Phát triển nông nghiệp chủ động, thích ứng với biến đổi khí hậu
Những năm qua, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng chủ động, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhằm góp phần xây dựng ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng điện đại, bền vững, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Với trên 902.391ha đất nông nghiệp cùng với sự đa dạng điều kiện tự nhiên như địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh ta có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp. Nhưng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây, biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh; tình trạng mất mùa, dịch bệnh phát sinh và lây lan do thời tiết thất thường là nỗi lo thường trực với nông dân.
Chính vì vậy, việc phát triển nông nghiệp theo hướng chủ động, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để thích ứng tốt nhất và chịu đựng được với những tác động tiêu cực thời tiết là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân.
|
Thực hiện chủ trương trên, trong những năm qua, với sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động và hỗ trợ người dân đẩy mạnh chuyển đổi mùa vụ, cây trồng, ưu tiên đưa các loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh vào canh tác. Trong đó, tập trung chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả và đất trồng mì bạc màu, năng suất thấp, bị nhiễm bệnh, diện tích cao su hết chu kỳ kinh doanh sang trồng các loại cây trồng có giá trị như cây ăn quả, mắc ca, mía.
Đồng thời, triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân; sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, sử dụng nhà màng, nhà lưới; áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao như VietGAP, hữu cơ, Global GAP. Qua đó, giúp giảm bớt rủi ro do những tác động tiêu cực của thời tiết đối với sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản và góp phần bảo vệ môi trường.
Năm 2016, với sự hỗ trở của Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, 4 hộ dân trồng rau tại Tổ 4, phường Thắng Lợi triển khai mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô là 2,4ha. Mô hình được đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ nhà màng giá rẻ, sử dụng hệ thống tưới tự động. Nhờ đó, việc sản xuất rau của những hộ dân không còn phụ thuộc nhiều thời tiết, giúp kiểm soát được rủi ro do nắng mưa thất thường, sâu bệnh gây hại, năng suất thu hoạch cao hơn và góp phần lan tỏa, mở ra hướng sản xuất mới cho người dân trên địa bàn. Qua đó, đã có 15 hộ tham gia, hình thành Tổ hợp tác trồng rau an toàn phường Thắng Lợi với diện tích trồng 3,62ha, tạo ra sản phẩm rau an toàn cung ứng cho thị trường.
Hay như Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Ya Ly (huyện Sa Thầy) có 40ha trồng cây ăn trái, trong đó có 20 ha trồng sầu riêng, 15ha cao su, 3ha mắc ca và 2ha bơ, mít Thái trồng xen.Toàn bộ diện tích này được hợp tác xã đầu tư sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt hiện đại của Israel, phân bón được pha trực tiếp vào bồn chứa nước, tự động tưới nước theo ý muốn. Nhờ đó, giúp tiết kiệm tối đa lượng nước tưới, phân bón, khắc phục được tình trạng thiếu nước tưới, đất bị khô khi thời tiết nắng nóng, khô hạn; đồng thời giảm thiểu công lao động, nâng cao năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, hợp tác xã áp dụng các kỹ thuật cho ra sản phẩm trái cây lệch vụ, trái vụ, hạn chế tình trạng được mùa mất giá, tối đa hóa lợi nhuận.
|
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 16.192ha cây trồng sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (huyện Kon Plông) và vùng sản xuất cà phê vối ứng dụng công nghệ cao Đăk Hà. Toàn tỉnh đã thực hiện dồn đổi, tích tụ được 394ha để xây dựng “cánh đồng lớn” với 675 hộ gia đình và 2 cộng đồng dân cư tham gia, thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số cánh đồng lớn đối với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước theo mô hình liên kết sản xuất.
Cùng với trồng trọt, những năm gần đây, hình thức chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng về số lượng và quy mô, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Toàn tỉnh hiện có 142 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín có hệ thống làm mát về mùa hè và sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, có hệ thống xử lý chất thải tiên tiến giúp vật nuôi được sinh trưởng trong môi trường tiểu khí hậu phù hợp, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ sử dụng công nghệ giống mới, chế phẩm sinh học, máy quạt nước, máy sủi để làm tăng hàm lượng oxy trong nước, giúp chống chịu với thời tiết bất thuận.
Việc thay đổi tư duy sản xuất từ làm theo kinh nghiệm, thuận tự nhiên sang áp dụng khoa học công nghệ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu đã đem lại những hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Qua đó, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao quanh năm, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Thiên Hương