Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng
Ngày 13/2, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND tỉnh nêu rõ, giám đốc các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.
Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của các cơ quan, ban ngành, UBND các cấp; xác định rõ vai trò của người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm.
|
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương.
Người đứng đầu đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính đối với các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên lâm phần, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
Quán triệt tinh thần “phòng cháy rừng là chính, phát hiện sớm và tổ chức chữa cháy rừng khẩn trương, kịp thời, triệt để và an toàn” theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” trong quá trình tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường kiểm tra lực lượng ứng trực của các đơn vị chủ rừng trong suốt mùa nắng nóng; kiểm tra lực lượng trực chốt, việc kiểm soát người ra vào rừng trên địa bàn.
Chỉ đạo hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng của người dân. Nghiêm cấm các hoạt động đốt xử lý thực bì và các hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây ra cháy rừng trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài.
Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2025 gắn với Ngày môi trường Thế giới để thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
|
Tổ chức thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, đảm bảo đúng tiến độ thời gian; xây dựng Phương án chuyển loại rừng trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ theo quy định.
Hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định pháp luật. Không xem xét thẩm định, trình phê duyệt đối với các dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác khi chưa đáp ứng các điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin cảnh báo cháy rừng đến các địa phương, chủ rừng; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng, duy trì chế độ thường trực công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng phương án và tổ chức diễn tập chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm cấp huyện, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng. Phối hợp với các lực lượng thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp phòng cháy, chữa cháy rừng để tổ chức ứng cứu, xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn; điều tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng để nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, nâng cao trữ lượng các-bon của rừng và phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, công tác tận dụng lâm sản đảm bảo theo đúng ranh giới, vị trí được chuyển đổi, thống nhất giữa hồ sơ và thực địa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Các chủ rừng kiểm tra, rà soát, bổ sung các phương án, kế hoạch quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; rà soát phương tiện và trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo vận hành, hoạt động tốt để phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đến cộng đồng dân cư. Thực hiện tốt công tác cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng đến các trạm, chốt bảo vệ rừng trực thuộc để chủ động phương án phòng ngừa khi có cháy rừng xảy ra.
Thường xuyên tổ chức lực lượng phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, truy quét các khu vực trọng điểm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đề nghị xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp theo quy định, không để phát sinh các điểm nóng trên lâm phần quản lý.
Có phương án, kế hoạch sẵn sàng phối hợp với các lực lượng để ứng phó, xử lý kịp thời đối với các tình huống cấp bách trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên lâm phần đơn vị quản lý. Trường hợp cháy rừng vượt quá khả năng khống chế của đơn vị thì báo cáo ngay chính quyền địa phương để kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ chữa cháy, nhằm ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Trường hợp gây thiệt hại về rừng do cháy rừng gây ra mà chủ rừng không thực hiện đúng và đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra và thủ trưởng đơn vị chủ rừng phải bị xử lý theo quy định.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị rà soát, chủ động xây dựng phương án hỗ trợ, phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng trong hoạt động tuần tra, truy quét và điều tra, xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.
Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng và phát các bản tin, phóng sự, chương trình phát thanh, truyền hình chuyên đề về công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Cung cấp nội dung cho UBND các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng để sử dụng làm tư liệu tuyên truyền tại các thôn, làng, cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh kịp thời cung cấp Bản tin dự báo thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng và phòng chống thiên tai.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Hồng Lam