Quan tâm xây dựng sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là Chương trình quan trọng, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn và thực hiện một số mục tiêu về xây dựng nông thôn mới. Xác định được mục đích và ý nghĩa của Chương trình, các chủ thể trên địa bàn tỉnh đã tích cực, quan tâm đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP.
|
Ngày 29/4, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đợt 1 năm 2025. Tham gia đợt đánh giá, phân hạng có 12 sản phẩm, gồm: 5 sản phẩm mới của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên ở huyện Đăk Tô; 4 sản phẩm đánh giá lại do hết hiệu lực của HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung ở huyện Đăk Hà (trong 4 sản phẩm này có 3 sản phẩm đã từng được công nhận đạt 4 sao, 1 sản phẩm đã từng được công nhận đạt 3 sao); 3 sản phẩm thi nâng hạng của Công ty Cổ phần cà phê Đăk Hà (cả 3 sản phẩm đều đã từng được công nhận đạt 3 sao).
Theo Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, qua công tác thẩm tra hồ sơ, tất cả 12 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đợt 1 năm 2025 đều đủ các điều kiện để được đánh giá, phân hạng theo quy định.
|
Nhìn chung, các chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đợt 1 năm 2025 đều có kinh nghiệm trong việc tham gia Chương trình OCOP và quy mô sản xuất - kinh doanh của các chủ thể ngày càng mở rộng, thương hiệu phát triển và đạt tăng trưởng về lợi nhuận trong những năm gần đây.
Đối với các sản phẩm của các chủ thể, các sản phẩm đều có chất lượng cao, mẫu mã bao bì đẹp, tiện dụng và sang trọng, nguồn gốc nguyên liệu của các sản phẩm chủ yếu có xuất xứ trong tỉnh. Các sản phẩm có mặt tại nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và có thị trường phân phối lớn.
Ông Đặng Trần Huân - Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tập trung nghiên cứu, đánh giá khách quan, công tâm, để từ đó, xác định được các sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên, có khả năng phát triển bền vững và hướng tới xuất khẩu.
HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) được thành lập năm 2012. HTX có 113 thành viên (trong đó, có 81 hộ thành viên liên kết sản xuất) với tổng diện tích vùng nguyên liệu trồng cây cà phê đã bước vào giai đoạn kinh doanh lên tới 300ha và sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 1.050 tấn cà phê nhân.
Nhiều năm qua, HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung không ngừng đầu tư, hiện đại hóa quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ cao vào quy trình chăm sóc, sơ chế, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê nguyên liệu. Bên cạnh đó, HTX còn tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm cà phê chế biến chuyên sâu đạt chất lượng cao để tiêu thụ trên thị trường. Đến năm 2024, HTX có 7 sản phẩm OCOP làm từ nguyên liệu cà phê được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận, gồm 3 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao.
Ông Nguyễn Tri Sáu- đại diện HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung - chia sẻ, các sản phẩm cà phê của HTX đều đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Quy trình chế biến cà phê và bao bì đựng các sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn công nghệ Châu Âu. “Các sản phẩm OCOP của HTX ngày càng được nhiều người biết đến. Các sản phẩm OCOP có mặt tại nhiều hội nghị xúc tiến thương mại và đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường”- ông Sáu cho biết.
Năm 2025, tỉnh xác định mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận, tiếp tục phát triển các sản phẩm mới, phấn đấu có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm ít nhất 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, chất lượng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Để đạt mục tiêu đề ra, các sở, ngành của tỉnh, chính quyền địa phương ở cơ sở cần tiếp tục chủ động phối hợp, triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo kế hoạch đã xây dựng, tập trung hỗ trợ chủ thể thực hiện thủ tục hành chính, quan tâm huy động, phân bổ các nguồn lực để tổ chức thực hiện Chương trình hiệu quả.
Về phía các chủ thể, cần tiếp tục phát huy, nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm, tăng cường hoạt động quảng bá, tham gia xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi giá trị để tăng giá trị và lợi nhuận.
Đức Thành