nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngân sách.
Theo đó, tại văn bản số 1321/UBND-KTTH ngày 9/5, UBND tỉnh yêu cầu xử lý trách nhiệm hoặc tham mưu cấp thẩm quyền xử lý trách nhiệm các đơn vị, nhà thầu vi phạm tiến độ thi công, chậm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến 4 dự án có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2022 thấp dưới 50% (dự án Đối ứng dự án hồ chứa nước Đăk Pokei giai đoạn 1; dự án Nâng cấp Bệnh viện Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh lên 165 giường; dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng các xã vùng ATK; dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới - tiểu dự án tỉnh Kon Tum).
Đối với kế hoạch vốn đầu tư năm 2023, các đơn vị, địa phương và các chủ đầu tư không được để xảy ra các trường hợp giải ngân chậm tương tự như năm 2022. Có hình thức kỷ luật nghiêm đối với chủ đầu tư để mất vốn của dự án.
Với “tối hậu thư” này, một lần nữa cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền tỉnh thực hiện hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công, tránh nghịch lý "có tiền không tiêu được".
Hồng Lam