Thu nhập ổn định từ nghề làm bánh tráng
Ở xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum), nghề làm bánh tráng đã tồn tại hàng chục năm nay. Nghề này đã và đang tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình nơi đây.
Đến xã Vinh Quang, men theo con đường dẫn vào các thôn Phương Quý 1, Phương Quý 2, không khó để bắt gặp những phên bánh tráng được phơi đều tăm tắp. Hằng ngày, từ tờ mờ sáng, người làm bánh tráng ở xã Vinh Quang đã thức dậy, ngâm gạo, nhóm bếp, xay và pha bột rồi tráng bánh. Tuy vất vả, hàng chục năm qua, người dân nơi đây vẫn duy trì công việc này bởi đây là nghề mang lại thu nhập ổn định.
Mặc dù đã 59 tuổi, nhưng ngày ngày bà Huỳnh Thị Cảnh (thôn Phương Quý 1) vẫn miệt mài xay bột, làm bánh tráng. Trung bình mỗi ngày, bà Cảnh làm ra khoảng 520 cái bánh, trong khoảng 9 giờ đồng hồ.
Bà Cảnh cho hay, nguyên liệu để làm bánh tráng chủ yếu là gạo. Gạo được chọn để làm bánh phải là gạo chất lượng tốt, hạt không bị mốc, không lẫn tạp chất. Sau đó, gạo sẽ được ngâm trong nước 1 - 2 tiếng rồi đem đãi sạch, xay thành bột rồi tráng thành bánh trên nền nhiệt của nước sôi. Bánh sau khi tráng sẽ được đặt lên phên và phơi dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng 2 - 3 tiếng. Bánh sau khi phơi khô sẽ được hơ qua lò lửa nhỏ, cắt gọt lại cho đều rồi xếp thành từng xấp.
|
“Bánh tráng ngon hay không quan trọng ở khâu chọn nguyên liệu, kỹ thuật làm bánh. Gạo làm bánh phải thơm, dẻo. Bột xay phải mịn, không vón cục. Trong quá trình tráng bánh, phải dàn bột sao cho đều để bánh không bị nứt, không bị chỗ dày chỗ mỏng” - bà Cảnh nói.
Trung bình, cứ 20 chiếc bánh tráng bà Cảnh bán với giá 55.000 đồng. Mỗi năm, bà thu về hơn 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện, sản phẩm bánh tráng của bà Cảnh được nhiều khách hàng tại thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà ưa chuộng, đặt mua.
Tranh thủ ngày nắng to, ít gió, ông Võ Đình Lộc (56 tuổi, thôn Phương Quý 1) vội mang những phên bánh tráng đi phơi. Sở dĩ ông Lộc vội vàng như vậy là vì dịp Tết, nhu cầu mua bánh tráng cao, nên ông tranh thủ làm 2 đợt một ngày để đảm bảo số lượng, nâng cao thu nhập.
“Ngày thường, tôi chỉ tráng bánh vào buổi sáng và trưa, riêng buổi chiều sẽ dành toàn bộ thời gian cho việc phơi bánh. Những tuần giáp Tết, nhu cầu mua bánh tráng tăng cao nên tôi sẽ làm 2 đợt trong 1 ngày. Mấy nay trời có nắng, lại ít gió nên việc làm bánh rất thuận lợi” - ông Lộc phấn khởi nói.
Với đôi tay thoăn thoắt của mình, chẳng mấy chốc hàng chục phên bánh tráng đã được ông Lộc đặt phơi ở nơi có nắng. Ông Lộc cho hay: Trong nhà chỉ có 2 vợ chồng tôi làm bánh tráng. Những ngày này, chỉ sợ không có bánh chứ không sợ thiếu người mua.
Sự tự tin của ông Lộc là có căn cứ. Vì với những người thường xuyên sử dụng bánh tráng, có lẽ không xa lạ gì với thương hiệu bánh tráng xã Vinh Quang. Ở đây, không chỉ nổi tiếng vì có nhiều gia đình cùng làm bánh tráng, mà còn vì chất lượng của bánh.
|
Theo ông Lộc, muốn làm được một mẻ bánh ngon, phải trải qua tuần tự các công đoạn như: Chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, nêm gia vị, tráng bánh, đem phơi. Phần bột cho mỗi chiếc bánh phải vừa vặn, tán bột phải đều tay sao cho chiếc bánh tròn, kích thước vừa đủ. Công đoạn lấy bánh từ lò ra vỉ cũng rất khó, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa người tráng và người lấy bánh. Bởi lúc này bánh vẫn còn ướt và dễ bị rách, người lấy bánh phải thật nhẹ nhàng lấy rồi đặt bánh lên mặt vỉ. Bánh sau đó sẽ được phơi dưới ánh nắng mặt trời từ 2 - 3 tiếng, đến khi bánh dịu lại thì mang vào để trong mát. Vì nếu để ngoài nắng quá lâu bánh sẽ bị teo lại, dễ bị vỡ và mất đi hình dáng ban đầu.
Cũng theo ông Lộc, các công đoạn làm bánh tráng đòi hỏi người làm phải rành nghề, bởi quy trình làm bánh tráng phải tuân thủ thời gian nghiêm ngặt, nhất là thời gian ngâm gạo và xay bột. Chưa kể đến các nguyên liệu phải được phối trộn theo nguyên tắc và tỷ lệ nhất định để sản phẩm đạt chất lượng.
Trung bình, mỗi ngày ông Lộc làm được khoảng 650 cái bánh tráng. Với giá bán 45.000 đồng cho 20 cái, mỗi tháng, ông thu về hơn 16 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Với chất lượng thơm ngon, giá cả phải chăng, những năm qua bánh tráng của cơ sở ông Lộc luôn được nhiều đại lý, tiểu thương nhập hàng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho hay: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 9 hộ dân làm bánh tráng, tập trung chủ yếu ở các thôn Phương Quý 1, Phương Quý 2 và Trung Thành. Từ làm bánh tráng, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Địa phương đang từng bước tạo điều kiện để các hộ làm bánh tráng tiếp cận khoa học công nghệ để nâng cao sản lượng bánh, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập. Đồng thời, hỗ trợ người dân khâu giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các hội chợ, giao lưu, xúc tiến thương mại mà địa phương tổ chức.
Thu Hiền