“Tiếng rừng”
Bị thu hút bởi sản phẩm trà thảo mộc - trà giấc ngủ với những hộp trà bằng giấy mộc mạc, trang nhã và những hình ảnh từ “tiếng rừng” với cách mà ông Nguyễn Văn Sử (thường gọi Trang Sử) giới thiệu qua những hình ảnh sinh động từ rừng qua các video ngắn khiến tôi như bị mê hoặc và đã lên với “tiếng rừng”, lắng nghe “tiếng rừng”.
Từ tấm lòng đến việc làm ý nghĩa
Uống một ngụm trà giấc ngủ thơm mùi thuốc, có vị thanh ngọt từ những cây thuốc do ông Trang Sử và những người Xơ Đăng trồng trên núi tại hội chợ ở thành phố Kon Tum, tôi mua một gói trà và hẹn đến thăm cơ sở của ông trên núi.
Đến ngày gặp, tôi cùng Trang Sử đến cơ sở chế biến ở xã Văn Lem, huyện Đăk Tô. Cùng đi hôm đó, còn có chị Bạch Lê Chi từ Hà Nội vào – chị thổ lộ: “Bởi mê “tiếng rừng” từ mấy năm nay, năm nào tôi cũng đến Kon Tum, riêng năm nay đến 4 lần. Lên với “tiếng rừng”, tôi như được trở về với thiên nhiên và cảm thấy mình khỏe ra, yêu đời hơn. Mê “tiếng rừng”, tôi tự nguyện bán sản phẩm không lấy lời, quảng bá, giới thiệu sản phẩm với bạn bè, người thân tiêu thụ trà giấc ngủ”.
Ngồi bên Trang Sử, chúng tôi tỉ tê với nhau. “Bố mình người Hà Tây (nay là Hà Nội) lấy mẹ người Quảng Ngãi. Sau giải phóng (năm 1975), mình theo gia đình lên Kon Đào lập nghiệp. Thuở nhỏ kinh tế gia đình khó khăn, bị suy nhược cơ thể, thể trạng ốm yếu, thấy từ lót Trang giống tên con gái nên đổi tên thành Nguyễn Văn Sử. Tuy nhiên, khi trưởng thành, mình nhận ra cái tên cũ có nhiều ý nghĩa, hợp với tính cách nên thường dùng tên Trang Sử khi xưng hô với bè bạn. Sản phẩm OCOP trà giấc ngủ mình vẫn dùng tên Trang Sử và lấy đó làm câu chuyện cho sản phẩm”- Trang Sử trải lòng.
|
Theo Trang Sử, trong những lần lên rẫy với những người bạn Xơ Đăng, nhìn rẫy bạc màu và hiểu ra đời sống của bạn khó khăn mà xót xa. Để góp phần giúp bạn giảm bớt khó khăn, Trang Sử cùng những người bạn Xơ Đăng thành lập Hợp tác xã Trồng rừng hôm nay để trồng rừng và thảo dược dưới tán rừng. Hợp tác xã do ông làm Giám đốc và 8 thành viên là người Xơ Đăng.
Buổi đầu thành lập, kinh phí tiết kiệm đầu tư cho trồng rừng của gia đình không đáp ứng, Trang Sử bày tỏ nguyện vọng với nhóm bạn tri kỷ người Kinh và được các bạn tương trợ nên giải quyết phần nào khó khăn về tài chính để tiếp tục đầu tư trồng rừng và thảo dược.
Gỡ “nút thắt” về tài chính, cùng với việc chính quyền địa phương hỗ trợ 8.000 cây bạch đàn cự vỹ trồng rừng theo Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đồng thời qua những hình ảnh từ rừng trồng lên xanh, qua việc bày tỏ thành ý trên Facebook, Zalo, Trang Sử kết bạn với những nhóm, thành viên và các “mạnh thường quân” yêu rừng, yêu thiên nhiên để hỗ trợ thêm cây giống, bò giống, tiền công lao động cho các thành viên trồng rừng. Trong quá trình thực hiện, ông luôn minh bạch trong các khoản chi tiêu nên được các nhóm, thành viên và các “mạnh thường quân” tin tưởng.
Xem hình ảnh do Trang Sử cung cấp cùng hiện trường, tôi thấy đúng như thực tế. Từ những đồi núi bạc màu với cỏ tranh, lau sậy cằn cỗi ngày nào, nay là rừng thông, keo lá tràm, bạch đàn, xoan đào, sao xanh lên xanh mơn mởn, vi vu trong nắng gió.
Dưới tán rừng hoặc xen với cây rừng mới trồng, Hợp tác xã trồng các loại cây thảo dược như lạc tiên, đinh lăng, khổ qua rừng, tam thất, dâu tằm, nghệ, nhìn mà mê. Lại có cả tiếng nước chảy róc rách trong rừng trồng, tiếng chim hót líu lo như mời như gọi. “Tiếng rừng đó!”- Trang Sử hóm hỉnh.
Để ý, tôi thấy trong rừng còn có trại bò và đàn bò gặm cỏ. Ông A Gung ở thôn Đăk Xanh (xã Văn Lem), thành viên Hợp tác xã bộc bạch: Bò do các nhà hảo tâm, các “mạnh thường quân” hỗ trợ sinh kế cho các hộ thành viên thông qua Hợp tác xã. Các thành viên tự cử người chăn bò và tham gia bảo vệ rừng. Từ 8 con bò cái hỗ trợ ban đầu, nay lên 15 con. Bò con sinh ra và nuôi lớn trên núi của gia đình nào thì gia đình đó bán lấy tiền (nếu muốn) để chi tiêu khi có việc cần thiết.
