Thu hút đầu tư vào Khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp
Thời gian qua, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ngành và các địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, đẩy nhanh tiến độ hình thành phát triển khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường thu hút đầu tư
Theo ông Vũ Mạnh Hải- Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, với sự nỗ lực của Ban quản lý trong công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được các doanh nghiệp vào hoạt động và đạt được một số kết quả.
Tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã thu hút được 66 dự án của 54 nhà đầu tư, Trong đó, 22 dự án đang hoạt động, 8 dự án tạm dừng hoạt động; 1 dự án xây dựng xong chưa hoạt động; 3 dự án tạm dừng do ảnh hưởng dịch covid -19; 32 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng. Tổng vốn đăng ký 1.470,960 tỷ đồng và đã thực hiện 576,915 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2005-2020, có 3.728.485 lượt hành khách xuất, nhập cảnh; 444.718 lượt phương tiện xuất-nhập cảnh; giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 1.979.664.805 USD (trong đó giá trị hàng hoá xuất khẩu 685.102.369 USD; giá trị hàng hoá nhập khẩu1.294.562.436 USD) qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Tổng thu ngân sách đạt 2.294,9 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong Khu kinh tế đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước 36,532 tỷ đồng.
Tại Khu công nghiệp Hòa Bình, đã lấp đầy quỹ đất công nghiệp với 36 dự án, trong đó, có 23 dự án đang hoạt động; 1 dự án xây dựng xong chưa hoạt động và 6 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng.; có 1 dự án đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc), vốn đầu tư đăng ký 25,56 tỷ đồng tương đương 1,1 triệu USD nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tổng vốn đăng ký là 655.906 triệu đồng và đã thực hiện 369.957 triệu đồng.
Tại Khu công nghiệp Sao Mai đã giới thiệu địa điểm và cung cấp thông tin quy hoạch cho 3 nhà đầu tư với diện tích 44,19 ha/150ha gồm: Công ty cổ phần Dược liệu Măng Đen 34,2 ha, đang lập thủ tục để cấp quyết định đầu tư hình thành Cụm nhà máy chế biến thực phẩm và dược liệu công nghệ cao Nam Kon Tum; Công ty TNHH MTV Hiệp Hằng Gia Lai 4,99 ha để lập dự án Nhà máy sơ chế và sản xuất dược liệu; Công ty TNHH cây xanh đô thị Nguyên Hải Gia Lai 5ha để lập dự án sản xuất nước uống từ thảo dược.
Khu công nghiệp Bờ Y đã có nhà đầu tư đăng ký và đang tổ chức khảo sát.
Cụm công nghiệp Đăk La cũng đã có 5 dự án đầu tư (trong đó, có 3 doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng nhà máy) tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 308,5 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy 12,42%....
|
Vẫn còn nhiều khó khăn
Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác thu hút đầu tư vào Khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Một số dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng nhưng khó thu hồi (theo quy định thì dự án vi phạm về đất đai phải có kết luận thanh tra mới được thu hồi đất). Công tác quy hoạch và xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế thay đổi nhiều, thiếu ổn định làm cho nhà đầu tư phải chờ đợi, thiếu yên tâm đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút đầu tư. Hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế chậm được đầu tư dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Thiếu nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng GPMB, đầu tư...
Ông Vũ Mạnh Hải cho biết: Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y hiện đang gặp khó khăn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh; chưa có chính sách ưu đãi đột phá đối với các khu kinh tế cửa khẩu và thiếu sự ổn định trong các cơ chế, chính sách tài chính ban hành. Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y ở khu vực biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, để huy động được các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi, ổn định. Hơn nữa, các dự án đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu đều có quy mô nhỏ, tiến độ triển khai dự án chậm, chưa có nhà đầu tư chiến lược làm nhân tố tạo động lực thu hút đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có tăng nhưng quy mô nhỏ, chưa ổn định; chưa có dự án sử dụng nguồn vốn ODA, huy động vốn từ trái phiếu, BT, BOT, BTO…
Hay như ở Khu công nghiệp Sao Mai để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến cần khoảng 150 tỷ đồng, trước mắt cần khoảng 60 tỷ đồng để bồi thường toàn bộ 62,6 ha đất Khu Đô thị-dịch vụ Sao Mai và khoảng 15 ha đất khu công nghiệp để giới thiệu cho nhà đầu tư...
Với mục tiêu tăng cường đầu tư, sớm hoàn thiện hạ tầng KCN Sao Mai, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu công nghiệp Đăk Tô và các cụm công nghiệp được giao quản lý; thu hút đầu tư các dự án hậu cần xuất nhập khẩu tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, rõ ràng, những khó khăn, bất cập trên rất cần sớm được tháo gỡ.
Phúc Nguyên