Phòng từ sớm, tránh từ xa
Trong các loại hình thiên tai mà nước ta nói chung và Kon Tum nói riêng thường xuyên phải hứng chịu, lũ quét, sạt lở đất được xem là khó lường và gây thiệt hại nặng nề hơn cả. Vì vậy, việc chủ động phòng, chống sạt lở từ sớm, từ xa nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh mùa mưa bão đang đến.
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước chịu ảnh hưởng của nhiểu loại hình thiên tai, trong đó, có những vụ sạt lở xảy ra gây thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. Gần đây nhất là vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) làm 2 người chết, 5 người bị thương cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề và việc tăng cường phòng, chống là hết sức cần thiết.
Trước thực tế đó, ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 607/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng.
Với đặc thù nhiều đồi núi, địa hình chia cắt, tỉnh ta thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các đợt mưa với cường độ, tần suất lớn gây lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi.
Những năm qua, công tác phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở đất nói riêng luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, tỉnh và các địa phương đã ưu tiên bố trí nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đảm bảo an toàn trước tác động thiên tai, hỗ trợ người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở đến những nơi định cư an toàn.
|
Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số nơi do điều kiện khách quan và tập quán sinh sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS vẫn có thói quen làm nhà ở các triền núi, canh tác ven sông suối, các sườn núi khả năng bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở cao. Vì thế, hầu như năm nào cũng có những vụ việc sạt lở, lũ lụt đáng tiếc xảy ra gây hư hại nhà cửa, tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân.
Chỉ tính riêng trong mùa mưa bão năm 2022, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài, lũ quét, sạt lở đất, toàn tỉnh đã có 3 người chết, 157 nhà ở của người dân bị thiệt hại, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị sạt lở; 26 công trình thủy lợi; 52 cầu, cống, ngầm bị hư hỏng ước tính giá trị thiệt hại về tài sản trên 319,2 tỷ đồng.
Hiện nay, theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng chục vị trí sạt lở ven sông, suối như tại khu vực dọc sông Đăk Pne (huyện Kon Rẫy), sông Pô Kô (qua huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô), sông Đăk Bla (qua thành phố Kon Tum). Do đó, việc xác định và triển khai ứng dụng các giải pháp cảnh báo, dự báo, phòng tránh kịp thời, hiệu quả sẽ hạn chế những thiệt hại, mất mát do sạt lở gây ra.
Ngày 3/7/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2057/UBND-NNTN về việc tập trung triển khai công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh. Ngày 5/7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn số 2100/UBND-NNTN về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ theo chỉ đạo tại Công điện số 607/CĐ-TTg (ngày 1/7/2023) của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, việc triển khai phòng từ sớm, tránh từ xa là nhiệm vụ được Chủ tich UBND tỉnh đề ra cho các ngành, địa phương. Trong đó, phải chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường; kiên quyết tổ chức di dời; chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời; bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng; kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối nhằm khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở; rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng dòng chảy hoặc có nguy cơ sạt lở cao.
Tỉnh ta đã vào mùa mưa bão, thiên tai ngày càng cực đoan, đặc biệt, lũ quét, sạt lở đất thường ập đến rất bất ngờ, gây ảnh hưởng nặng nề. Do đó, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm với phương châm “phòng hơn chống” góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của cho nhân dân.
Thùy Hương