Thành phố Kon Tum: Cần tháo gỡ vướng mắc tại Lò giết mổ tập trung
Cuối năm 2022, một số hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Kon Tum đã chuyển địa bàn hoạt động từ khu vực dân cư vào lò giết mổ tập trung. Bên cạnh những hiệu quả tích cực mang lại, Lò giết mổ tập trung vẫn còn nhiều bất cập, cần được cơ quan chức năng quan tâm giải quyết kịp thời.
Từ 0h- 5h sáng mỗi ngày, hoạt động tại Lò giết mổ tập trung diễn ra khá nhộn nhịp. Các hộ giết mổ khẩn trương làm việc để kịp thời chuyển thịt đến các chợ của thành phố, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Anh Đặng Trung Hiếu (ở thôn Kon Rơ Bàng 1, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) tâm sự: Nhiều năm nay, gia đình tôi làm nghề giết mổ gia súc trong khu dân cư thuộc thôn Kon Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang. Mỗi ngày, lượng chất thải, nước thải ra môi trường khá nhiều nên không thể xử lý hết, mùi hôi thối bốc ra khu dân cư. Tôi rất khó xử khi hàng xóm nhiều lần ý kiến, phản ảnh lên gia đình và chính quyền địa phương. Cuối năm 2022, gia đình tôi chuyển vào hoạt động tại Lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum thì thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là không còn lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn (ở thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 1, xã Đăk Blà) cho biết: Gia đình tôi làm nghề giết mổ gia súc đã 10 năm nay. Từ sự vận động của chính quyền địa phương, tháng 10/2022, gia đình tôi chuyển về làm tại Lò giết mổ tập trung của thành phố Kon Tum. Khi mới qua đây, gia đình được hỗ trợ chi phí tiền điện, mặt bằng, phí dịch vụ, hạ tầng tại khu giết mổ cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu của gia đình.
|
Lò giết mổ tập trung của thành phố Kon Tum hiện thu hút được khoảng 20 hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm. Bên cạnh ưu điểm về việc đảm bảo môi trường sống tại khu dân cư và thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu giết mổ, Lò giết mổ tập trung đã bộc lộ các bất cập về hệ thống xử lý nước thải và nguồn nước sử dụng.
Theo hồ sơ thiết kế, bể chứa nguồn nước thải qua hệ thống xử lý có tổng sức chứa là 176m3 (trong đó, bể lắng 70m3, bể tách dầu mỡ 36m3, bể lọc 70m3). Nước thải sau khi xử lý qua hệ thống xử lý đổ ra hồ chứa sinh học rồi dẫn ra mương nước thủy lợi ra bên ngoài.
Với số lượng gia súc được giết mổ như hiện nay (hơn 100 con gia súc giết mổ/ngày) theo quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về "sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường", thì cần phải lập Kế hoạch bảo vệ môi trường tại lò giết mổ tập trung. Tuy nhiên, do nước thải ra môi trường sau khi xử lý chưa đạt loại A nên không đủ điều kiện để cấp thẩm quyền xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, khoảng 50m3 nước thải mỗi ngày tại Lò giết mổ tập trung đang gây tình trạng quá tải, tắc nghẽn hệ thống xử lý nước thải, dẫn đến nước thải tràn ra ngoài bể chứa, bốc mùi hôi thối, gây bức xúc cho người dân sống gần đây.
Ngoài ra, 2 hệ thống lọc nước của Lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum dù chạy hết công suất nhưng đã không cung cấp đủ nhu cầu nước sử dụng cho các hộ kinh doanh tại khu giết mổ. Nguyên nhân là do độ phèn trong nguồn nước rất cao đã làm tắc nghẽn, xuống cấp hệ thống lọc, dẫn đến tốc độ lọc và cấp nước chậm.
Là đơn vị được giao quản lý sử dụng Lò giết mổ tập trung, bà Trần Thị Thúy- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum cho hay: Để việc cấp nước và xử lý nước thải tại Lò giết mổ tập trung đạt hiệu quả cao hơn, Trung tâm đề nghị UBND thành phố hỗ trợ kinh phí để tiến hành hút bể chứa nước thải kịp thời, hạn chế việc nước thải tràn ra ngoài môi trường xung quanh, gây bức xúc trong nhân dân; tiến hành kiểm tra, xử lý hệ thống lắng, lọc đầu vào để quá trình cấp nước được liên tục, không tắc nghẽn. Về lâu dài, Lò giết mổ tập trung rất cần được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước đầu vào và hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định.
Tấn Lộc