Tăng cường hỗ trợ, nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP
Thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương luôn tích cực đồng hành, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, các chủ thể xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp ở các địa phương.
Qua 4 năm hình thành và phát triển chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 188 sản phẩm OCOP đạt từ 3- 5 sao (còn hiệu lực), trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, 16 sản phẩm 4 sao và 165 sản phẩm 3 sao. Dự kiến trong năm 2023, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, khả năng tỉnh ta sẽ có thêm 6 sản phẩm đạt 5 sao.
Để có được kết quả này, thời gian qua, cùng với nỗ lực của các chủ thể OCOP; các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các tổ chức, hợp tác xã, đơn vị trực tiếp làm ra các sản phẩm OCOP.
Trước hết, các ngành, địa phương thường xuyên đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP. Qua đó, các chủ thể từng bước hiểu, nhận thấy được lợi ích, hiệu quả của việc phát triển các sản phẩm theo tiêu chuẩn, tiêu chí OCOP và tích cực tham gia chương trình.
|
Các cấp, ngành đã tích cực hướng dẫn các chủ thể định hình ý tưởng, phát triển sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương; tăng cường đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có trên 200 lượt chủ thể được tập huấn về công tác quản lý, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa. Từ đó, sản phẩm OCOP của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng hoàn thiện về mẫu mã, nâng cao chất lượng; tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện và động lực cho các chủ thể OCOP mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương và các ngành chức năng còn tăng cường quảng bá, triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị để hoàn thiện quy trình sản xuất.
Theo đó, từ nguồn vốn của các chương trình khuyến công, hỗ trợ hợp tác xã, thời gian qua, toàn tỉnh có hơn 40 hợp tác xã được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến. Trên 100 sản OCOP của tỉnh được bày bán, giới thiệu tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và được kết nối tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử. Đặc biệt, toàn tỉnh có gần 500 dịch vụ sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP của 278 tổ chức, cá nhân được cập nhật, giới thiệu trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: https://kontumtrade.gov.vn; http://voso.vn, https://postmart.vn.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn, tỉnh ta còn nhiều tiềm năng để phát triển OCOP. Trong kế hoạch phát triển chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 350 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Để đạt mục tiêu đề ra, các cấp, ngành tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất của cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn và sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển tiềm năng, lợi thế của địa phương; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động kết nối cung cầu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống thương mại điện tử.
Có thể thấy, trong giai đoạn này, chương trình OCOP có những thay đổi lớn với những yêu cầu cao hơn. Vì vậy, để tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, cùng với việc tăng cường hoạt động kiến tạo, quản lý và hỗ trợ của các cấp, ngành thì các chủ thể OCOP cần phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.
Thiên Hương