“Mình chăn bò, tham gia trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng, Hợp tác xã đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, không tính các khoản chi phí ăn uống do Hợp tác xã hỗ trợ”- A Gung thật lòng.
Thông qua hoạt động của Hợp tác xã và từ những việc làm thiện nguyện vì cộng đồng, Trang Sử còn kết nối với doanh nghiệp, “mạnh thường quân” hỗ trợ “sữa học đường” Nuti cho các cháu ở 20 cụm trường mầm non trên địa bàn huyện Đăk Tô trị giá 1 tỷ đồng/năm để giúp các cháu có đủ dinh dưỡng phát triển thể chất và tinh thần.
Chung tay phát triển rừng và tạo việc làm cho người dân
Từ việc nuôi bò dưới tán rừng, các thành viên Hợp tác xã lấy phân bò ủ hoai mục bón cho cây thảo dược và cây rừng mới trồng. Không khó hiểu, cây thảo dược và cây rừng mới trồng đều phát triển tốt.
Theo Trang Sử, tính đến nay, Hợp tác xã trồng gần 30ha rừng. Sắp đến, Hợp tác xã sẽ tiếp tục liên kết với dân mở rộng thêm thành viên, dự kiến trồng thêm gần 500ha rừng, gắn với trồng cây thảo dược, chế biến thêm nhiều sản phẩm OCOP từ thảo dược, tạo việc làm và góp phần nâng cao đời sống người dân.
Với những gì được biết, không ngạc nhiên khi các nhà hảo tâm, các “mạnh thường quân” yêu thiên nhiên, yêu rừng, có tâm nguyện với rừng, đặt niềm tin với Trang Sử và Hợp tác xã. Không phải ngẫu nhiên, nhóm bạn yêu thiên nhiên thành lập nhóm “Phủ xanh Măng Đen”, nay chuyển sang nhóm “Trồng rừng hôm nay” để hỗ trợ Hợp tác xã Trồng rừng hôm nay.
|
Và tôi thật sự cảm động khi trong nhóm “Trồng rừng hôm nay” có cặp vợ chồng trẻ Phạm Văn Quyết - Phan Hải Yến ở tỉnh Đăk Nông, mặc dù con còn nhỏ nhưng anh chị vẫn bồng bế lên đến rừng của Hợp tác xã Trồng rừng hôm nay để chiêm nghiệm và thực hiện những gì mình muốn. Nhóm “Trồng rừng hôm nay” của anh hỗ trợ cây giống và cả kinh phí quyên góp cho Hợp tác xã. Chị Nguyễn Thị Xuân Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh) nhóm “Đi để chữa lành” tự nguyện bán trà giấc ngủ, quyên góp tài chính hỗ trợ Hợp tác xã mà không tính toán. Ngay cả Phó Giáo sư (xin được giấu tên) ở trường đại học có tiếng trong nước cũng lên rừng trồng và hỗ trợ tiền tiết kiệm của mình cho Hợp tác xã.
Thăm cơ sở chế biến của Hợp tác xã, tôi thấy người lao động tham gia chế biến trà giấc ngủ đều mặc đồ bảo hộ lao động theo đúng quy định và miệt mài làm việc. Mỉm cười thay cho câu chào, chị Y Xiên tham gia chế biến trà thảo mộc, nhỏ nhẹ: “Em tham gia chế biến trà ở đây 3 năm rồi. Hợp tác xã trả công gần 5 triệu đồng/tháng. Mức lương đủ sống, công việc nhẹ nhàng”.
Trà giấc ngủ của Hợp tác xã có hai loại: Trà túi lọc và trà sấy khô. Thành phần trà gồm lá lạc tiên, lá đinh lăng và nụ tam thất. Giá trà túi lọc 155 nghìn đồng/gói; trà sấy khô 120 nghìn đồng/gói. Việc sản xuất trà qua nhiều công đoạn, nhưng việc sấy trà do chính tay Trang Sử. Từng đam mê cây thuốc và nghiên cứu nhiều về cây thuốc, nên việc tìm ra phương pháp sấy, chế biến trà theo cách riêng đối với Trang Sử không khó. Có lẽ vì vậy, trà giấc ngủ của ông hiệu dụng, được nhiều người biết đến, sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó.
Nhiều người uống trà giấc ngủ thấy ngủ ngon, khỏe mạnh, mách nhau mua, rồi từ đó tin yêu, hỗ trợ cho Hợp tác xã. Và chính tôi cũng từng uống và kiểm nghiệm từ trà giấc ngủ nên khá rõ.
Trao đổi về Hợp tác xã Trồng rừng hôm nay, bà Nguyễn Thị Thu- Bí thư Đảng ủy xã Văn Lem đánh giá cao những nỗ lực của Hợp tác xã trong việc trồng rừng, thảo dược dưới tán rừng và sản xuất sản phẩm OCOP từ thảo dược. Bà cho biết, nếu Hợp tác xã huy động thêm nguồn lực trồng rừng, thì xã sẽ phối hợp vận động đồng bào DTTS tham gia trồng rừng, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Và kể cũng lạ, khi hạ bút kết thúc bài viết này, tôi như nghe “tiếng rừng” đang gọi và mùa Xuân tràn về.
Văn Nhiên