Phát triển bền vững cây công nghiệp dài ngày
Tỉnh ta xác định, cao su, cà phê là những loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Vì vậy, việc đảm bảo phát triển ổn định, bền vững, đúng quy hoạch các loại cây trồng này là nhiệm vụ quan trọng.
Để tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, tỉnh ta triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây cà phê, hướng đến mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, chất lượng.
Trong đó, tập trung hỗ trợ mở rộng diện tích cà phê xứ lạnh trên địa bàn các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với thương hiệu “Cà phê xứ lạnh Kon Tum”. Mục tiêu đến năm 2025, cải tạo, phục hồi và phát triển khoảng 5.000ha cà phê xứ lạnh, hình thành ít nhất 3 chuỗi giá trị cà phê chè; giá trị sản lượng bình quân trên 80 triệu đồng/ha. Thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Hà để phát triển cà phê vối; đồng thời, đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê lâu năm già cỗi, kém hiệu quả sang trồng giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao hơn.
|
Hiện, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 29.127ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Glei và Ngọc Hồi.
Trước mùa trồng mới năm 2023, việc giá cà phê nhân trên thị trường tăng cao đã đặt ra nhiều áp lực về việc giữ vững diện tích cây trồng này. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và các địa phương phải tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ồ ạt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch, thay vào đó cần tích cực triển khai thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn 4C UTZ, xây dựng quy trình chuẩn thâm canh bền vững để nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư chế biến để nâng cao giá trị cà phê, liên kết với nông dân xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 cơ sở thu mua và chế biến cà phê nhân; 27 cơ sở chế biến cà phê bột, 3 cơ sở vừa chế biến cà phê bột vừa chế biến cà phê hòa tan. Sản phẩm cà phê bột và cà phê hòa tan đã được xuất khẩu sang một số nước như Singapore, Bỉ, Thụy sĩ, Tây Ban Nha, Mexico.
Cùng với cà phê, cao su là cây trồng chủ lực được tỉnh chú trọng triển khai phát triển theo đúng quy hoạch. Hiện tại, diện tích cao su trên địa bàn tỉnh khoảng 77.500ha; cây cao su được trồng nhiều tại thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Hà.
|
Trên địa bàn tỉnh có 11 dự án chế biến mủ cao su, chủ yếu là chế biến dưới dạng mủ tờ, mủ cốm để xuất khẩu và dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, 1 nhà máy chế biến sâu sản xuất dây thun khoanh xuất khẩu đi các nước Trung Quốc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc.
Những năm gần đây, hiện tượng người dân tự phát trồng cao su không nhiều nên diện tích cao su được giữ tương đối ổn định (chỉ tăng khoảng 2.700ha trong vòng 6 năm trở lại đây). Tuy nhiên, so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra là phấn đấu đến năm 2025, ổn định diện tích cao su khoảng 70.000ha thì hiện tại vẫn còn cao. Vì vậy, thời điểm này, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, quán triệt người dân, các doanh nghiệp không trồng mới cao su. Đồng thời, vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích cao su hết chu kỳ khai thác sang trồng cây ăn quả, mắc ca, giảm diện tích trồng cao su ở những địa bàn không phù hợp.
Có thể nói, việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện quyết liệt và đúng hướng, đảm bảo theo quy hoạch. Song song với việc giữ ổn định diện tích, các cấp, ngành đẩy mạnh kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, nhất là chế biến sâu nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; mở rộng thị trường xuất khẩu để tạo thuận lợi cho đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm.
Quy hoạch và phát triển bền vững các loại cây công trồng là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nhằm từng bước tạo ra sự thay đổi tích cực về nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, khắc phục được tình trạng trồng trọt manh mún, tự phát chạy theo nhu cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”, “trồng rồi lại chặt”, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội, gây thiệt hai kinh tế, thu nhập của người dân và phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương nói riêng và tỉnh nói chung.
Thiên Hương